Thêm minh chứng ông Trump bắt bài Bắc Kinh

Đàm phán Mỹ-Trung lạc quan, thêm minh chứng ông Trump bắt bài Bắc Kinh.

Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) ngày 9/1 đánh giá khá lạc quan về cuộc đàm phán thương mại Mỹ- Trung Quốc cấp Thứ trưởng diễn ra vượt thời gian dự kiến ở Bắc Kinh.

Phó Đại diện Thương mại Jeffrey Gerrish (giữa) ở Bắc Kinh chuẩn bị cho cuộc đàm phán thương mại với quan chức Trung Quốc.

Hai bên được biết đã thảo luận "các cách thức để có được sự công bằng, có qua có lại và cân bằng trong mối quan hệ thương mại giữa hai nước".

Cụ thể, các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã thảo luận về các vấn đề liên quan tới bảo vệ sở hữu trí tuệ.

Đây là một trong những điều kiện mang tính then chốt trong cuộc đàm phán thương mại Mỹ- Trung bởi vấn đề an ninh và bảo mật của Trung Quốc đang được chính quyền Tổng thống Mỹ tập trung hơn hết.

Việc các quan chức Mỹ- Trung có cuộc thảo luận về vấn đề sở hữu trí tuệ được cho là một trong những dấu hiệu cho thấy sự xuống nước của phía Trung Quốc đối với Mỹ trong cuộc đối đầu giữa cường quốc kinh tế.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhắc tới 2 khả năng có thể xảy ra trước cuộc đàm phán Mỹ- Trung rằng: nhiều khả năng hai bên sẽ có thỏa thuận, nếu không đạt được thỏa thuận thì Mỹ cũng đã "hài lòng" với những gì cuộc đối đầu đã diễn ra suốt nhiều tháng qua.

Lạc quan về thỏa thuận sẽ đạt được từ cuộc đàm phán cấp Thứ trưởng, ông Trump cho rằng, nền kinh tế Trung Quốc đang "không ổn" và điều đó có lợi cho Mỹ trong cuộc đàm phán.

"Tôi nghĩ chúng tôi sẽ đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc. Tôi nghĩ họ phải làm như vậy” - Tổng thống Mỹ khẳng định.

"Tôi hy vọng chúng tôi sẽ đạt được thỏa thuận với Trung Quốc. Còn nếu chúng tôi không đạt được, họ cũng đã trả cho chúng tôi hàng chục tỷ USD tiền thuế rồi, đó dù sao cũng không phải là điều tệ nhất thế giới” - ông Trump nói về khả năng thứ hai.

Là cuộc đàm phán cấp Thứ trưởng vốn tập trung chi tiết vào các vấn đề kỹ thuật, một cuộc thảo luận về bảo vệ sở hữu trí tuệ là điều đầu tiên cho thấy Trung Quốc đang bị yếu thế trên bàn đàm phán.

Và Mỹ trong tình huống này, vẫn có thể lạc quan vào những gì ông Trump đã nói: Trung Quốc đã cam kết mua "một lượng lớn" nông sản, mặt hàng năng lượng cũng như các hàng hóa do Mỹ sản xuất.

Nền kinh tế Trung Quốc đúng là đang "không ổn" từ khi cuộc đối đầu thương mại Mỹ- Trung khởi phát.

Số liệu cho thấy, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Trung Quốc ghi nhận sự sụt giảm của các đơn hàng xuất khẩu trong các tháng tính tới tháng 11/2018.

Trong một báo cáo gần đây, ngân hàng HSBC dự báo chiến tranh thương mại leo thang có thể lấy đi 0,7 - 0,8% tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2019.

Tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm dần trong năm 2018 - Nguồn: Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc/Nikkei.

Vốn là một nền kinh tế tập trung chủ yếu vào xuất và nhập khẩu, việc ông Trump đánh thuế đối với hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ đã ảnh hưởng nặng nề với Bắc Kinh.

Nỗi lo sợ về sức khỏe nền kinh tế Trung Quốc phần nào được phản ánh thông qua thị trường chứng khoán. Thị trường chứng khoán của quốc gia này đã chính thức vào “thị trường giá xuống” hồi tháng 6/2018, mất đi 25% giá trị so với đầu năm.

Chính quyền của ông Tập Cận Bình đã đưa ra gợi ý về nhiều biện pháp kích thích hơn như giảm thuế nhiều hơn, tại hội nghị công tác kinh tế Trung ương thường niên giữa tháng 12/2018.

"Môi trường kinh tế bên ngoài đang phức tạp và khó khăn, và nền kinh tế đối mặt với áp lực đi xuống", thông cáo của hội nghị viết và kêu gọi "các biện pháp hiệu quả và cứng rắn hơn" được thực hiện "chính sách tài khóa chủ động". Kế hoạch là tăng cường giảm thuế và giảm phí nhiều hơn mức gần 1.300 tỷ Nhân dân tệ (188 tỷ USD) của năm 2018.

Trong con mắt của tỷ phú Tổng thống Mỹ, khởi phát cuộc đối đầu thuế quan với Trung Quốc rõ ràng là chỉ có thắng.

Kim Hoa

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/them-minh-chung-ong-trump-bat-bai-bac-kinh-3372623/