Thêm nhiều cơ hội chữa bệnh ung thư máu

Sau thành công bước đầu của ca ghép tế bào gốc nửa thuận hợp HLA chữa bệnh ung thư máu đầu tiên tại VN, Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM đã tiếp tục thực hiện ca ghép thứ hai vào ngày 29.5 và ca thứ ba sẽ được thực hiện vào tuần này.

(TNO) Sau thành công bước đầu của ca ghép tế bào gốc nửa thuận hợp HLA chữa bệnh ung thư máu đầu tiên tại VN, Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM tiếp tục thực hiện ca ghép thứ hai vào ngày 29.5 và ca thứ ba dự kiến sẽ được thực hiện vào tuần này.

Mất cả năm để chuẩn bị

Ngày 25.4 vừa qua, ca ghép tế bào gốc nửa thuận hợp HLA (kháng nguyên hòa hợp tổ chức) chữa bệnh ung thư máu đầu tiên tại VN được thực hiện với bệnh nhân Cao Xuân Hiệp (21 tuổi, ngụ Đồng Nai) bị ung thư máu hay còn gọi là bạch cầu cấp dòng tủy.

Người cho mảnh ghép tế bào gốc là chị Cao Thị Nguyệt (23 tuổi), chị ruột của anh Hiệp.

Ngày 27.5, Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM công bố ca ghép thành công khi sau 21 ngày ghép mẫu tế bào gốc đã làm tổ, phát triển và mọc tủy trong cơ thể bệnh nhân đạt 97% tủy người bình thường.

Để thực hiện ca ghép, bệnh viện đã mất cả năm để chuẩn bị. Còn với anh Cao Xuân Hiệp, 22 ngày trước đó là một trải nghiệm cực kỳ đặc biệt.

Bệnh nhân được “đánh sập” tủy, nơi sản xuất các loại tế bào máu. Các bác sĩ đã tính toán phá hủy tủy của bệnh nhân sao cho chỉ giữ lại một phần nhỏ đủ để mảnh tế bào gốc ghép vào có thể bám, phát triển và mọc ra tủy mới.

Đồng thời, cả hệ miễn dịch của bệnh nhân cũng được vô hiệu hóa để khi ghép tế bào gốc vào, cơ thể không phản ứng.

Kể từ đó, bệnh nhân phải sống trong môi trường đặc biệt hoàn toàn vô trùng và cách ly với bên ngoài.

Mọi sinh hoạt, ăn uống, vệ sinh cá nhân của anh Hiệp đều được nhân viên y tế thực hiện theo quy trình vô trùng nghiêm ngặt. Thức ăn và nước uống đều được chiếu xạ, theo tiêu chuẩn giảm tối đa vi trùng gây bệnh. Các chỉ số sinh học của bệnh nhân được theo dõi sát sao liên tục.

Bệnh nhân được truyền ghép tế bào gốc vào cơ thể qua đường tĩnh mạch trung tâm - Ảnh do bệnh viện cung cấp

“Trong suốt thời gian từ khi quyết định ghép cho đến giờ gia đình rất lo lắng. Cả gia đình chỉ biết tin tưởng vào bác sĩ. Đến giờ thì mừng lắm! Nhưng vẫn còn lo lắng”, sau hơn một tháng thực hiện ca ghép, chị Nguyệt, chị ruột của anh Hiệp, người cho tế bào gốc, còn run run kể lại.

Hi vọng mới cho bệnh nhân ung thư máu

Sau thành công bước đầu của ca ghép này, ca ghép thứ hai đã được Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM thực hiện ngày 29.5 là mẹ cho con trai. Bệnh nhân hiện vẫn đang được theo dõi sát sao.

Ca ghép thứ ba dự kiến sẽ được thực hiện vào tuần này, với bệnh nhân là bé gái 14 tuổi và người cho mảnh ghép là cha của bé.

Theo bác sĩ Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM, hai ca ghép tiếp theo có bệnh trạng phức tạp hơn ca đầu tiên nhiều.

“Để điều trị ung thư máu, trước nay có thể hóa trị. Nhưng với phương pháp hóa trị thì bác sĩ không thể dùng liều thuốc tối đa vì như thế có thể giết hết tế bào ung thư nhưng các tế bào bình thường cũng chết. Thế nên, sau hóa trị bệnh vẫn tái phát”, bác sĩ Dũng nói.

Bác sĩ Dũng cho biết thêm, hơn 50% bệnh nhân bị ung thư máu tái phát bệnh sau 5 năm được hóa trị.

Ngoài ra, các kỹ thuật ghép tế bào gốc trước đây chỉ thực hiện được khi người cho và người nhận có tính di truyền phù hợp hoàn toàn hoặc ít nhất cũng phải phù hợp 80-90% gien.

Anh Cao Xuân Hiệp đang phục hồi sức khỏe sau ca ghép. Bên cạnh anh Hiệp là chị gái Cao Thị Nguyệt - Ảnh: Nguyên Mi

Trong khi đó, ghép tế bào gốc tạo máu nửa thuận hợp HLA là kỹ thuật mới được áp dụng trên thế giới. Kỹ thuật này được hiểu là người cho mảnh ghép tế bào gốc chỉ phù hợp 50% gien với người nhận.

Mặt khác, với phương pháp này, các bác sĩ có thể lợi dụng thêm một phản ứng là khi ghép do người cho không có gien phù hợp hoàn toàn với người nhận nên mảnh ghép sẽ chống lại mạnh mẽ tế bào của người nhận, thế nên “tiện thể” diệt luôn tế bào ung thư.

"Nhưng nếu ca ghép không tốt, thiếu kinh nghiệm thì có thể gây ra nhiều biến chứng cho người nhận như biến chứng ở da, gan, hệ tiêu hóa..., thậm chí có thể dẫn đến tử vong", bác sĩ Dũng nói.

Khi thực hiện ca ghép cho bệnh nhân Hiệp, các bác sĩ đánh giá ước lượng tỉ lệ thành công là 70% hết bệnh.

“Kỹ thuật này đã mở ra hướng điều trị mới cho những bệnh nhân ung thư máu có nguy cơ tái phát cao, bị tái phát trong hóa trị, kháng trị với hóa trị. Nó đem lại nhiều cơ hội được ghép tế bào gốc để chữa bệnh ung thư máu hơn cho bệnh nhân. Bởi người cho có thể là cha mẹ, anh chị em ruột, hoặc họ hàng, chỉ cần có khoảng 50% gien phù hợp là ghép được. Đặc biệt khi xã hội ngày càng phát triển, gia đình có ít con (1-2 con) nên tìm ra một đứa trẻ có gien phù hợp hoàn toàn rất khó và tại Việt Nam hiện chưa có ngân hàng người sống đăng ký cho tế bào gốc”, bác sĩ Dũng đánh giá.

Tại châu Á, hai nước áp dụng kỹ thuật mới này nhiều nhất là Nhật Bản và Trung Quốc. Tính đến nay cả hai nước này mới chỉ ghép được hơn 100 ca. Singapore cũng mới ghép được ba ca. Chi phí ghép cho một ca tại Singapore lên đến 200.000 USD.

Nguyên Mi

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/suc-khoe/them-nhieu-co-hoi-chua-benh-ung-thu-mau-27135.html