Thêm nhiều ngân hàng tăng lãi suất kỳ hạn dài

Mặt bằng lãi suất từ đầu tháng 3 đến nay có một số diễn biến khá chú ý, khi có một số ngân hàng bất ngờ giảm lãi suất đầu vào, ngược lại nhiều ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dài lên một tầm cao mới.

Lãi suất giảm tương đối

Khung lãi suất tiền gửi có hiệu lực ngay từ đầu tháng 3 của ngân hàng Liên Việt chứng kiến điều chỉnh giảm đều 0,2% ở phần lớn các kỳ hạn. Cụ thể, kỳ hạn 1-2 tháng xuống 5,0%, kỳ hạn 3 tháng giảm xuống 5,1%; kỳ hạn 4-5 tháng giảm xuống 5,3%; kỳ hạn 6- 8 tháng giảm từ 6,3% xuống 6,1%; kỳ hạn 9 tháng giảm xuống 6,2%; kỳ hạn 10-11 tháng giảm xuống 6,3%.

Các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên có sự diễn biến trái chiều hơn, cụ thể lãi suất tiền gửi 12 tháng giảm 0,2% xuống 6,9%, kỳ hạn 15-16 tháng giảm từ 7,3% xuống 7,1%, kỳ hạn 18 tháng giảm từ 7,4% xuống 7,2%, kỳ hạn 24 và 25 tháng cũng giảm tương ứng xuống 7,3% và 7,4%. Ngược lại, diễn biến tăng lên ghi nhận ở kỳ hạn 13 tháng khi lãi suất huy động tăng vọt từ 7,2% lên 8%, trong khi các kỳ hạn 48 tháng và 60 tháng tăng đều 0,4% lên mức 8%.

Một ngân hàng khác cũng có động thái điều chỉnh giảm lãi suất gần đây là Techcombank, với kỳ hạn 6 tháng giảm mạnh từ 6,3% xuống 5,8%, tương ứng mức sụt giảm đến 0,5%. Đây cũng là lần điều chỉnh giảm lãi suất ở kỳ hạn chủ chốt 6 tháng lần thứ 2 liên tiếp của Techcomabank kể từ đầu năm đến nay. Trước đó trong đầu tháng 1 năm nay, ngân hàng này đã tăng đều lãi suất tiền gửi ở các kỳ hạn, trong đó kỳ hạn 6 tháng tăng vọt từ 5,9% lên 6,4%.

Xu hướng giảm lãi suất tại một số ngân hàng kể trên đã tiếp nối động thái giảm của một loạt ngân hàng trong tháng 2, có thể kể đến như GPBank giảm đều 0,2% ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, hay như ngân hàng Bắc Á cũng giảm đều 0,1% ở tiền gửi kỳ hạn từ 9 tháng trở lên. Dòng tiền quay trở lại hệ thống sau tết cùng với nhu cầu vay vốn đầu năm thấp được cho là yếu tố hỗ trợ động thái giảm lãi suất ở những ngân hàng này.

Tập trung tăng ở kỳ hạn dài

Dù vậy, có thể thấy khung lãi suất của ngân hàng Liên Việt ở trên tuy giảm ở nhiều kỳ hạn nhưng cũng chứng kiến sự điều chỉnh tăng mạnh ở một số kỳ hạn dài. Điều này không phải là hiếm hoi khi những ngày qua hàng loạt ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài.

Eximbank – một trong những ngân hàng hiếm hoi giữ được ổn định mặt bằng lãi suất huy động trong suốt thời gian dài, thì mới đây bất ngờ tăng mạnh 0,5% lãi suất tiền gửi kỳ hạn 13 tháng lên 8%, nhưng tiếp tục duy trì áp dụng theo điều kiện giá trị tiền gửi từ 100 tỷ trở lên. Đáng lưu ý là kỳ hạn 15 tháng và 18 tháng cũng tăng mạnh lần lượt 1% và 0,7% lên mốc 8%.

 Eximbank bất ngờ có động thái điều chỉnh tăng lãi suất sau giai đoạn dài giữ ổn định

Eximbank bất ngờ có động thái điều chỉnh tăng lãi suất sau giai đoạn dài giữ ổn định

Những ngày qua Eximbank dính vào những tranh chấp giành quyền điều hành, với việc bà Lương Thị Cẩm Tú vừa bị tạm dừng chức Chủ tịch HĐQT Eximbank, sau đúng 5 ngày được bầu vào vị trí này, theo quyết định số 92/2019/QĐ-BPKCTT của Tòa án nhân dân TP.HCM. Cụ thể, Tòa án nhân dân TP.HCM đã quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm dừng thực hiện Nghị quyết số 112/2019/EIB/NQ-HĐQT của HĐQT Eximbank.

Hay như tại PVCombank mới đây cũng tăng 0,2% lãi suất tiền gửi kỳ hạn 15 và 18 tháng lên 7,8%; kỳ hạn 24 và 36 tháng tăng 0,1% lên 7,8%. Khung lãi suất tiền gửi của ngân hàng Tiên phong có hiệu lực từ 15/3 cũng ghi nhận mức tăng 0,1% ở kỳ hạn 12 tháng lên 8,2% và kỳ hạn 24 tháng tăng 0,1% lên 8,6%.

Trước đó ngân hàng ACB hôm 04/3 cũng tăng 0,2% lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng lên 7%. Đây là lần tăng lãi suất thứ 2 của ACB kể từ đầu năm đến nay, sau đợt tăng đều ở các kỳ hạn chủ chốt 1- 3 tháng, 6 tháng và 9 tháng vào tháng 1 năm nay.

Đáng lưu ý là ngân hàng Quân đội gần đây tăng đều lãi suất tiền gửi ở nhiều kỳ hạn, trong đó kỳ hạn 2 tháng tăng 0,2% lên 5,3%; kỳ hạn 6-9 tháng tăng 0,2% lên 6,5%; kỳ hạn 10-11 tháng tăng 0,2% lên 6,6%. Các kỳ hạn dài cũng chứng kiến diễn biến tương tự, với lãi suất tiền gửi kỳ hạn 13 tháng và 18 tháng tăng 0,2% lên 7,4%; đặc biệt kỳ hạn 36 tháng tăng mạnh 0,5% lên 7,5%.

Việc các ngân hàng tăng giảm lãi suất trái chiều cho thấy thanh khoản hiện nay có sự phân bố không đều, cũng như nhu cầu vốn để kinh doanh là có sự khác biệt. Ngoài ra, với việc tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đã giảm từ 45% về 40% kể từ đầu năm nay, thì nhu cầu tăng cường huy động vốn trung dài hạn của các ngân hàng vẫn luôn xuyên suốt để phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh doanh.

Hiện tại mặt bằng lãi suất đang chịu nhiều yếu tố chi phối khi vừa phải đóng vai trò giữ ổn định để hỗ trợ tăng trưởng, vừa phải đủ hấp dẫn đảm bảo kiềm chế được lạm phát và giữ ổn định tỷ giá.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/them-nhieu-ngan-hang-tang-lai-suat-ky-han-dai-160714.html