Thêm một 'lò' đào tạo cử nhân giấy: Dịch vụ chuẩn hóa cán bộ!

Nhằm tự chuẩn hóa, cán bộ công chức xã ở miền Bắc, miền Nam nườm nượp đăng kí theo học Đại học Chu Văn An (Hưng Yên) để kiếm tấm bằng cử nhân Luật...

 Tại huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng, các cán bộ gồm ông Phạm Văn Đương (Chủ tịch UBND xã Hòa Bình); Bà Đỗ Thị Thu Minh (Chủ tịch Hội phụ nữ xã Vinh Quang); ông Vũ Xuân Giang (Trưởng Ban chỉ huy quân sự xã Vinh Quang) và bà Đoàn Thị Dung (Chủ tịch Hội nông dân) và nhiều người khác thừa nhận từng học tại các lớp học của ĐH Chu Văn An tại Trung tâm GDTX huyện Vĩnh Bảo.

Tại huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng, các cán bộ gồm ông Phạm Văn Đương (Chủ tịch UBND xã Hòa Bình); Bà Đỗ Thị Thu Minh (Chủ tịch Hội phụ nữ xã Vinh Quang); ông Vũ Xuân Giang (Trưởng Ban chỉ huy quân sự xã Vinh Quang) và bà Đoàn Thị Dung (Chủ tịch Hội nông dân) và nhiều người khác thừa nhận từng học tại các lớp học của ĐH Chu Văn An tại Trung tâm GDTX huyện Vĩnh Bảo.

Liên kết tuyển sinh... tới tuyến huyện!

Đại học Chu Văn An trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập năm 2006. Mang danh một “Vạn thế sư biểu” – người thầy chuẩn mực muôn đời của Việt Nam, Đại học Chu Văn An là niềm tự hào của mảnh đất Phố Hiến (Hưng Yên). Năm cao điểm, trường tuyển sinh, đào tạo 3.000 - 4.000 sinh viên.

Thế nhưng, thật đáng buồn khi ngôi trường đầy tự hào ấy lại đang dần trở thành “sự thất vọng” của ngành giáo dục, bởi thực tế mấy năm gần đây Trường ĐH Chu Văn An liên tục mở các lớp đào tạo trái phép tại các tỉnh như Thái Bình, Nam Định, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Cụ thể, trường này đã tìm cách liên kết với các Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên (Trung tâm GDTX) tại các huyện để tuyển sinh đào tạo đại học. Đối tượng nhà trường nhắm tới là những cán bộ công chức xã, cán bộ huyện chưa có bằng đại học và đang có nhu cầu "chuẩn hóa".

Trong quá trình điều tra, phóng viên đã thu thập được những bằng chứng liên quan đến việc ĐH Chu Văn An tuyển sinh đại học chính quy văn bằng 2 khi chưa được cấp phép; cùng với đó là dấu hiệu đào tạo một đằng, cấp bằng một nẻo không đúng hình thức đào tạo theo quy định.

Ông Nguyễn Duy Khắc và Bà Nguyễn Thị Chính (Phó Giám đốc Trung tâm GDTX huyện Vĩnh Bảo) đều thừa nhận trường ĐH Chu Văn An có mở lớp học ở cơ sở do mình quản lý. Ảnh: Minh Phúc.

Trao đổi với NNVN, lãnh đạo nhiều Trung tâm GDTX các huyện trên địa bàn tỉnh Thái Bình và Hải Phòng thừa nhận từng phối hợp với ĐH Chu Văn An để tuyển sinh và cho thuê/mượn phòng học để trường này tổ chức lớp đào tạo đại học.

Cụ thể, ông Nguyễn Duy Khắc – Giám đốc Trung tâm GDTX huyện Quỳnh Phụ, cho biết: Năm 2018, ĐH Chu Văn An có thuê hội trường của trung tâm để mở lớp đào tạo đại học cho sinh viên vào những ngày thứ 7 và Chủ nhật.

“Bộ phận đào tạo của trường Chu Văn An là do anh Phong quản lý và điều động. Khi kết thúc các tín chỉ, kết thúc đào tạo thì anh tổ chức thi, chứ chúng tôi không quản lý... Danh chính ngôn thuận là lớp đại học của trường Chu Văn An chứ không phải lớp của Trung tâm GDTX huyện Quỳnh Phụ”, ông Khắc nói.

Ông Nguyễn Duy Khắc khẳng định: Lớp học của trường Đại học Chu Văn An được đặt tại trung tâm do mình quản lý. Video: Minh Phúc.

Cũng theo vị giám đốc này, khi tuyển sinh được 1 sinh viên, Trung tâm sẽ nhận được 500.000 đồng từ ĐH Chu Văn An. Bên cạnh đó, giá thuê hội trường để trường tổ chức các lớp đại học là 500.000 đồng/buổi.

Chỉ trong 2 năm (2018 – 2019), Trung tâm GDTX huyện Quỳnh Phụ đã tuyển sinh cho ĐH Chu Văn An hơn 100 học viên, chủ yếu là cán bộ xã/thị trấn trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ và một số địa phương lân cận.

“Người ta tính đến năm 2020 là diễn ra Đại hội Đảng bộ các cấp, mà yêu cầu công chức cấp xã phải tốt nghiệp đại học trở lên... Chủ yếu phục vụ nhu cầu bằng cấp đảm bảo đủ điều kiện, đủ chuẩn cán bộ”, ông Khắc cho biết.

Ông Khắc cũng thừa nhận do Trung tâm GDTX không được phép liên kết tuyển sinh và liên kết đào tạo từ đại học trở lên, nên việc phối hợp tuyển sinh và cho ĐH Chu Văn An mượn phòng học đã gây rắc rối cho Trung tâm vì liên quan đến vấn đề pháp lý sau này.

“Mấy cái ông cán bộ tôi tuyển sinh hộ trường Chu Văn An, tiền thì được tí tẹo tèo teo mà độc phải tiếp PA03 (phòng An ninh Chính trị nội bộ tỉnh).... Thực ra việc đào tạo như vậy là vấn đề chung ở một số trường, ví dụ như Đại học Đông Đô năm ngoái (công an) cũng vào rồi và giờ đến Chu Văn An, PA03 cũng muốn xem lại”, ông Khắc chia sẻ.

Chỉ cần có bằng ĐH, sẽ mãi là cán bộ chủ chốt

"Vòi bạch tuộc" vươn vào miền Nam. Ảnh: Minh Phúc.

Theo khẳng định của nhiều cán bộ công chức xã tại huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) đã tốt nghiệp ĐH Chu Văn An, trong quá trình dạy và học, trường có mở các lớp đào tạo tại Trung tâm Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Vĩnh Bảo.

“100% các buổi học là học ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Vĩnh Bảo, tổ chức thi và học tất cả ở huyện Vĩnh Bảo... Giảng viên là của trường Chu Văn An, các thầy cô về đây dạy... Học một nơi nhưng cấp bằng tại trường Chu Văn An”, bà Phạm Thị Thu Minh – Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Vinh Quang (huyện Vĩnh Bảo), chia sẻ với phóng viên về quá trình học tập ngành Luật Kinh tế, hành chính niên khóa 2016 – 2018.

Bà Phạm Thị Thu Minh (Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ) và ông Vũ Xuân Giang (Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự) xã Vinh Quang khẳng định 100% các buổi học theo chương trình đào tạo đại học của trường Chu Văn An được đặt tại Trung tâm GDTX huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Video: Minh Phúc.

Ông Vũ Xuân Giang, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Vinh Quang cũng có bằng cử nhân Luật kinh tế, hành chính của Đại học Chu Văn An.

“Địa điểm của trường ở tận Hưng Yên cơ, nhưng (thầy, cô) về đây dạy học tại trung tâm thị trấn Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Chúng tôi về đấy học từ tháng 8/2016 đến tháng 8/2018 là xong, tức học 2 năm”, ông Giang nói.

Khi được phóng viên hỏi trong suốt thời gian đào tạo, mình học ở trường Chu Văn An hay học ở trung tâm dạy nghề của huyện, ông Giang trả lời: “100% buổi học là học ở trung tâm dạy nghề”.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Chính – Phó Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Vĩnh Bảo khẳng định: “Theo quy định, Trung tâm không được phép cho thuê, không được phép đặt địa điểm đào tạo từ đại học trở lên”. Đồng thời, bà cũng thừa nhận Trung tâm có vi phạm quy định khi cho ĐH Chu Văn An “mượn” phòng để tổ chức đào đào tạo đại học cho sinh viên.

“Đây là bài học xương máu của chị và chị nghiêm túc rút kinh nghiệm”, bà Chính nói.

“Vòi bạch tuộc” vươn từ Bắc vào Nam?

Dù chưa được cấp phép liên kết đào tạo đại học với trường Chu Văn An, nhưng trên website miennam.edu.vn của Trung tâm đào tạo tư vấn miền Nam đăng tải công khai thông tin về việc Đại học Chu Văn An tuyển sinh và mở lớp đào tạo đại học tại TP. Hồ Chí Minh, kèm theo danh sách các văn phòng phát hành hồ sơ tuyển sinh.

Đối tượng tuyển sinh là cán bộ, công chức, những người đang làm việc tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước, tư nhân, lược lượng vũ trang (đã có bằng tốt nghiệp THPT...) và những người đã có bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng hoặc trung cấp.

Trong quá trình điều tra, chúng tôi đã tiếp cận danh sách học viên một số lớp đào tạo ngành quản trị kinh doanh và ngành kế toán của trường Chu Văn An tổ chức (những người này đều đã được trường Chu Văn An cấp bằng cử nhân). Những học viên này đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau như Bến Tre, Long An, Đồng Nai, Bình Dương và nhiều nhất là TP. Hồ Chí Minh.

Trao đổi với chúng tôi, chị Hồ Thị T, SĐT: 09071233xx, tại Long An, đã tốt nghiệp lớp liên thông ngành Quản trị Kinh doanh và được ĐH Chu Văn An cấp bằng cử nhân vào cuối năm 2019 xác nhận, địa điểm học đại học là ở Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh) tại quận 1 vào các ngày thứ 7 và Chủ nhật. Phòng học được trường thuê tại một cơ sở giáo dục.

Trả lời hoạt động đào tạo tại thái Bình và Hưng Yên, ông Đỗ Minh Nghiệp – Phó hiệu trưởng phụ trách nhà trường, người ký vào hàng loạt các văn bản thông báo tuyển sinh và ký cấp bằng cử nhân của ĐH Chu Văn An cho sinh viên thừa nhận đã sai phạm:

“Việc đào tạo các lớp trên là chưa đúng các quy định, việc dạy và học chưa đảm bảo chất lượng, công tác quản lý chưa chặt chẽ nên nhà trường đã rút kinh nghiệm và kiểm điểm các bộ phận liên quan”.

Theo bà Đặng Thị Minh Hưng, Trưởng Phòng Giáo dục thường xuyên (Sở Giáo dục đào tạo tỉnh Thái Bình): “Tuyển sinh hộ cũng là một phần của hoạt động liên kết... Khi mà Trung tâm GDTX tuyển sinh giúp các trường đại học dù có văn bản hay không có văn bản thì đều trái với quy định của pháp luật”.

Minh Phúc - Đồng Thái

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/them-mot-lo-dao-tao-cu-nhan-giay-dich-vu-chuan-hoa-can-bo-d267987.html