Thêm nhiều cán bộ bị khởi tố vì liên quan đến sai phạm về đất đai

Để tài sản Nhà nước điển hình như khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, TP HCM rơi vào tay tư nhân với giá thấp hơn nhiều so với thị trường, nhiều cán bộ bị khởi tố.

Ngày 11-7-2020, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú, khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với các ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP HCM; Trần Trọng Tuấn, Phó chánh Văn phòng Thành ủy (nguyên Giám đốc Sở Xây dựng, nguyên Bí thư Quận ủy quận 3), Trần Quốc Đạt, Phó trưởng phòng; Lê Tấn Hòa, chuyên viên; Phan Trường Sơn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM (nguyên Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản - Sở Xây dựng TP).

Cũng trong ngày 11-7, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét đối với ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương; bà Hồ Thị Kim Thoa, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương; Phan chí Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ Bộ Công Thương để điều tra về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”…

1.Đối với ông Trần Vĩnh Tuyến, trong thời gian còn tại vị, với nhiệm vụ được giao giúp Chủ tịch UBND TP HCM chỉ đạo công tác cải cách hành chính, kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước… đã để xảy ra nhiều sai phạm ở một số doanh nghiệp Nhà nước, mà cụ thể là hàng loạt những sai phạm ở Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI).

Ngày 8-7-2019, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với ông Vân Trọng Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên và bà Nguyễn Thị Thúy, nguyên kế toán trưởng Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI).

Trước đó, cơ quan điều tra cũng đã khởi tố bị can, khám xét nơi ở, nơi làm việc và bắt tạm giam Lê Tấn Hùng, nguyên Tổng Giám đốc và Nguyễn Thành Mỹ, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch - Đầu tư của SAGRI để điều tra về các tội: “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Sau khi tiến hành thanh tra toàn diện đối với SAGRI, Thanh tra TP HCM đã có bản kết luận số 38 của trong đó phát hiện nhiều sai phạm trong việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản của SAGRI. Đặc biệt phát hiện ông Lê Tấn Hùng và bà Nguyễn Thị Thúy có liên quan trực tiếp đến việc ký khống, chi khống số tiền lên đến trên 13 tỷ đồng cho hàng chục cán bộ và người lao động đi học tập ở nước ngoài.

Cụ thể, tháng 7-2016, SAGRI ban hành Kế hoạch số 633 về việc tổ chức tham quan, du lịch và học tập kinh nghiệm ở nước ngoài cho cán bộ công nhân viên. Đến tháng 8-2016, Phòng Tổ chức - hành chính SAGRI có tờ trình đề xuất chọn Công ty Du lịch Thanh niên xung phong làm đơn vị thực hiện dịch vụ tham quan, học tập kinh nghiệm tại các nước Đức, Hà Lan, Pháp, Bỉ, Nga, New Zealand và Ấn Độ, và một tuần sau đó phòng này tiếp tục có tờ trình chọn Công ty Du lịch Hòa Bình làm đơn vị tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm ở các nước Nhật bản, Hàn Quốc, Mỹ, Pháp và Bỉ.

Nhận được các tờ trình trên, từ ngày 3-10 đến 1-11-2016, ông Lê Tấn Hùng - Tổng giám đốc SAGRI đã ký 4 hợp đồng với Công ty Du lịch Hòa Bình với số tiền trên 8,3 tỷ đồng và ký 6 hợp đồng với Công ty Du lịch Thanh niên xung phong với số tiền 5 tỷ đồng để thực hiện việc tổ chức cho cán bộ, người lao động của SAGRI đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài. Tất cả các hợp đồng này đã được các bên thanh lý hợp đồng, xuất hóa đơn giá trị gia tăng và tất toán công nợ.

Tuy nhiên kết quả thanh tra của Thanh tra TP HCM cho thấy: Tại Phòng quản lý xuất nhập cảnh Công an TP HCM thì 40/70 tổ chức, cá nhân có tên trong danh sách đi nước ngoài không có tổ chức, cá nhân nào thực hiện chuyến đi do SAGRI tổ chức, 30/70 tổ chức, cá nhân khác không có thông tin trên hệ thống của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh.

Theo biên bản làm việc, Thanh tra TP HCM khẳng định hai Công ty Du lịch Hòa Bình và Du lịch Thanh niên xung phong không thực hiện dịch vụ nhưng vẫn xuất hóa đơn tài chính là vi phạm, hai công ty trên đã thừa nhận việc thực hiện hợp đồng không đúng quy định của pháp luật.

Để hợp thức hóa sai phạm, tháng 11-2016, Thường trực Đảng ủy, Hội đồng thành viên và Ban Tổng giám đốc SAGRI đã tiến hành họp và thống nhất lấy lý do rằng do một số cán bộ công nhân viên không thể thực hiện chuyến đi du lịch, tham quan, học tập kinh nghiệm vì phải tập trung triển khai nhiều dự án trọng điểm chào mừng 20 năm thành lập SAGRI nên chuyến đi này sẽ rời sang năm 2017.

Ngay sau đó 2 công ty Du lịch Hòa Bình và Du lịch Thanh niên xung phong đã chấp thuận đề nghị với điều kiện SAGRI phải chuyển toàn bộ số tiền trị giá của 10 hợp đồng là trên 13,3 tỷ đồng, và nếu trong năm 2017 mà SAGRI không đi thì phải chịu mất toàn bộ số tiền trên.

Giao kèo là vậy, nhưng đến ngày 24-7-2017, hai công ty Du lịch Hòa Bình và Du lịch Thanh niên xung phong lại ký vào biên bản chấp nhận hoàn trả số tiền 9,7 tỷ đồng cho SAGRI và ngày 25-7-2017, hai công ty này đã chuyển gấp số tiền này vào tài khoản của SAGRI.

Các bị can sai phạm liên quan đất đai.

Các bị can sai phạm liên quan đất đai.

2.Năm 2018, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra những vi phạm của SAGRI trong việc sử dụng 1.900ha đất cho thuê hoặc chuyển nhượng với giá thấp hơn nhiều lần so với giá thị trường.

Liên quan đến vụ việc này, ông Nguyễn Văn Trực, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (nguyên Phó Bí thư Đảng ủy - Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc SAGRI giai đoạn 2009-2015) cũng bị Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP HCM ra quyết định kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng.

Tiếp tục những sai phạm, cuối tháng 12-2017, Hội đồng thành viên SAGRI thống nhất phê duyệt chuyển nhượng toàn bộ dự án khu nhà ở tại khu phố 4, phường Phước Long B, quận 9, TP HCM có tổng diện tích 3,75ha cho Tổng công ty cổ phần Phong Phú với giá trên 168 tỷ đồng tương ứng với 10,5 triệu đồng/m².

Tuy nhiên theo tài liệu của cơ quan chức năng thì tại thời điểm năm 2013, Tổng công ty Phong Phú đã huy động vốn từ khách hàng với giá gần 24,5 triệu đồng/m², và nếu tính thêm giá đất tăng sau gần 4 năm thì giá đất mà SAGRI đã chuyển nhượng cho Tổng công ty Phong Phú chỉ bằng 1/3 giá thực tế giao dịch tại thời điểm cuối năm 2017.

Ngoài ra, theo kết luận của Thanh tra TP HCM, SAGRI chuyển nhượng góp vốn quyền sử dụng đất tại dự án đã hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật cho Tổng công ty Phong Phú nhưng không qua đấu giá đất để xác định giá thị trường là trái với quy định.

Ngoài hàng loạt sai phạm về đất đai, SAGRI còn ký nhiều hợp đồng tín dụng khó hiểu với một số ngân hàng. Cụ thể năm 2016 - 2017, SAGRI đã ký 3 hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Shinhan Bank Việt Nam để vay 11,3 triệu Euro (tương ứng với 275 tỷ đồng) với mục đích kê khai là bổ sung vốn lưu động.

Tuy nhiên, sau khi được giải ngân, SAGRI lại đen số tiền này đi gửi ở ngân hàng khác và hậu quả là đến thời điểm đáo hạn, SAGRI phải trả cả gốc lẫn vốn là 299 tỷ đồng. Cũng trong năm 2016, SAGRI còn ký 2 hợp đồng vay 131 tỷ đồng của Ngân hàng thương mại Tiên Phong (chi nhánh Bến Thành) với mục đích góp vốn thành lập pháp nhân mới, và cũng như hai trường hợp trên, sau khi được giải ngân, SAGRI đã đem gửi tại một ngân hàng khác và phải trả chênh lệch lãi khi tất toán cho Tiên Phong trên 10 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ với 5 hợp đồng tín dụng khó hiểu này, SAGRI đã làm thất thoát tài sàn Nhà nước số tiền trên 34 tỷ đồng, trong khi SAGRI vẫn còn lượng tiền rất lớn gửi có kỳ hạn tại nhiều ngân hàng khác.

Khu đất “vàng” ở TP HCM bị thất thoát.

3.Đối với các sai phạm của các ông bà Vũ Huy Hoàng, Hồ Thị Kim Thoa và Phan Chí Dũng, khi còn đương chức đã đồng ý về mặt chủ trương và ký phê duyệt cho Tổng công ty Cổ phần Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) thoái vốn góp tại khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, TP HCM để tài sản Nhà nước rơi vào tay tư nhân với giá thấp hơn nhiều so với thị trường.

Cụ thể, tháng 6-2004, Bộ Công Thương (lúc đó là Bộ Công nghiệp) đã có văn bản đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng nhà cao tầng tại khu đất 2-4-6 đường Hai Bà Trưng, quận 1, TP HCM của Sabeco để sử dụng có hiệu quả hơn.

Tháng 2-2006, khu đất này được UBND TP HCM ra quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời và đến ngày 31-12-2007, Văn phòng UBND TP HCM thông báo kết luận của Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín chấp thuận cho Sabeco làm chủ đầu tư dự án xây dựng khu phức hợp và có trách nhiệm nộp tiền giá trị quyền sử dụng đất theo giá thị trường (theo chỉ đạo của Bộ Tài chính).

Được giao đất, năm 2015, Sabeco ký hợp đồng góp vốn cùng 3 công ty Mê Linh, Hà An và Attland thành lập Sabeco Pearl với vốn đầu tư 567 tỷ đồng để triển khai dự án đầu tư khu thương mại, văn phòng cao cấp tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, trong đó Sabeco góp 26% vốn.

Đầu năm 2016, Bộ Công Thương có chủ trương để Sabeco thoái vốn đầu tư tại Sabeco Pearl và đến giữa năm 2016, Hội đồng quản trị Sabeco đã thanh lý toàn bộ cổ phần sở hữu trong Sabeco Pearl cho các cổ đông còn lại, thu về gần 200 tỷ đồng. Các cổ đông còn lại sau đó cũng lần lượt bán hết cổ phần dẫn đến thực tế là khu đất vàng này rơi vào tay một số cá nhân.

Đức Cương

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/them-nhieu-can-bo-bi-khoi-to-vi-lien-quan-den-sai-pham-ve-dat-dai-603061/