Thêm một cảnh báo với trái đất

Giới khoa học mới đây lên tiếng cảnh báo rằng hiệu ứng domino có thể khiến nhiệt độ toàn cầu tăng hơn 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, biến toàn hành tinh thành một 'nhà kính khổng lồ' và mức nước biển gia tăng, và dẫn đến việc một số khu vực trên thế giới không thể sinh sống.

Hiện tượng tan băng ở Greenland đang khiến mực nước biển toàn cầu tăng dần. (Nguồn: Guardian).

Nhiệt độ toàn cầu có thể tăng 4 - 5 độ C

Theo báo cáo mới được Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ công bố hôm đầu tuần này, trong tình trạng “nhà kính khổng lồ”, nhiệt độ toàn cầu sẽ cao hơn 4-5 độ C so với mức tiền công nghiệp.

“Khí thải gây hiệu ứng nhà kính không phải nguyên nhân duy nhất khiến nhiệt độ tăng. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy việc nhiệt độ toàn cầu tăng 2 độ C cũng có thể kích hoạt hiệu ứng khác, khiến cho Trái Đất nóng hơn - dù cho chúng ta có ngăn chặn lượng khí gây hiệu ứng nhà kính” - tác giả nghiên cứu, Will Steffen, thuộc ĐH Quốc gia Australia, cho hay.

Nhiệt độ tăng cao có thể khiến mực nước biển tăng tới 60 m so với mức hiện tại, gây ảnh hưởng tới các cộng đồng dân cư sống gần bờ biển. Trong mùa hè năm nay, hàng chục người đã thiệt mạng do các trận cháy rừng và đợt nắng nóng bất thường ở nhiều nơi trên thế giới, từ nước Mỹ cho tới châu Á, khiến Chính phủ nhiều nước quan ngại.

Báo cáo mới cho hay nếu “ngưỡng” - theo lý thuyết là điểm mà hiện tượng nóng lên toàn cầu không thể đảo ngược - bị vượt qua, nó sẽ “dẫn tới mức nhiệt độ toàn cầu cao hơn nhiều và mực nước biển tăng cao hơn bất cứ thời điểm nào”. Nhiều nhà khoa học còn tranh luận rằng loài người đã bước sang một kỷ nguyên địa chất mới, gọi là Anthropocence, mà trong đó các hoạt động của con người ảnh hưởng trực tiếp tới hành tinh.

Katherine Richardson, đồng tác giả bản báo cáo đến từ ĐH Copenhagen, cho hay ý tưởng về một điểm ngưỡng này không có gì mới. “Chúng ta luôn nhận thức rằng có một điểm tăng nhiệt độ mà từ đó không thể đảo ngược được nữa” - bà Richardson nói.

Hơn 200 quốc gia trên thế giới đã cam kết sẽ có hành động ngăn chặn biến đổi khí hậu theo Hiệp ước Paris, ký kết năm 2015. Thỏa thuận này thúc đẩy các bên ký kết chung tay hợp tác để giữ cho mức nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 2 độ C. Tuy nhiên, thỏa thuận này không có tính ràng buộc về mặt pháp lý, trong khi Mỹ đã tuyên bố rút khỏi, gây ảnh hưởng lớn đối với nỗ lực hình thành một mặt trận liên kết toàn cầu chống biến đổi khí hậu.

Hiệu ứng domino

Bản báo cáo mới nhấn mạnh về hậu quả từ sự giao thoa giữa vô số tác nhân gây biến đổi khí hậu - như cơ chế hấp thụ carbon của các đại dương, rừng, tan chảy sông băng, hoạt động của các loài vi khuẩn...- đều có kết hợp để hình thành nên một chuỗi hiệu ứng đẩy nhanh biến đổi khí hậu.

“Các nhân tố trên có thể đóng vai trò như một chuỗi domino” - Johan Rockstrom, Giám đốc Viện Nghiên cứu Ảnh hưởng Khí hậu Potsdam - nhận định và cho rằng: “Rất khó để có thể ngăn chặn chuỗi hiệu ứng này. Rất nhiều nơi trên thế giới có thể trở thành vùng không thể sinh sống nếu như viễn cảnh “Thế giới trở thành nhà kính khổng lồ” xảy ra”.

Báo cáo mới xuất hiện trong bối cảnh vùng bán cầu Bắc đang đối mặt với các đợt nắng nóng bất thường và nhiều trận cháy rừng nghiêm trọng. Bà Richardson cho hay, dù tình trạng thời tiết hiện tại không thể được sử dụng như minh chứng cho ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, nhưng các đợt nóng bất thường vừa qua cũng đã khiến nhiều người cảm nhận được sự cấp bách của vấn đề biến đổi khí hậu.

“Nhiều người đã bắt đầu cảm nhận được cái nóng bất thường, đó chính là biến đổi khí hậu” - bà Richardson nói và nhấn mạnh: “Toàn nhân loại đang nhận ra thực tế rằng chúng ta cần phải quản lý các nguồn lực ở cấp độ toàn cầu...Khi người ta nhận ra rằng những điều chúng ta làm có thể tác động tới khí hậu, thì việc duy trì các hệ thống của trái đất chính là trách nhiệm của chúng ta”.

Báo cáo cho hay, để đảo ngược hiệu ứng domino nguy hiểm này, biến đổi khí hậu cần được ngăn chặn trên mọi mặt trận, bằng “hành động chung của toàn nhân loại”, bao gồm việc hình thành nền kinh tế toàn cầu không carbon, tăng cường cơ chế hấp thụ carbon của tầng sinh quyển, thay đổi thái độ con người, phát triển công nghệ mới...

Bà Richardson cho hay, thay vì coi báo cáo mới như một “lời tiên tri tận thế”, nó nên được coi là niềm hy vọng rằng nếu có hành động ngay lập tức, thế giới có thể đảo ngược được viễn cảnh tồi tệ.

“Tôi cho rằng bản báo cáo này mang một thông điệp tích cực. Nếu chúng ta hiểu về hệ thống hiệu ứng này và cách nó vận hành, chúng ta sẽ có sức mạnh để đảo ngược nó” - bà Rochardson cho hay.

Linh Chi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/them-mot-canh-bao-voi-trai-dat-tintuc412112