Thêm một nạn nhân mất hơn 800 triệu đồng qua điện thoại

Màn kịch 'đang bị điều tra' qua điện thoại tiếp tục lừa đảo chiếm đoạt được hơn 800 triệu của một nữ cán bộ ở Trà Vinh.

Ngày 27/10, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Trà Vinh đang xác minh điều tra, nhóm người lừa đảo qua điện thoại, chiếm đoạt 838 triệu đồng của nữ cán bộ tại đang lamg việc tại TP Trà Vinh.

Theo Công an, một tuần trước, chị T.Y.N. (29 tuổi, nữ cán bộ công tác tại một cơ quan ở TP Trà Vinh) đến Công an tỉnh Trà Vinh trình báo bị lừa đảo số tiền trên.

Màn kịch "đang bị điều tra"

Chị N. trình bày, ngày 17/10, khi chị đang làm việc tại cơ quan, thì có người gọi điện thoại đến thông báo có đơn tố cáo sai phạm. Người này hướng dẫn chị chuyển điện thoại để gặp “cán bộ văn thư TAND TP HCM” tìm hiểu vụ việc.

Tin lời, chị N. làm theo hướng dẫn và được một thanh niên nói rằng thông tin cá nhân của chị được sử dụng mở tại khoản ATM tại TP HCM. Số tài khoản này đang nợ 28 triệu đồng nên phía ngân hàng gởi đơn tố cáo sang tòa án. Chị N. khẳng định mình không mở bất kỳ tài khoản nào tại TP HCM thì thanh niên này nói chuyển vụ việc sang Công an TP HCM. Sau đó, chị N. lại nhận điện điện thoại của một thanh niên khác, xưng là “cán bộ Công an TP HCM” đang điều tra đường dây mua bán ma túy tại Trà Vinh và thông báo, có đơn tố cáo chị liên quan đến đường dây này cùng một số cán bộ cấp cao. Sau đó, thanh niên này gởi qua điện thoại chị N. lệnh bắt tạm giam và yêu cầu mua tai nghe không dây, thuê phòng trọ nói chuyện để giữ bí mật.

Giả mạo Lệnh tạm giam của tòa gửi cho nạn nhân qua điện thoại là thủ đoạn thường thấy của loại tội phạm này

Lo sợ, chị N. đã làm theo yêu cầu của bọn chúng. Sau đó, chị N. liên tục nhận điện thoại của một số người khác tên Văn tự xưng là “cán bộ tòa án”, Thiếu úy Phạm Tuấn Anh “cán bộ Công an TP HCM” và Phạm Văn Nam “cán bộ Viện KSND TP HCM”.

Qua điện thoại, những người này tự xưng là cán bộ đang điều tra vụ án và yêu cầu chị N. chuyển tiền vào tài khoản do bọn chúng cung cấp 790 triệu đồng. Những “cán bộ” này trấn an, nếu chị N. trong sạch thì sau khi họ xác minh xong sẽ chuyển trả lại số tiền này, thanh toán chi phí đã mua tai nghe và tiền thuê phòng trọ.

Tin tưởng, chị N. hai lần ra ngân hàng chuyển 500 triệu đồng và 290 triệu đồng vào hai tài khoản khác nhau do chúng cung cấp. Nhận tiền xong, những người này nhắn tin cho chị N. sẽ xác minh sự trong sạch của chị và chuyển trả lại tiền và thanh toán các chi phí liên quan.

Ngày 18/10, người xưng là Phạm Văn Nam nhắn tin yêu cầu chị N. tiếp tục chuyển 100 triệu đồng vào số tài khoản của người thụ lý hồ sơ bên tòa án. Khi chị N. nói chỉ còn 48 triệu đồng, người này trả lời sẽ bảo lãnh số tiền còn lại và yêu cầu chị chuyển gấp số tiền trên.

Sau đó, người này nhắn cho chị N., ngày 22/10 lên TP HCM để giải quyết vụ việc. Lo sợ, chị N. gọi lại cho đối tượng để xin cho chồng mình đi cùng. Đối tượng yêu cầu chị đưa điện thoại cho chồng. Khi chồng chị N. nghe máy, người này nói: “Vợ anh bị lừa rồi” rồi tắt máy. Khi đó, chị N. gọi vào các số điện thoại của những người từng gọi cho mình thì đều không liên lạc được.

Khi biết mình bị lừa, chị N. nhanh chóng quay lại ngân hàng yêu cầu hủy giao dịch số tiền 48 triệu đồng vừa chuyển nhưng được thông báo, số tiền này đã chuyển sang tài khoản khác khi giao dịch vừa thành công.

Lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự cho biết thủ đoạn của nhóm người lừa đảo khá tinh vi. Tiền của nạn nhân sau khi được chuyển vào tài khoản do nhóm lừa đảo cung cấp, nhanh chóng được chuyển qua tài khoản khác, làm mất dấu dòng tiền và chiếm đoạt.

Cảnh giác với những cú điện thoại lạ

Tin nhắn công an khuyến cáo người dân cảnh giác với chiêu lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại.

Thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không mới, song do bọn tội phạm luôn nhắm đến những người nhẹ dạ, cả tin, kiến thức pháp luật còn hạn chế nên đã có rất nhiều nạn nhân bị lừa đảo bằng cách này.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cũng đã có công văn gửi các cơ quan, ban ngành, các địa phương nhằm tăng cường biện pháp phối hợp ngăn ngừa loại tội phạm này. Nguyên nhân do tính đến tháng 8/2018 trên địa bàn tỉnh này đã xảy ra đến 8 vụ lừa đảo như trên với tổng số tiền là 8,8 tỷ đồng.

Tuy nhiên tỷ lệ điều tra, phá án với loại tội phạm này rất thấp. Nguyên nhân do đối tượng sử dụng phần mềm máy tính để gọi điện cho bị hại nên việc truy nguyên theo dấu vết qua mạng Internet gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt tài khoản mà nhóm lừa đảo chỉ định cho bị hại chuyển tiền hầu hết là thuê lại nên chủ tài khoản không biết được động cơ cũng như nhân thân của đối tượng.

Chính quyền cùng cơ quan Công an cũng khuyến cáo người dân không nên cho người khác mượn, thuê tài khoản của mình để phục vụ cho việc thanh toán, chuyển tiền; khi phát hiện các thông tin có liên quan đến tội phạm trên thì kịp thời thông báo đến cơ quan công an gần nhất để biết và phối hợp xử lý.

Nguyên Phương

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/them-mot-nan-nhan-mat-hon-800-trieu-dong-qua-dien-thoai-519526.html