Thêm nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông

Ðể tạo thêm nguồn lực đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với cảng biển, đề án thu phí hạ tầng cảng biển vừa được HÐND thành phố Hồ Chí Minh thông qua (áp dụng từ ngày 1-7-2021) được xem là một chính sách cấp thiết, phù hợp.

Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Cát Lái, quận 2.

Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Cát Lái, quận 2.

Ðể tạo thêm nguồn lực đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với cảng biển, đề án thu phí hạ tầng cảng biển vừa được HÐND thành phố Hồ Chí Minh thông qua (áp dụng từ ngày 1-7-2021) được xem là một chính sách cấp thiết, phù hợp.

Nhiều doanh nghiệp, đối tượng chính tham gia thực hiện đề án này, mong muốn thành phố sử dụng nguồn thu cho đầu tư hạ tầng một cách tập trung và bảo đảm công khai, minh bạch...

Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh, đơn vị xây dựng đề án và chịu trách nhiệm thực hiện, cảng biển TP Hồ Chí Minh là cảng biển tổng hợp đầu mối khu vực loại 1, đóng vai trò chủ đạo kết nối vận tải hàng hải của khu vực Ðông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Hiện, TP Hồ Chí Minh có bốn khu cảng chính: Khu bến cảng Cát Lái (sông Ðồng Nai); Khu bến cảng Nhà Bè (sông Nhà Bè); Khu bến cảng trên sông Sài Gòn và Khu bến cảng Hiệp Phước (sông Soài Rạp) với sản lượng hàng hóa lưu thông qua các bến cảng cao nhất cả nước. Trong đó, khu cảng Cát Lái thuộc tốp 20 cảng biển lớn nhất thế giới đã đảm nhận 33% khối lượng hàng công-ten-nơ xuất, nhập khẩu của cả nước.

Phó Giám đốc Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh Bùi Hòa An nhận định, với sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển như vậy đã tạo áp lực rất lớn lên kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn thành phố. Sự bất cập này đã gây ra tình trạng ùn tắc hàng hóa và ảnh hưởng đến hoạt động giao thông tại các khu vực lân cận, dẫn đến giảm hiệu quả hoạt động giao nhận hàng hóa trong khu vực cảng, tăng chi phí logistics, hạn chế phần nào năng lực cạnh tranh và sự phát triển của thành phố. Vì vậy, việc có thêm nguồn vốn đầu tư, nâng cấp cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối các cảng biển thông qua việc thu phí là cấp thiết trong điều kiện nguồn ngân sách khó khăn.

Theo tính toán của Sở GTVT thành phố, nếu thu phí tại tất cả các cảng biển tại TP Hồ Chí Minh, trong năm đầu sẽ đem về nguồn thu khoảng hơn 3.200 tỷ đồng; các năm tiếp theo, nguồn thu tăng theo sản lượng. Nguồn thu này bổ sung cho ngân sách để chi trực tiếp hoàn thiện kết cấu hạ tầng cảng biển nhằm giảm ùn tắc giao thông, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa...

Nhiều chuyên gia, doanh nhân, đơn vị quản lý đồng tình với việc TP Hồ Chí Minh thu phí hạ tầng cảng biển nhằm tạo thêm nguồn lực đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông kết nối các cảng biển, đáp ứng năng lực khai thác cũng như yêu cầu tăng trưởng hàng hóa xuất, nhập khẩu qua hệ thống cảng biển trong thời gian tới. Tuy nhiên, dư luận chung cũng mong muốn kinh phí thu được phải được đầu tư kịp thời cho các dự án, công trình giao thông một cách tập trung, "đo đếm" được, bảo đảm yếu tố cạnh tranh giữa TP Hồ Chí Minh và khu vực lân cận.

Theo Tiến sĩ Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội cầu đường cảng TP Hồ Chí Minh, chủ trương thu phí hạ tầng cảng biển là hợp lý nhưng vấn đề quan trọng là phương pháp thực hiện cũng như việc minh bạch nguồn phí như thế nào. Nếu mỗi năm thành phố dự kiến thu hơn 3.000 tỷ đồng nhưng thực tế để đầu tư hoàn thiện cho hệ thống hạ tầng giao thông quanh cảng Cát Lái đã mất khoảng 100 nghìn tỷ đồng, gấp 30 lần nguồn thu nêu trên, thì kinh phí thu vẫn rất nhỏ. Do đó, nguồn thu từ thu phí phải tính toán sao cho khoa học khi dùng để đầu tư trở lại các công trình; đầu tư phải thật tập trung và đồng bộ để người dân nhìn thấy được hiệu quả và tin tưởng. Không phải tính năm thứ nhất, năm thứ hai, năm thứ ba là có thể hoàn tất và chấm dứt được nạn kẹt xe mà phải dự trù lâu dài.

Bà Lê Thị Giàu, Chủ tịch HÐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Bình Tây chia sẻ: "Nếu thu phí mà giải quyết ùn tắc tốt, giảm chi phí thì ai cũng đồng tình. Vấn đề là tiền thu được phải được đầu tư đúng mục đích, đáp ứng được một phần phát triển hạ tầng giao thông, giải quyết được nạn kẹt xe quanh khu vực cảng biển, cụ thể là cảng Cát Lái và cảng Hiệp Phước. Do đó, song song với việc lên phương án thu phí thì thành phố cũng cần đưa ra kế hoạch sử dụng nguồn vốn đó như thế nào, đầu tư vào dự án nào, thời gian nào thực hiện xong...".

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, chi phí logistics của TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung hiện quá cao, đang "đè nặng" lên vai doanh nghiệp. Do đó, nếu TP Hồ Chí Minh thực hiện thu phí cảng biển thì cần phải xem xét phương pháp thu sao cho khoa học, tránh thủ tục rườm rà, không nên có sự khác biệt về mức thu giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố lân cận sẽ ảnh hưởng đến yếu tố cạnh tranh, kể cả nguồn thu ngân sách của thành phố...

Bài và ảnh: QUÝ HIỀN

Theo đề án thu phí hạ tầng cảng biển, TP Hồ Chí Minh sẽ thực hiện thu phí đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu áp dụng mức thu 2,2 triệu đồng/công-ten-nơ 20ft, 4,4 triệu đồng/công-ten-nơ 40ft hoặc 50.000 đồng/tấn hàng lỏng, hàng rời không đóng trong công-ten-nơ.

Ðối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai ngoài TP Hồ Chí Minh, sẽ áp dụng mức 500.000 đồng/công-ten-nơ đối với công-ten-nơ 20ft; một triệu đồng/công-ten-nơ đối với công-ten-nơ 40ft và 30.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong công-ten-nơ. Riêng hàng hóa xuất, nhập khẩu mở tờ khai tại TP Hồ Chí Minh, chủ hàng phải trả 250.000 đồng/công-ten-nơ 20ft, 500.000 đồng/công-ten-nơ 40ft và 16.000 đồng/tấn hàng lỏng, hàng rời không đóng trong công-ten-nơ.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-chung1/them-nguon-luc-phat-trien-ha-tang-giao-thong-628508/