Thêm một vụ phá rừng quy mô lớn tại Nam Giang

Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Nam Sông Bung (H. Nam Giang, Quảng Nam) cho biết,  trên địa bàn vừa xảy ra thêm một vụ phá rừng quy mô lớn tại tiểu khu 341 (thuộc xã Chà Vàl, H. Nam Giang).

Những cây gỗ có đường kính lớn bị chặt phá tại Tiểu khu 341, xã Chà Vàl.

Sau khi phát hiện sự việc, BQL rừng phòng hộ Nam Sông Bung đã có đơn gửi Công an tỉnh Quảng Nam đề nghị phối hợp điều tra, xác minh. Tại hiện trường, những khúc gỗ tròn có đường kính gần 1m bị đốn hạ bỏ ngổn ngang. Qua kiểm đếm ban đầu, cơ quan chức năng xác định, hiện có khoảng 50 cây gỗ rừng tự nhiên với các chủng loại khác nhau đã bị các đối tượng chặt hạ, ước khối lượng gỗ hàng trăm mét khối.

Theo đại diện BQL rừng phòng hộ Nam Sông Bung, vụ phá rừng trên xảy ra trên đất đã cấp "bìa đỏ" cho một vị lãnh đạo xã Chà Vàl. Mới đây, doanh nghiệp X.C đã hợp đồng với vị lãnh đạo này để thu mua cây gỗ vườn được phép khai thác, nhưng thực tế đã khai thác gỗ tự nhiên rồi vận chuyển về điểm tập kết tại xã Tà Pơ. Hiện đơn vị đang phối hợp với Văn phòng CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam xác minh số cây rừng bị đốn hạ nằm trong diện tích đã cấp "bìa đỏ" cho người dân hay nằm trong lâm phận rừng tự nhiên.

Theo một nguồn tin khác, thời gian qua lãnh đạo xã Chà Vàl đã ký giấy cho doanh nghiệp X.C khai thác một số loại gỗ như: gạo, mít nài, xoài... nhưng trong thực tế, những cây gỗ bị đốn hạ không nằm trong danh sách gỗ xin khai thác và hiện cơ quan chức năng phối hợp đang kiểm định loại gỗ để phục vụ công tác điều tra.

Được biết, trước đây doanh nghiệp X.C được cấp phép khai thác tận thu gỗ trong lòng hồ thủy điện Sông Bung 4 (Nam Giang) với khối lượng lên đến hàng ngàn khối gỗ. Nhiều người cho rằng, ngoài diện tích được khai thác, doanh nghiệp này cũng đã lợi dụng khai thác hàng trăm cây gỗ quý các loại nằm ngoài giới hạn cho phép.

Cuối tuần qua, cũng tại H. Nam Giang, chúng tôi đã có bài viết phản ánh tình trạng phá rừng nghiêm trọng tại khu vực thôn Pà Căng (xã Cà Dy). Tại hiện trường, hàng trăm cây gỗ các loại bị đốn hạ, diện tích rừng bị phá tại đây lên đến hàng chục héc-ta. Điều đáng nói, theo người dân sự việc trên diễn ra từ nhiều năm qua nhưng không bị xử lý (?).

Liên quan đến các vụ phá rừng ở Nam Giang, mới đây TAND huyện này đã đưa vụ án phá rừng quy mô lớn do đối tượng Tăng Tấn Dịp (1981, trú xã Đại Sơn, H. Đại Lộc, Quảng Nam) cầm đầu ra xét xử. Theo cáo trạng, nhóm của Dịp có thời gian dài khai khác gỗ trên địa bàn Nam Giang nên có nhiều mánh khóe khai thác gỗ trái phép nhằm qua mắt lực lượng chức năng. Rạng sáng 15-3, tổ công tác của CAH Nam Giang đã tiếp cận hiện trường bắt giữ 6 đối tượng "lâm tặc" khi nhóm này đang ngủ tại lán trại khu vực khe Bưa (xã Tà Pơơ, H. Nam Giang). Các đối tượng gồm: Lương Văn Luận (28 tuổi), Lê Minh Thành (33 tuổi, cùng trú xã Đại Sơn), Tăng Đức Xưng (63 tuổi), Nguyễn Văn Triều (40 tuổi), Văn Bá Dịp (35 tuổi), Phan Văn Tài (34 tuổi, cùng trú xã Đại Lãnh, H. Đại Lộc).

Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận đã khai thác, vận chuyển gỗ được một thời gian. Kiểm tra hiện trường, lực lượng CA phát hiện 5 cây gỗ quý chủng loại dổi hương và lim xanh có đường kính 55cm đến 1,35m đã bị cưa hạ, xẻ gỗ, khối lượng hơn 30m3. Mở rộng điều tra, các đối tượng này khai nhận còn cất giấu khoảng 30 phách gỗ dưới lòng hồ thủy điện Sông Bung 4. Sau khi nhóm trên bị bắt, đối tượng Tăng Tấn Dịp cũng đã đến cơ quan CA đầu thú, khai nhận mình là đối tượng chủ mưu cầm đầu trong đường dây khai thác lâm sản trái phép trên.

Trước vấn nạn rừng liên tục bị xâm hại tại địa phương này, trao đổi với P.V, ông Tơ Ngôi Với - Chánh Văn phòng UBND H. Nam Giang tâm sự: "Rừng bị phá chúng tôi cũng đau lắm chứ. Huyện đã làm mọi giải pháp, kể cả đề xuất đề án Tổ chức sắp xếp lại bộ máy quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn, với chính sách chi trả cho người dân, cộng đồng trực tiếp quản lý. Ngày 7-9 vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đã thông qua đề án. Hy vọng với giải pháp này sẽ ngăn chặn hiệu quả hơn tình trạng phá rừng như hiện nay".

BÃO BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_195125_them-mot-vu-pha-rung-quy-mo-lon-tai-nam-giang.aspx