Thêm nhiều loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe

Sáng ngày mồng 1 tháng Giêng, các quán chay, nhà hàng chay ở Thành phố Hồ Chí Minh nghìn nghịt khách. Nếu như nhà hàng Việt Chay trong khuôn viên Chùa Vĩnh Nghiêm có món lẩu mắm thơm sực nức với nhiều loại rau đi kèm thì nhà hàng chay Giác Ngộ tại ngôi chùa cùng tên có phần sushi ăn cay nồng mũi.

Thực khách ăn chay tại một nhà hàng chay ở thành phố.

Thực khách ăn chay tại một nhà hàng chay ở thành phố.

Riêng nhà hàng tiệc chay Hoa Đăng đậm chất Phương Tây lại hút khách bởi những món ngon như: pizza, mỳ Ý, hamburger… Còn với khách ưa thích các món Á, nhà hàng chay Phương Mai nổi tiếng với món ca-ri ớt xiêm xanh, hủ tiếu xào cay, cơm hạt sen, canh rong biển tàu hủ,… Ấn tượng hơn, nhà hàng chay Mandala, một nhà hàng đậm phong cách Tây Tạng, chúng tôi “hoa mắt” với thực đơn mà quán khuyên dùng như đậu rồng xào ruốc, gỏi miến Nepal, đậu hũ phì phà, bông bí chiên giòn… Điều tựu chung ở các nhà hàng và quán chay từ sang trọng đến bình dân đều dùng “thịt thực vật” được sản xuất trong nước.

Với nhiều người, việc ăn chay đã dần trở thành xu hướng chung chứ không còn bó hẹp trong khuôn khổ tôn giáo như trước đây. Nhiều người tìm đến thức ăn chay để mong muốn có sức khỏe tốt, cuộc sống lành mạnh và nhẹ nhàng hơn. Chọn ăn tại nhà hàng chay Lục Diệp, một điểm ăn chay của người Hoa ở Quận 5, chúng tôi gọi vịt quay Bắc Kinh, chả giò tôm mực, sườn xào chua ngọt, giò heo tàu xì.

Chủ quán cho hay nguyên liệu “thịt thực vật” của quán được chế biến từ đậu nành và mít non. Xưa nay, dòng sản phẩm nhập khẩu này ít được phổ biến do giá khá cao song gần đây, với lợi thế là nhà máy sản xuất tại Việt Nam với những ưu điểm vượt trội như dây chuyền máy móc công nghệ hiện đại, nguyên liệu thô dồi dào, sản phẩm thịt thực vật đã bước đầu cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập.

Nói đến ăn chay, các tín hữu thường hiểu ngay là việc kiêng bớt ăn uống. Nhưng hiểu một cách rộng rãi hơn chay tịnh trong đạo thiên chúa là chay lời, chay lòng, chay tư tưởng. Riêng người theo đạo Phật, họ ăn chay theo lời kinh Phật để giải thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử, khổ đau, đem niềm vui lại để bớt khổ cho mọi người, yêu thương mọi loại thú cầm, cùng nhau chung sống trong hòa bình và an vui. Do đó, đức Phật dạy Phật tử phải ăn chay để tránh quả báo xấu, để tăng trưởng lòng từ.

Thời gian gần đây, cùng với xu hướng sống xanh, có lợi cho sức khỏe, nhu cầu tiêu dùng các dòng sản phẩm này ngày càng tăng mạnh tại Việt Nam. Thậm chí, các bếp ăn từ thiện trong các bệnh viện lớn đều có rất nhiều món chay dành cho người bệnh ăn kiêng, người nuôi bệnh có tôn giáo hay ẩm thực chay vì sức khỏe.

Thử tìm hiểu tại bếp ăn trong Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Ung bướu, chúng tôi gặp anh Đoàn Mạnh Cương, một người ăn chay trường và đang là Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm Chay Bảo An. Theo anh Cương, ý tưởng nghiên cứu và tạo ra dòng sản phẩm thịt thực vật từ mít non xuất phát từ thực tế những hoạt động giải cứu nông sản mà công ty đã tham gia thời gian qua. Theo đó, nếu may mắn, người nông dân khi thu hoạch mít có thể bán với giá cao lên đến vài chục nghìn đồng/kg.

Thế nhưng, nếu chẳng may thị trường có biến động, một số nước ngưng nhập khẩu vì nhiều lý do phát sinh thì giá mít tại vườn có thể rơi về còn 1.000 đồng/kg. Và đây chính là nguồn nguyên liệu dồi dào cho các nhà sản xuất “thịt thực vật”. Hiện tại Nhà máy Bảo An có dây chuyền sản xuất hiện đại, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Công suất sản xuất trung bình khoảng 150 tấn sản phẩm thịt thực vật/tháng và có thể mở rộng công suất nếu có thêm các đối tác chiến lược ổn định. Sản phẩm của công ty đa dạng nhiều chủng loại như tai heo chay, cánh gà chay, sườn cốt lết chay, mít non tempura, mít non samosa, hamburger đậu nành. Những sản phẩm nêu trên đã xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Canada, Campuchia, Lào, Thái Lan, Nhật Bản…

Bài và ảnh: MINH ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/them-nhieu-loai-thuc-pham-co-loi-cho-suc-khoe-post736601.html