Thêm nguồn cung tỏi, cacao sạch cho thị trường

Trước tình trạng sản vật địa phương khó cạnh tranh với những sản phẩm thành phố, một số doanh nghiệp khởi nghiệp đã rời bỏ công việc nơi thành thị để quay về quê hương gầy dựng lại danh tiếng cho sản phẩm nơi quê nhà.

Trước tình trạng sản vật địa phương khó cạnh tranh với những sản phẩm thành phố, một số doanh nghiệp khởi nghiệp đã rời bỏ công việc nơi thành thị để quay về quê hương gầy dựng lại danh tiếng cho sản phẩm nơi quê nhà.

Giữ lại cây trồng của quê hương

Từng làm chủ một công ty công nghệ ăn nên làm ra tại TPHCM, anh Phạm Văn Công, hiện là Giám đốc Công ty Cổ phần Dori, đã trở về vùng quê Lý Sơn, Quảng Ngãi với mong muốn tạo ra chỗ đứng cho thương hiệu tỏi Lý Sơn chính gốc.

Từng làm chủ một công ty công nghệ ăn nên làm ra tại TPHCM, anh Phạm Văn Công, hiện là Giám đốc Công ty Cổ phần Dori, đã trở về vùng quê Lý Sơn, Quảng Ngãi với mong muốn tạo ra chỗ đứng cho thương hiệu tỏi Lý Sơn chính gốc.

Năm 2011, thị trường quay lưng với tỏi Lý Sơn vì tỏi sao chép từ nhiều nguồn gốc kể cả hàng Trung Quốc lấn át dẫn đến khó phân biệt thật giả, người tiêu dùng thờ ơ với giống tỏi này. Anh Công cho biết: “Không chấp nhận được thực tế sản vật quê hương có nguy cơ biến mất trên thị trường, tôi đã về quê đã mở cơ sở sản xuất tỏi thông qua quy trình trồng tỏi đáp ứng các tiêu chuẩn sạch”.

Tương tự, ông Bùi Durassamy hay còn gọi là Samy, Việt kiều Canada, trong một lần về thăm quê hương Tiền Giang chứng kiến cảnh người dân chặt bỏ cây cacao vì mất giá. “Trong khi đó, các sản phẩm từ cacao như sô cô la trên thị trường đa số là hàng nhập khẩu, hàng không rõ nguồn gốc. Tôi nhận thấy Tiền Giang trồng nhiều ca cao nhưng đã bị cắt bỏ gần một nửa vì không ai thu mua, việc xuất khẩu cũng chậm. Từ đó tôi quyết tâm quay về đây xây dựng nhà máy Kimmy’s Chocolate với nguyện vọng tạo đầu ra ổn định cho bà con nông dân trồng ca cao”, ông nói.

Để thắng được hàng kém chất lượng trên thị trường, các doanh nghiệp khởi nghiệp chỉ có thể chú trọng vào yếu tố chất lượng, trong đó quan trọng nhất là yếu tố “sạch”. Đó là cả một bài toán lớn khi phải phát triển vùng trồng sạch xanh tại những vùng đất đang nhiễm hóa chất từ phân bón vô cơ và thuốc trừ sâu lâu năm.

Giải pháp công nghệ sinh học

Anh Công đã tìm đến công nghệ sinh học để mang lại giải pháp chất dinh dưỡng cho đất và cây tỏi. Anh kể lại: “Tôi thử nghiệm một số loại chế phẩm vi sinh trên ruộng tỏi nhà mình để cải thiện độ an toàn của đất đã bị nhiễm hóa chất. Tôi cũng dùng phân bón hữu cơ từ vỏ tỏi, thân cây tỏi thải ra sau khi sản xuất kết hợp với các sản phẩm vi sinh để làm phân bón nhằm tạo sức đề kháng, giúp cây sinh trưởng tự nhiên“. Sau một thời gian, anh đã có thể cân bằng lại vòng sinh trưởng của tỏi và đất trồng trên ruộng nhà mình, kiểm soát được chất lượng tỏi.

Khi đã thể nghiệm thành công, anh Công lên quy trình trồng tỏi tiêu chuẩn theo phương pháp công nghệ sinh học và chuyển giao quy trình tới các hộ trồng tỏi hợp tác với mình, nâng sản lượng và giúp vùng nuôi trồng xung quanh an toàn hơn. “Cũng phải mất một thời gian tôi mới thuyết phục được bà con thay đổi những thói quen cũ. Tôi đã lập bảng công thức ghi rõ cách dùng chế phẩm theo thứ tự thời gian trong năm thật dễ hiểu và thu mua tỏi của họ với giá cao hơn thị trường để họ tuân thủ”, anh nói. Anh cũng thường xuyên kiểm tra xem nguồn hàng từ họ có thật sự không nhiễm hóa chất để bảo đảm tính an toàn của sản phẩm. Anh cũng đã cùng nghiên cứu với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi lên men tỏi đen bằng quy trình sinh học cho ra tỏi đen có mùi thơm đặc trưng, nhiều dinh dưỡng.

Ông Samy cũng áp dụng công nghệ sinh học trong quá trình sản xuất của mình. Ông cho biết: “Cây ca cao mọc tự nhiên bên cạnh các cây trồng khác, thổ nhưỡng của vùng đất Tiền Giang ưu ái giống cây này, không cần chăm sóc nhiều. Chỉ cần ngưng dùng hóa chất vào những cây trồng xung quanh sau một thời gian là có thể tạo được vùng trồng cacao sạch”. Do vậy, ông đã vận động các hộ dân trồng ca cao sạch bằng cách bảo đảm thu mua hàng của họ về làm sô cô la dù ông biết là còn phải mất nhiều thời gian nữa mới mong được tất cả các hộ nông dân bỏ hẳn thói quen dùng hóa chất chăm sóc cây trồng.

Người quyết giữ gìn cây ca cao cho Tiền Giang cũng thử mày mò công nghệ sinh học để lên men hạt ca cao tự nhiên cho ra sô cô la đen phù hợp mà không phải dùng chất phụ gia. Ban đầu chỉ có ông Samy và một hộ dân gần đó mày mò làm sô cô la bằng tay ở tất cả các công đoạn. Mỗi đợt, ông dùng một công thức mới rồi mời hàng xóm dùng thử. Cuối cùng, ông cũng được chọn kỹ thuật chế biến của châu Mỹ và châu Âu để làm ra các sản phẩm sô cô la đen và các sản phẩm từ ca cao thích hợp với ca cao nơi ông trồng. Qua quá trình bền bỉ thử nghiệm sản xuất, ông nhận được nhiều chứng nhận của các tổ chức trong nước và thế giới… Rồi ông lại xây dựng nhà máy theo tiêu chuẩn quốc tế để chạy trong môi trường khép kín theo quy trình.

Nhân viên kiểm tra công đoạn trong xưởng sản xuất ca cao của ông Samy, Tiền Giang. Ảnh: Mỹ Huyền

Thành công đã đến

Qua quá trình kết hợp công nghệ sinh học, hai nhà khởi nghiệp một già, một trẻ đã có thành công nhất định. Anh Công đã đưa tỏi Lý Sơn vào thị trường trong nước và đang được các nhà nhập khẩu từ Hàn Quốc và Nhật Bản ngỏ lời hợp tác. Tỉnh Quãng Ngãi cũng đã giao đất cho anh để thể nghiệm vùng trồng tỏi an toàn.

Còn ông Samy được nhiều người dân Tiền Giang gọi bằng cái tên rất gần gũi “ông già sô cô la”. Nhiều hộ nông dân đã có nguồn thu từ việc bán ca cao cho nhà máy của ông và họ cũng đã bỏ được suy nghĩ nay trồng cây này mai trồng cây khác. Không chỉ vậy, nhiều tổ chức đã đến thăm và hỗ trợ nhà máy của ông Samy bán hàng ở nhiều nơi trong và ngoài nước. Một số bạn trẻ ở nhiều nơi khi biết câu chuyện của ông Samy đã đến chung tay giúp ông hoàn thành mong muốn của mình.

Anh Công và ông Samy hiểu rất rõ rằng cách làm nông dựa nhiều vào hóa chất là cách nhanh nhất để người tiêu dùng quay lưng lại với nhà nông, bởi người tiêu dùng ngày nay đã quan tâm tới sức khỏe và môi trường nhiều hơn. Vì vậy, chính khát khao tạo ra những sản phẩm sạch cho người dân Việt Nam, giữ gìn những sản vật đặc trưng của quê nhà đã giúp nhiệt huyết này lan tỏa đến nhiều người và góp phần quan trọng trong thành công của hai nhà khởi nghiệp này.

Mỹ Huyền

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/them-nguon-cung-toi-cacao-sach-cho-thi-truong/