Thêm một doanh nghiệp họ Masan sắp lên sàn, vốn hóa thị trường hơn 25.900 tỷ đồng

Sau hơn một tuần sau khi đăng ký lưu ký chứng khoán, Masan Meatlife sẽ chào sàn UPCoM vào ngày 9/12 tới với giá chào sàn 80.000 đồng/cp. Cơ cấu cổ đông cô đặc, số cổ phiếu tự do chuyển nhượng của doanh nghiệp vốn hóa 'khủng' này lại khá khiêm tốn.

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo ngày giao dịch đầu tiên cổ phiếu MML của CTCP Masan Meatlife trên sàn UPCoM vào ngày 9/12. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 80.000 đồng/cổ phần. Quyết định trên của HNX được thông qua không lâu sau khi MML đăng ký lưu ký chứng khoán với Trung tâm lưu ký chứng khoán hôm 28/11.

Với biên độ giao động trong khoảng +/- 40%, giá cổ phiếu MML ngày 9/12 có thể nằm trong khoảng 48.000 – 112.000 đồng/cổ phiếu.

Hiện vốn góp tại Masan Meatlife đạt 3.243 tỷ đồng. Tính theo giá tham chiếu đạt hơn 25.900 tỷ đồng, vốn hóa thị trường của Masan Meatlife , dự kiến sẽ trở thành doanh nghiệp có vốn hóa thị trường lớn thứ 8 trên UPCoM, đồng thời, vượt qua doanh nghiệp khác thuộc họ Masan đang giao dịch trên sàn này là Tài nguyên Masan (MSR). Tổng vốn hóa thị trường của ba thành viên do Masan chiếm cổ phần chi phối ước xấp xỉ 100.000 tỷ đồng.

Vốn hóa thị trường một số doanh nghiệp so với vốn hóa thị trường Masan Meatlife (dự kiến)

Vốn hóa thị trường một số doanh nghiệp so với vốn hóa thị trường Masan Meatlife (dự kiến)

Tập đoàn Masan là cổ đông lớn nhất sở hữu 79,32% vốn Masan Meatlife. Cùng Tầm nhìn Masan cũng đang sở hữu 7,95% vốn, tổng tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông Masan là 87,27%. Cổ đông lớn thứ ba của doanh nghiệp này là nhà đầu tư từ Singapore VN Consumer Meat II PTE trực thuộc công ty quản lý quỹ đầu tư hàng đầu thế giới KKR. Tháng 4/2017, KKR đã chi 150 triệu USD để nắm giữ 7,5% vốn công ty. Sau các lần tăng vốn, số cổ phiếu MML do KKR nắm giữ tăng lên nhưng tỷ lệ sở hữu lại giảm nhẹ, còn 7,14% vốn.

Tổng cộng, ba cổ đông lớn đã sở hữu tới 94,41% vốn điều lệ Masan Meatlife. Chỉ còn 5,59% vốn (khoảng 18,2 triệu cổ phiếu) nằm trong tay các cổ đông nhỏ lẻ. Thông tin từ doanh nghiệp này cho biết có hơn 800 nhà đầu tư đang là cổ đông của doanh nghiệp này đến ngày 8/11.

Cơ cấu cổ đông Masan Meatlife

Thành lập từ năm 2011, doanh nghiệp này trong 8 năm hoạt động với loạt thương vụ M&A khủng đã có không ít lần thay tên từ Sam Kim giai đoạn thâu tóm hai doanh nghiệp nắm thị phần lớn ngành thức ăn chăn nuôi là Anco và Prooconco, Masan Nutri Science khi trở thành công ty con của Masan. Masan Meatlife là tên mới của doanh nghiệp này sau 7 tháng chính thức tung ra sản phẩm thịt mát.

“Mục tiêu của Masan Meatlife là chuyển đỗi từ một công ty chuyên vê thức ăn chăn nuôi thành công ty theo mô hình hàng tiêu dùng cung cấp sản phẩm thịt có thương hiệu”, công ty này từng cho hay. Chuỗi giá trị thịt của Masan MEATLiíe được hoàn chỉnh theo mô hình 3F Feed – Farm – Food (từ nông trại đến bàn ăn). Doanh nghiệp này hiện có 10 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi với tổng công suất 3 triệu tấn/năm, trang trại chăn nuôi heo tại Nghệ An với sản lượng 230.000 con heo thịt/năm và một tổ hợp chế biến thịt tại Hà Nam có công suất 1,4 triệu con heo mỗi năm, tương đương 140.000 tấn theo tiêu chuẩn Châu Âu.

Thanh Thủy

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/them-mot-doanh-nghiep-ho-masan-sap-len-san-von-hoa-thi-truong-hon-25900-ty-dong-d112283.html