Thêm nhiều lựa chọn tốt cho người lao động

Với những kết quả khả quan từ năm 2019, hoạt động xuất khẩu lao động năm 2020 dự kiến sẽ khởi sắc, hướng đến những thị trường có thu nhập cao

Ông Tống Hải Nam, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết mục tiêu trong năm 2020 sẽ đưa được 130.000 lao động ra nước ngoài làm việc. Ngoài việc tập trung vào thị trường truyền thống, cục sẽ khuyến khích người lao động (NLĐ) làm việc tại các thị trường cho thu nhập cao và ổn định hơn như châu Âu, nhất là CHLB Đức.

Nhật Bản thu hút lao động có tay nghề

Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, năm 2019 có 147.387 lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc. Nhật Bản là nơi lao động Việt Nam chọn sang làm việc nhiều nhất với hơn 80.000 người, Đài Loan (Trung Quốc) xếp thứ hai với 54.480 người, Hàn Quốc đứng thứ 3. So với Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc là 2 thị trường mà NLĐ có thu nhập cao hơn. Việc Nhật Bản được NLĐ chọn nhiều nhất là bởi thu nhập có phần nổi trội, chi phí để sang đây lại ít.

Nhiều bạn trẻ chọn Nhật Bản vì sự tương đồng văn hóa, sự chuyên nghiệp và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp

Nhiều bạn trẻ chọn Nhật Bản vì sự tương đồng văn hóa, sự chuyên nghiệp và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp

Theo đánh giá của các doanh nghiệp (DN) phái cử lao động sang Nhật Bản, năm 2020 sẽ tiếp tục chứng kiến ngôi vương của thị trường này bởi nhiều yếu tố khả quan. Một trong những yếu tố đó là chương trình kỹ năng đặc định (KNĐĐ) sẽ được phía Nhật đẩy mạnh để khỏa lấp những khoảng trống lao động. Lý do các DN Nhật đẩy mạnh tuyển dụng lao động KNĐĐ là muốn tận dụng những lao động đã có tay nghề được rèn luyện tại Nhật trong ít nhất 3 năm. Số lao động này không chỉ thông thạo tiếng Nhật mà năng suất lao động, đặc biệt là chất lượng lao động, cao hơn hẳn thực tập sinh. Với việc đẩy mạnh tuyển dụng lao động KNĐĐ, thị trường sẽ chứng kiến sự trở lại của hàng chục ngàn thực tập sinh (TTS) đã hết hạn và về nước. Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Long Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Esuhai (TP HCM), cho rằng chương trình KNĐĐ đang được cả phía Nhật và các DN phái cử đẩy mạnh ngay sau khi được quốc hội Nhật Bản thông qua. "Điều kiện để tham gia chương trình KNĐĐ có phần cao hơn TTS bởi các DN Nhật dần dần muốn tuyển những lao động ưu tú hơn. "Theo tôi, các bạn trẻ từ 25 tuổi trở xuống nên tham gia chương trình TTS trước để đủ tiêu chuẩn đi tiếp chương trình KNĐĐ. Có như vậy, các bạn sẽ có từ 8 đến 10 năm sinh sống, làm việc tại Nhật. Đó là một hành trình để các bạn tích lũy đủ cả về chuyên môn, kiến thức và tài chính. Sau đó, bạn có thể khởi nghiệp, làm chủ cuộc đời mình" - ông Sơn lưu ý.

Sức hấp dẫn của thị trường châu Âu

Thực tế cho thấy châu Âu, đặc biệt là CHLB Đức, đang thiếu lao động trầm trọng. Chính phủ Đức vài năm gần đây đã có những động thái nhằm tăng cường thu hút lao động bên ngoài nước Đức, thậm chí là bên ngoài khối Liên minh châu Âu (EU) để đáp ứng nhu cầu lao động cho phát triển kinh tế - xã hội. Luật Nhập cư mới của Đức chính thức có hiệu lực từ ngày 1-3 tới đây sẽ cho phép các DN Đức tiếp nhận lao động đến từ các nước ngoài EU trong một số lĩnh vực như: xây dựng, điện, cơ khí, nông nghiệp, nhân viên kỹ thuật y tế, điều dưỡng.

Một thực tế khác cũng đang diễn ra mạnh mẽ tại châu Âu, đó là sự dịch chuyển lao động từ Đông Âu sang Tây Âu. Nhiều lao động ở các nước thuộc Đông Âu đã tìm sang các nước Tây Âu, nơi có mức lương tốt hơn để làm việc. Do đó các nước Đông Âu như Ba Lan, Romania… lại rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động. Họ chẳng còn cách nào khác là thu hút lao động từ các quốc gia khác, trong đó Việt Nam là sự lựa chọn hàng đầu của các quốc gia này bởi mối quan hệ truyền thống tốt đẹp. Đây chính là cơ hội cho lao động Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường châu Âu, đặc biệt là nước Đức, đòi hỏi rất cao về kỹ năng chuyên môn, khả năng ngoại ngữ và những khắt khe trong việc cấp visa.

Là người có nhiều năm đưa lao động sang CHLB Đức, ông Nguyễn Du, Viện trưởng Viện Kinh tế và Công nghệ Đông Á (IET), nhìn nhận châu Âu đang là điểm đến tuyệt vời cho lao động Việt Nam bởi 3 yếu tố. Thứ nhất, đây là thị trường cho thu nhập cao và phúc lợi rất tốt cho NLĐ. Thứ hai, giúp NLĐ nâng cao kỹ năng chuyên môn, làm việc trong môi trường chuyên nghiệp. Thứ ba, cơ hội được phát triển sự nghiệp dài lâu, định cư tại những quốc gia thịnh vượng của châu Âu. "Nước Đức đang làm mọi thứ để chào đón lao động trẻ đến từ Việt Nam. Ngoài việc nới rộng các ngành nghề được phép tuyển lao động bên ngoài khối EU, Đức cũng công nhận bằng cấp tương đương ngành điều dưỡng để tuyển trực tiếp cử nhân điều dưỡng Việt Nam sang làm việc với mức lương rất cao. Nhóm cử nhân điều dưỡng do chúng tôi cử sang làm việc tại TP Stuttgart được phía Đức đánh giá cao về tinh thần làm việc và kỹ năng nghề. Theo tôi, đây là cơ hội tuyệt vời cho các bạn trẻ đang theo học điều dưỡng ở Việt Nam" - ông Du nói.

Ông Du cũng cho biết ngoài điều dưỡng, xây dựng, cơ khí ôtô, nhà hàng - khách sạn cũng là những nhóm ngành nghề nước Đức và nhiều nước châu Âu cần rất nhiều. Do vậy, cơ hội cho lao động Việt Nam tại châu Âu là rất lớn. Tuy nhiên, các bạn trẻ cần lưu ý kỹ khi chọn châu Âu, bởi không phải nước nào cũng ký kết hợp tác lao động với Việt Nam. Vì thế, hãy tìm hiểu thật kỹ các chương trình đã được công bố và chọn những đơn vị uy tín để đưa bạn sang châu Âu lập nghiệp.

Công việc ổn định, thu nhập cao

Trong những năm gần đây, số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tăng đều hằng năm, trung bình mỗi năm tăng gần 10.000 người. Thu nhập của NLĐ đi làm việc ở nước ngoài thường cao hơn nhiều so với thu nhập của NLĐ trong nước. Tại Nhật Bản và Hàn Quốc khoảng 1.400 - 1.800 USD, Đài Loan, châu Âu khoảng 800 - 1.300 USD, các thị trường khác khoảng 500 - 800 USD, đặc biệt đối với lao động có tay nghề cao thu nhập khoảng 1.500 - 2.000 USD. NLĐ đi làm việc ở nước ngoài có cơ hội tiếp cận công nghệ, máy móc hiện đại, tiếp thu được kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm ở nước ngoài dễ dàng tìm kiếm được việc làm trong nước ở vị trí công việc tốt và thu nhập khá.

Bài và ảnh: GIANG NAM

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/them-nhieu-lua-chon-tot-cho-nguoi-lao-dong-20200204220833518.htm