Thêm một góc nhìn về Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều

Không dễ dàng xử lý một vấn đề đã kéo dài hàng thập kỷ nhưng có thể thấy những tín hiệu tích cực cho thấy cả Mỹ và Triều Tiên đang hướng tới những bước đi thực chất cho một giải pháp lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. Đồng thời, tự hào khi thế giới đánh giá cao một Việt Nam trách nhiệm, tin cậy và đủ khả năng đáp ứng những yêu cầu của các sự kiện quốc tế quan trọng.

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh

Đó là chia sẻ của nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh về kết quả của Hội nghị cũng như vai trò và vị thế của Việt Nam khi được chọn là nước đăng cai sự kiện quốc tế quan trọng này.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai vừa kết thúc mà hai bên không đạt được thỏa thuận chung, là một nhà ngoại giao, cảm nghĩ của ông thế nào?

Ông Phạm Quang Vinh: Vấn đề bán đảo Triều Tiên là một vấn đề phức tạp, nhạy cảm trải qua 7 thập kỷ liên quan đến nhiều nước, liên quan đến hòa bình, an ninh và phát triển của thế giới, lại qua hơn 20 năm thương lượng, do đó không thể một sớm một chiều có thể xử lý được.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên tại Hà Nội là sự kiện quốc tế lớn, lại có hai nhân vật được thế giới rất quan tâm là Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un và có thể có những quyết sách quyết đoán, khác biệt cho nên đây là sự kiện nóng được cả thế giới quan tâm.

Hai nước trực tiếp “bắn” những tín hiệu tích cực. Những nước liên quan và Đông Bắc Á cũng kỳ vọng và họ thể hiện lạc quan dù còn thận trọng. Thế giới cũng ủng hộ và Việt Nam là nước đăng cai cũng rất ủng hộ tiến trình hòa bình, phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên nên cũng rất trông đợi Hội nghị sẽ có những kết quả nhất định cũng như cùng chia sẻ những kỳ vọng của thế giới.

Trước, trong và sau hội nghị dư luận nhiều chiều, có cả hy vọng, hoài nghi nhưng đều trông đợi có những kỳ vọng về những bước tiến có ý nghĩa cho hòa bình thế giới và cho bán đảo Triều Tiên. Cá nhân tôi cũng rất kỳ vọng.

Hội nghị không ra được kết quả cụ thể, chẳng hạn như Tuyên bố Hà Nội, mang đến sự tiếc nuối, không chỉ của Việt Nam mà còn của cả Mỹ, Triều Tiên và cả thế giới nhưng điều này phải nhìn ở góc độ nữa, là có hy vọng hay không.

Kết thúc Hội nghị, cả Mỹ và Triều đều cho thấy một hy vọng về việc sẽ tiếp tục thương lượng, đàm phán để hướng tới những kết quả cao hơn. Việt Nam cùng với khu vực và thế giới cũng hy vọng rằng, từ đà đối thoại, từ những kết quả dù chưa ra được thỏa thuận ở Việt Nam sẽ tạo đà cho những bước tiếp theo trong thương lượng giữa Mỹ, Triều nói riêng và các nước có liên quan đến bán đảo Triều Tiên nói chung để hướng tới những bước đi có ý nghĩa thực chất, tiến tới một giải pháp lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.

Hai bên kết thúc đàm phán nhưng đều thể hiện những tín hiệu tích cực: Đánh giá cao thiện chí của mỗi bên; khẳng định sẽ tiếp tục đàm phán, kể cả gặp lại cấp cao; trong quá trình trao đổi đã đặt lên bàn cân, không chỉ những vấn đề định hướng mà còn những vấn đề cốt lõi của vấn đề bán đảo Triều Tiên, trong đó đặc biệt là hai vấn đề liên quan với nhau là phi hạt nhân hóa và gỡ bỏ cấm vận.

Với những thông báo của hai nước, có thể thấy hai bên đang tính những bước đi rất thực chất trong cả hai vấn đề này, những vấn đề có liên quan nhưng họ chưa gặp nhau ở giải pháp chung cuối cùng. Có thể hiểu đây là vấn đề còn khó khăn, họ còn phải trao đổi trong nội bộ và có thể hiểu họ phải trao đổi với những bên liên quan trực tiếp đến bán đảo Triều Tiên.

Có thể nhìn nhận thế nào về vai trò, vị thế của Việt Nam sau Hội nghị lần này, thưa ông?

Ông Phạm Quang Vinh: Liên tục trong những ngày vừa qua, đất nước ta là tiêu điểm của dư luận với những thông điệp xây dựng và tích cực, đó là một Việt Nam khát khao hòa bình, đổi mới mạnh mẽ, hội nhập sâu rộng và ngày càng chủ động, tích cực tham gia những công việc chung của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến hòa bình và phát triển.

Kết quả của Hội nghị là do các bên liên quan trực tiếp quyết định nhưng Việt Nam vẫn được đánh giá rất cao trên nhiều mặt.

Trước hết, việc Việt Nam được lựa chọn là nơi tổ chức Hội nghị đã khẳng định vị thế, uy tín và sự tin cậy. Điều đó có được là do chúng ta kiên trì theo đuổi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Chúng ta hoàn toàn có niềm tin rằng những vấn đề lớn, phức tạp như vấn đề hòa bình trên bán đảo Triều Tiên mà chúng ta có thể có vai trò, có thể đóng góp tích cực, được bạn bè tin cậy thì chúng ta sẽ có dư địa để đóng góp tốt hơn trong các vấn đề quốc tế, khu vực.

Thứ hai, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tuần, với một sự kiện lớn, nhiều nhạy cảm chính trị, lại nhiều kỳ vọng như vậy, Việt Nam vẫn kịp thời triển khai tất cả các công việc chuẩn bị từ lễ tân, an ninh, tổ chức, hậu cần đến cả những vấn đề chính trị đối ngoại nhạy cảm, được cả thế giới và hai nước trong cuộc đánh giá rất cao.

Không phải dễ dàng trong một thời gian ngắn mà có thể đảm đương một khối lượng công việc rất lớn, rất khẩn trương như vậy, điều này khẳng định rõ rằng Việt Nam đủ năng lực và khả năng đáp ứng nhanh những yêu cầu cao của các sự kiện quốc tế lớn.

Việt Nam đã thể hiện không chỉ độ tin cậy cao mà còn có trách nhiệm rất cao trong đóng góp vào các công việc quốc tế và sự trông đợi của các nước liên quan cũng như của bạn bè thế giới.

Dù không đạt được thỏa thuận chung nhưng cả lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đều cảm ơn, đánh giá cao những đóng góp xây dựng, có trách nhiệm của Việt Nam đồng thời cảm ơn lòng mến khách và sự chuẩn bị chu đáo của Chính phủ và nhân dân Việt Nam.

Trong khi đó, cộng đồng quốc tế nhìn nhận Việt Nam có vị thế, uy tín và hình ảnh rất mới trong nỗ lực đóng góp vào công việc chung của quốc tế, mà trong trường hợp này là vấn đề bán đảo Triều Tiên.

Thứ ba, Hội nghị đã giúp truyền thông điệp Việt Nam là đất nước tin cậy, hòa bình, hữu nghị, xây dựng; con người Việt Nam mến khách, năng động; đất nước Việt Nam tươi đẹp và đang trên con đường đổi mới mạnh mẽ, hội nhập sâu rộng.

Trước, trong và sau khi kết thúc Hội nghị, Tổng thống Trump đã cảm ơn trân trọng và đánh giá rất cao Việt Nam tổ chức đăng cai Hội nghị nói riêng cũng như nỗ lực của Việt Nam về phát triển, đóng góp cho công việc quốc tế nói chung.

Chủ tịch Kim Jong Un sau Hội nghị sẽ có chuyến thăm chính thức Việt Nam. Trong chuyến thăm này, chắc chắn ông Kim Jong Un sẽ cùng các nhà lãnh đạo Việt Nam thúc đẩy quan hệ Việt-Triều phát triển mạnh mẽ hơn.

Nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đều có các cuộc gặp song phương với các nhà lãnh đạo Việt Nam, ông nhìn nhận như thế nào về cơ hội thúc đẩy quan hệ song phương giữa Việt Nam với Mỹ và Triều Tiên?

Ông Phạm Quang Vinh: Trong dịp này, lãnh đạo hai nước Mỹ và Triều Tiên không chỉ khẳng định cảm ơn và đánh giá cao Việt Nam trong xử lý vấn đề bán đảo Triều Tiên liên quan trực tiếp đến lợi ích thiết thực của họ mà còn cả những vấn đề quốc tế khác đồng thời còn là cơ hội để thảo luận các biện pháp nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương với Việt Nam.

Tổng thống Mỹ đánh giá cao vị thế của Việt Nam; khẳng định cùng với lãnh đạo Việt Nam làm những việc tốt nhất để hướng tới kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 2020 và mời lãnh đạo Việt Nam thăm Mỹ trong năm nay.

Còn Triều Tiên đánh giá cao quan hệ truyền thống hữu nghị và muốn tăng cường hơn nữa nhiều mặt hợp tác với Việt Nam. Quan trọng hơn, Triều Tiên tin cậy Việt Nam trong lập trường chính sách và những đóng góp đối với vấn đề bán đảo Triều Tiên.

Đồng thời, chuyến thăm Việt Nam của lãnh đạo cao nhất Triều Tiên sau 55 năm chắc chắn sẽ giúp thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Triều Tiên đồng thời thúc đẩy hợp tác trong các vấn đề quốc tế trong đó có vấn đề bán đảo Triều Tiên, trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc và ASEAN.

Thông qua Hội nghị và các hoạt động đối ngoại song phương cấp cao lần này, thế giới tin cậy về một Việt Nam khát vọng hòa bình, đổi mới, phát triển và đóng góp chủ động, trách nhiệm vào công việc chung của quốc tế./.

Hải Minh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doi-ngoai/them-mot-goc-nhin-ve-hoi-nghi-thuong-dinh-mytrieu/360350.vgp