Thêm một cuốn sách họa theo tiểu thuyết 'Bến không chồng'

Mới đây, Thư viện Quảng Ninh, Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Ninh và xã Thụy Liên (Thái Bình) đã tổ chức Hội thảo công bố tác phẩm với nhan đề 'Miền quê Bến không chồng' do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam phát hành năm 2020, họa theo tiểu thuyết 'Bến không chồng' của nhà văn Dương Hướng và những cảm tưởng về công trình Khu tưởng niệm 'Bến không chồng' mới được xây dựng.

Trang sách mới ra mắt, được đông đảo bạn đọc yêu thích, tô thêm nét đẹp văn hóa cho Khu lưu niệm di tích Bến không chồng.

Trang sách mới ra mắt, được đông đảo bạn đọc yêu thích, tô thêm nét đẹp văn hóa cho Khu lưu niệm di tích Bến không chồng.

Lật lại vấn đề, năm 1990, nhà văn Dương Hướng sáng tác tiểu thuyết “Bến không chồng”, tác phẩm đạt giải Nhất Hội Nhà văn Việt Nam, được trao giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật. Tác phẩm được bạn đọc trong và ngoài nước mến mộ, đã tái bản tới 14 lần và được chuyển thể thành phim dài tập.

Văn học nghệ thuật, thông tin đại chúng đã làm sáng lên sự tích của những người phụ nữ xã Thụy Liên, huyện Thái Thụy (Thái Bình) từng hy sinh thầm lặng trong chiến tranh vệ quốc. Làng quê này điển hình cho cả nước về vấn đề hậu phương với tiền tuyến. Đằng sau người lính ra trận, bao người vợ lặng lẽ nuôi con chờ chồng, bao người làm vợ chưa bén hơi chồng đã bị góa bụa, bao mối tình dang dở, bao người phụ nữ khao khát được bước lên “xe hoa” mà không thành. Bom đạn ngoài mặt trận chia ly, cuốn người trai đi mãi mãi. Sự hy sinh thầm lặng của những người phụ nữ cũng đau thương, khốc liệt, còn dai dẳng hơn những người trai ngã xuống nơi khói lửa.

Chiến tranh để lại bi kịch, nhiều lâm - nông trường gái không chồng, làng không chồng... Và một “Bến không chồng” đi vào trang sách đã làm ấm lên truyền thống cách mạng khi đất nước còn đòi hỏi tinh thần cảnh giác bảo vệ chủ quyền, càng không quên những giá trị của lịch sử kháng chiến giữ nước vẻ vang của dân tộc. Năm 2018, xã Thụy Liên, dựng lên một tượng đài bên dòng sông Đình Đoài, bến nước từng đưa tiễn 1.500 trai làng ra mặt trận, 230 người ra đi mãi mãi không về, gọi là Khu lưu niệm di tích “Bến không chồng”.

Nhà văn Dương Hướng, tác giả của tác phẩm “Bến không chồng”.

Trung tâm Khu lưu niệm di tích Bến không chồng là một khối đá quý nguyên khai, cao 6,5m (cả bệ), rộng 3m, dày 2m, hình thù như hòn Vọng Phu ở Lạng Sơn. Nhưng có khác, hòn Vọng Phu ở Lạng Sơn thì hình dáng người mẹ bồng con chờ chồng. Còn đây, hòn Vọng Phu thì như vẫn thân đơn bóng lẻ. Người sành nghệ thuật tạo hình bảo, đây là hình tượng hòn “Vọng Phu” mới dựng. Công trình tôn vinh những người phụ nữ ở hậu phương, thời kháng chiến đội mưa nắng cùng sóng nước sông Đình Đoài chờ trai làng ở tiền tuyến trở về.

Hòn “Vọng Phu”, mới dựng bên sông Đình Đoài. Bến nước này từng đưa tiễn 1.500 trai làng ra mặt trận, 230 người ra đi mãi mãi không về…

Từ khi chính quyền và nhân dân xã Thụy Liên cùng nhà văn Dương Hướng có sáng kiến xã hội hóa đầu tư xây dựng quần thể kiến trúc văn hóa “Bến không chồng”, cũng như dựng bia đá hình thù hòn Vọng Phu đã thu hút không ít du khách và nhữngngười yêu văn học xa gần qua đây dừng chân lưu bút. Người vịnh thơ, người viết văn họa theo cốt truyện và thổi hồn văn chương vào vùng đất Thụy Liên tráng ca lịch sử. Nhà văn Dương Hướng và nhà thơ Nguyễn Thanh Châu đã tập hợp 90 bài thơ và 16 bài bút ký, phóng sự, tạp văn... của các tác giả trong nước và kiều bào ở nước ngoài có nội dung tốt, đưa vào một tuyển tập nhan đề “Miền quê Bến không chồng”.

Trang sách mới ra mắt, được đông đảo bạn đọc yêu thích, tô thêm nét đẹp văn hóa cho Khu lưu niệm di tích Bến không chồng, để giáo dục truyền thống cách mạng ở địa phương, đồng thời lan tỏa thêm giá trị vị nhân sinh của tiểu thuyết “Bến không chồng” của nhà văn Dương Hướng.

Vũ Phong Cầm

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/them-mot-cuon-sach-hoa-theo-tieu-thuyet-ben-khong-chong-283707.html