Thêm nhiều nước dỡ bỏ hạn chế chống Covid-19, WHO khuyến cáo thận trọng

Trên thế giới ngày càng có nhiều nước tiếp tục dỡ bỏ các biện pháp hạn chế dịch, song theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các nước vẫn cần mở cửa một cách thận trọng trong hành trình trở lại cuộc sống bình thường.

Hôm qua, trên thế giới, hàng loạt quốc gia từ châu Á, châu Âu, châu Mỹ đã chọn ngày 1/5 là thời điểm bắt đầu áp dụng các quy định nới lỏng hoặc dỡ bỏ hạn chế phòng dịch Covid-19.

Tại châu Âu, từ ngày 1/5, các nhà hàng, quán bar và cửa hàng tại Hy Lạp không yêu cầu chứng nhận tiêm phòng. Bulgaria đã dỡ bỏ tất cả các hạn chế nhập cảnh đối với du khách quốc tế. Đức ngừng áp dụng quy định kiểm dịch bắt buộc đối với những người mắc Covid-19.

Ảnh minh họa: Reuters

Ảnh minh họa: Reuters

Tại châu Mỹ, Chile đã mở cửa trở lại tất cả các đường biên giới trên bộ từ ngày 1/5.

Ngày đầu tiên của tháng 5 cũng đánh dấu việc Kuwait dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp phòng dịch Covid-19, đeo khẩu trang không còn là yêu cầu bắt buộc cả ở trong nhà lẫn ngoài trời, tất cả người nhập cảnh, không phân biệt tình trạng tiêm vaccine ngừa Covid-19 cũng không bắt buộc phải làm xét nghiệm PCR.

Còn tại Đông Nam Á, du khách đã được tiêm chủng đầy đủ khi nhập cảnh Thái Lan không phải xét nghiệm bằng phương pháp PCR. Malaysia cũng áp dụng quy định tương tự, trong khi bảo hiểm du lịch không phải là điều kiện tiên quyết đối với người nước ngoài nhập cảnh.

Đây là những ví dụ rõ ràng cho thấy thế giới đã đạt được bước tiến đáng kể trong cuộc chiến với virus SARS-CoV-2 để đưa cuộc sống trở lại bình thường. Bức tranh lạc quan này xuất phát từ tình hình Covid-19 tại nhiều quốc gia trên thế giới tiếp tục có dấu hiệu hạ nhiệt trong 7 ngày qua. Số ca mắc mới và tử vong trên toàn cầu trong tuần tính tới ngày 1/5 tiếp tục giảm mạnh. Đây là xu thế đã duy trì liên tục từ cuối tháng 3 đầu tháng 4, khi các nước đẩy mạnh chiến dịch tiêm mũi tăng cường và tiêm cho đối tượng trẻ em.

Tuy nhiên theo khuyến cáo của, Tổ chức Y tế thế giới, các quốc gia vẫn nên duy trì giám sát các ca mắc Covid-19. Bởi lẽ, dù nhiều nước đang dần dỡ bỏ những biện pháp phòng dịch và trở lại cuộc sống như trước song virus SARS-CoV-2 vẫn chưa biến mất, vẫn đang lây lan, biến đổi và gây các ca tử vong. Mối đe dọa về một biến thể mới nguy hiểm vẫn hiện hữu và thế giới vẫn chưa hiểu hết những hậu quả lâu dài đối với các trường hợp đã khỏi bệnh.

Phát biểu tại cuộc họp báo mới đây nhất, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh:

“Giờ vẫn chưa phải là lúc chúng ta sao nhãng virus SARS-CoV-2 cũng như nguy cơ chúng tiếp tục biến đổi. Thực tế là chúng vẫn đang gây chết người trên khắp thế giới. Thực tế là chúng ta đang dần giảm theo dõi loại virus này khi chúng ta giảm xét nghiệm. Chúng ta vẫn nên duy trì các giải pháp thận trọng trong giám sát dịch bệnh. Liên minh châu Âu là một ví dụ. Họ vẫn duy trì các biện pháp thận trọng đối với môi nguy cơ có tính chất tập thể này. Và tôi cho rằng, quyết định của họ dưa trên các bằng chứng khoa học và dữ liệu đúng đắn”.

Do đó, theo Tổ chức Y tế Thế giới, trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 vẫn còn len lỏi, lẩn quất trong cuộc sống của con người, có lẽ hướng tiếp cận thận trọng và an toàn đối với Covid-19 vẫn là lá chắn vững chắc trên hành trình đưa thế giới trở lại cuộc sống bình thường như trước đây./.

Hồng Nhung/VOV1 Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/them-nhieu-nuoc-do-bo-han-che-chong-covid-19-who-khuyen-cao-than-trong-post941093.vov