Thêm một bước đi đẩy thỏa thuận hạt nhân Iran đến bờ vực đổ vỡ

Iran đã bơm khí urani vào 1.044 lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy Fordow. Đây là động thái mới nhất, là bước cắt giảm lần thứ 4 của Iran đối với các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Iran đã ký hồi năm 2015 với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Đức).

Tổng thống Iran Hassan Rouhani thông báo một bước mới trong hoạt động hạt nhân.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani thông báo một bước mới trong hoạt động hạt nhân.

Động thái này tiếp tục đặt JCPOA trước những mối đe dọa đổ vỡ lớn, đồng thời được xem như sức ép của Iran nhằm vào các nước châu Âu.

Đài truyền hình nhà nước Iran đưa tin: "Với sự chứng kiến của các thanh sát viên thuộc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Iran đã bắt đầu bơm khí urani vào các máy ly tâm ở Fordow”. Theo JCPOA, năm 2015, Iran đã nhất trí biến Fordow thành một trung tâm hạt nhân, vật lý và công nghệ, nơi có 1.044 máy ly tâm được dùng cho mục đích làm giàu khác, như sản xuất các chất đồng vị, dùng cho các mục đích dân sự.

Trước đó ngày 4/11, trong một động thái tiếp tục thu hẹp phạm vi tuân thủ JCPOA, Iran đã đưa vào sử dụng loạt 30 máy ly tâm IR-6 thế hệ mới và lượng sản xuất urani làm giàu của Iran đã đạt 5 kg/ngày. Một máy ly tâm thế hệ mới IR-6 có thể sản xuất urani làm giàu nhanh gấp 10 lần loại máy ly tâm đời đầu IR-1, vốn là loại máy mà Iran được phép sử dụng theo thỏa thuận. Bên cạnh đó, các nhà khoa học đang phát triển một nguyên mẫu của dòng máy ly tâm IR-9, có thể hoạt động nhanh gấp 50 lần IR-1. Với việc đưa vào sử dụng những máy ly tâm thế hệ mới, Iran hiện đang vận hành gấp đôi số lượng được giới hạn trong thỏa thuận ký kết năm 2015. Giới chuyên gia đánh giá nếu có ý định phát triển vũ khí hạt nhân thì việc đưa vào sử dụng loạt máy ly tâm kể trên giúp quỹ thời gian cần thiết để hoàn thiện vũ khí được cắt ngắn một năm.

Việc Iran tiếp tục thu hẹp cam kết trong thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 là một bước đi nguy hiểm, đặt JCPOA trước những mối đe dọa đổ vỡ lớn. Theo các nhà phân tích, những động thái thu hẹp các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân từ phía Tehran được xem như một hành động của Iran nhằm gây sức ép với các nước châu Âu, rằng nếu các nước này tiếp tục chậm trễ và để Iran một mình chống đỡ các biện pháp trừng phạt từ Washington, thì JCPOA cuối cùng chắc chắn sẽ đổ vỡ. Thế nhưng Liên minh châu Âu (EU) hiện nay đang rơi vào tình thế khó xử khi một mặt chịu áp lực từ Mỹ để loại bỏ hoàn toàn JCPOA, mặt khác lại bị Iran thúc ép. EU phụ thuộc vào quan hệ đồng minh với Mỹ, đồng thời lại có những lợi ích kinh tế khi duy trì hợp đồng thương mại với Iran, không thể đóng vai trò "cầu nối trung lập" để tháo gỡ căng thẳng giữa Tehran và Washington.

Trên thực tế, các biện pháp tái trừng phạt ngày càng siết chặt của Mỹ nhằm vào Iran, nhất là trong lĩnh vực dầu mỏ, ngành kinh tế chủ lực của quốc gia Hồi giáo này, đã làm tổn hại nặng nề nền kinh tế Iran. Ước tính 80% nền kinh tế Iran hiện đang phải chịu tác động của các biện pháp trừng phạt đơn phương mà Mỹ áp đặt, khiến Tehran tỏ ra "quyết liệt" gây sức ép, lấy việc tuân thủ JCPOA như một "quân bài mặc cả" buộc các nước EU cứu vãn thỏa thuận hạt nhân.

Trước thực trạng này, từ cuối tháng 1/2019, ba nước Pháp, Đức và Anh đã thông báo về việc xây dựng một cơ chế được gọi Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại (Instex), tức là một dạng sàn trao đổi hàng hóa giữa châu Âu và Iran mà không cần dùng đến tiền tệ. Tuy nhiên, thực tế vẫn chưa có bất cứ giao dịch nào giữa Iran và châu Âu được thực hiện qua sàn trao đổi này. Hầu như tất cả các tập đoàn lớn của châu Âu đều đã hủy bỏ các kế hoạch đầu tư đang triển khai và rút khỏi Iran kể từ khi Mỹ đe dọa trừng phạt các nước làm ăn với Iran.

Mới đây vào tháng 9/2019, Pháp đã đề xuất một kế hoạch cấp hạn mức tín dụng trị giá 15 tỷ USD cho Iran từ nay cho tới cuối năm 2019 nếu nước này tuân thủ cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, không cản trở an ninh và tự do hàng hải ở vùng Vịnh và đồng ý tham gia các cuộc đàm phán trong tương lai về an ninh Trung Đông cũng như các cuộc thương lượng liên quan đến vấn đề hạt nhân trong dài hạn.

Tuy nhiên, Mỹ không ủng hộ đề xuất cấp hạn mức tín dụng cho Iran, còn Iran thì cảnh báo sẽ chỉ quay trở lại thực thi đầy đủ các cam kết trong JCPOA nếu nước này nhận được 15 tỷ USD tiền bán dầu trong 4 tháng. Việc không bên nào chịu xuống thang đang kéo lùi những nỗ lực ngoại giao của châu Âu trở lại vạch xuất phát, đe dọa dẫn tới làm đổ vỡ hoàn toàn JCPOA.

Minh Châu

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/them-mot-buoc-di-day-thoa-thuan-hat-nhan-iran-den-bo-vuc-do-vo-114877.html