Thêm nhiều nước phản đối Catalonia tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha

Ngày càng có thêm nhiều nước, đặc biệt là tại châu Âu, lên tiếng phản đối việc cơ quan lập pháp vùng tự trị Catalonia tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha.

Trong một phát biểu ngày 28/10, Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz khẳng định "tuyên bố độc lập đơn phương của vùng Catalonia" là "bất hợp pháp."

Ông nhấn mạnh điều quan trọng lúc này là duy trì hòa bình và xúc tiến đối thoại nhằm giảm thiểu căng thẳng, hướng tới mục tiêu tìm được một giải pháp trong khuôn khổ Hiến pháp Tây Ban Nha. Ngoại trưởng Áo khẳng định bạo lực không thể là một giải pháp.

Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Litva cũng ra tuyên bố khẳng định nước này tôn trọng và ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền của Tây Ban Nha. Tuyên bố nhấn mạnh Litva và Tây Ban Nha là hai nước có mối quan hệ hữu nghị thân thiện. Tây Ban Nha là một đối tác quan trọng của Litva trong cả Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tương tự, tuyên bố ngày 28/10 của Bộ Ngoại giao Séc nhấn mạnh Praha luôn coi Catalonia là một phần không thể tách rời của Tây Ban Nha. Séc ủng hộ sự tôn trọng Hiến pháp, coi đây là đạo luật cơ bản của nhà nước dân chủ, đảm bảo các quyền và tự do của mọi công dân.

Tuyên bố nêu rõ cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ tại Tây Ban Nha cần phải được giải quyết thông qua luật pháp và đối thoại trong khuôn khổ Hệ thống Hiến pháp của nước này.

Chính phủ Malta cùng ngày cũng tuyên bố không công nhận tuyên bố độc lập đơn phương của vùng tự trị Catalonia tại Tây Ban Nha. Đảo quốc tại Địa Trung Hải và là thành viên nhỏ bé nhất trong EU này bày tỏ ủng hộ chính quyền trung ương Madrid.

Ngoại trưởng Carmelo Abela khẳng định nước này đang theo dõi sát mọi diễn biến ở Tây Ban Nha với sự quan ngại, đồng thời nhấn mạnh lập trường kiên định của Malta là tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Tây Ban Nha.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Malta nêu rõ cuộc khủng hoảng tại Tây Ban Nha hiện nay cần phải được giải quyết phù hợp với trật tự hiến pháp Tây Ban Nha, tôn trọng Hiến pháp Tây Ban Nha và các quyền căn bản của mọi công dân.

Bộ Ngoại giao Romania cũng ra tuyên bố tương tự, tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Tây Ban Nha, bác bỏ tuyên bố độc lập đơn phương của Catalonia.

Trong một diễn biến liên quan, sau khi Thượng viện Tây Ban Nha cho phép Chính phủ của Thủ tướng Mariano Rajoy nắm quyền quản lý trực tiếp tại vùng Catalonia, động thái diễn ra chỉ ít phút sau khi cơ quan lập pháp địa phương này tuyên bố độc lập, một bản tin chính thức của Tây Ban Nha ngày 28/10 cho biết Madrid đã trao quyền kiểm soát Catalonia cho Phó Thủ tướng Soraya Saenz de Santamaria.

Ngay sau khi Thủ tướng Rajoy tuyên bố giải tán cơ quan lập pháp Catalonia, cách chức lãnh đạo vùng này và kêu gọi tiến hành cuộc bầu cử địa phương trước thời hạn, đã diễn ra các cuộc biểu tình ủng hộ và phản đối độc lập cho Catalonia trong đêm 27/10.

Cùng ngày, Lực lượng Cảnh sát vùng Catalonia ra tuyên bố cho biết vẫn hoạt động bình thường cho dù ông Josep Lluis Trapero - lãnh đạo lực lượng này - trước đó cùng ngày bị chính quyền trung ương Tây Ban Nha cách chức.

Trong tuyên bố trên mạng xã hội Twitter, lực lượng cảnh sát khu vực Catalonia nêu rõ: "Bảo vệ và bảo đảm an toàn cho người dân là ưu tiên của chúng tôi. Chúng tôi tiếp tục làm việc bình thường."

Thông báo nội bộ của lực lượng này cũng kêu gọi các thành viên giữ thái độ trung lập trong thực thi nhiệm vụ./.

Theo TTXVN

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/thoi-su/quoc-te/them-nhieu-nuoc-phan-doi-catalonia-tuyen-bo-doc-lap-khoi-tay-ban-nha-30111