Thêm một hình thức sở hữu chéo bị điểm danh

Từ năm 2021, cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng (TCTD) và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 5% vốn điều lệ của một TCTD khác.

Vietcombank và Agribank đã thoái vốn khỏi OCB

Trong những ngày cuối năm 2018, NHNN đã ban hành Thông tư 46/2018/TT-NHNN quy định về thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với trường hợp cổ đông lớn của một TCTD và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một TCTD khác (sau đây gọi tắt là sở hữu cổ phần vượt giới hạn) phát sinh trước ngày Luật số 17/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD có hiệu lực thi hành.

Còn nhớ hồi giữa tháng 6/2018, NHNN đã công bố bản dự thảo Thông tư 46, song dưới hình thức là Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư 06/2015/TT-NHNN quy định thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với trường hợp sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định tại Điều 55 Luật các TCTD. Tuy nhiên, vì chưa hiểu rõ tinh thần của Dự thảo Thông tư đó, nên dư luận thời điểm đó đã rộ lên câu chuyện “NHNN muốn giãn thời hạn sở hữu chéo”.

Liên quan đến vấn đề này, một chuyên gia ngân hàng khẳng định, không hề có chuyện “giãn thời hạn xử lý sở hữu chéo” mà thậm chí NHNN còn quyết liệt hơn trong việc xử lý tình trạng này. Bởi Dự thảo Thông tư này đã bổ sung thêm trường hợp “cổ đông lớn của một TCTD và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một TCTD khác” vừa được quy định bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD (Luật số 17/2017/QH14); trong khi đối với các trường hợp sở hữu vượt giới hạn khác, việc xử lý vẫn thực hiện theo Thông tư 06/2015/TT-NHNN.

Có lẽ cũng để tránh chuyện hiểu nhầm như trên, nên Thông tư chính thức (Thông tư 46/2018/TT-NHNN) là một Thông tư mới hoàn toàn, chứ không ở dạng sửa đổi, bổ sung Thông tư 06/2015/TT-NHNN nữa; trong đó chỉ quy định việc xử lý đối với trường hợp cổ đông lớn của một TCTD sở hữu cổ phần tại một TCTD khác vượt giới hạn quy định.

Thông tư nêu rõ, TCTD đầu mối (TCTD có cổ đông lớn mà cổ đông đó và người có liên quan sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một TCTD khác) phải phối hợp với TCTD khác, nhóm cổ đông lớn có liên quan lập Kế hoạch khắc phục việc sở hữu cổ phần vượt giới hạn, triển khai thực hiện Kế hoạch khắc phục đảm bảo chậm nhất ngày 31/12/2020 tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhóm cổ đông lớn có liên quan tuân thủ quy định tại Luật các TCTD (đã được sửa đổi, bổ sung).

Không chỉ vậy, kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, nhóm cổ đông lớn có liên quan không được tăng số lượng cổ phần sở hữu tại TCTD đầu mối, TCTD khác dưới mọi hình thức, trừ một số trường hợp đặc biệt như quy định tại Thông tư. Bên cạnh đó, TCTD đầu mối, TCTD khác không được cấp tín dụng hoặc cấp tín dụng mới (trong trường hợp đã cấp tín dụng) cho nhóm cổ đông lớn có liên quan sau 90 ngày kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành cho đến khi nhóm cổ đông lớn có liên quan tuân thủ tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định tại Điều 55 Luật các TCTD (đã được sửa đổi, bổ sung)…

Trên thực tế, dưới sự chỉ đạo sát sao của NHNN, vấn đề sở hữu chéo đang được quyết liệt xử lý. Theo đó, trong năm qua thị trường đã chứng kiến việc các TCTD rầm rộ thoái vốn khỏi các TCTD khác. Đơn cử như Vietcombank thoái vốn cổ phần tại OCB, Saigonbank, Eximbank, MB và Công ty Tài chính Xi măng. Vietinbank cũng thoái vốn khỏi Saigonbank; Agribank thoái vốn khỏi OCB…

Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội tại kỳ họp mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, tình trạng sở hữu chéo tại các ngân hàng thương mại đã giảm đáng kể. Sau 6 năm đẩy mạnh tái cơ cấu, hiện sở hữu chéo trực tiếp đã giảm từ 7 cặp còn 1 cặp. Sở hữu cổ phần trực tiếp giữa ngân hàng với doanh nghiệp cũng giảm mạnh, từ 56 cặp cách đây 6 năm còn 2 cặp hiện nay. Số cổ đông sở hữu vượt 15% vốn điều lệ cũng giảm còn một ngân hàng, so với con số 19 ngân hàng cách đây 6 năm…

TS.Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cũng đánh giá, có nhiều dấu hiệu cho thấy sở hữu chéo ngân hàng đã giảm mạnh. Đó là tình trạng một ông chủ vừa làm lãnh đạo ngân hàng, vừa làm lãnh đạo doanh nghiệp sân sau giảm; các ngân hàng đã thoái mạnh vốn khỏi ngân hàng khác; hầu hết các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước đã thoái vốn khỏi lĩnh vực ngân hàng.

Được biết Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng đặt mục tiêu: “Từng bước xử lý và xóa bỏ tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các TCTD có liên quan; đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành của các ngân hàng thương mại”.

Hà Anh

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/them-mot-hinh-thuc-so-huu-cheo-bi-diem-danh-143206.html