Thêm lý do vụ S-300 Syria không bắn hạ nổi F-35I Israel dù đã phát hiện

Trong vụ tấn công vào ngoại ô thành phố Aleppo hôm 27/3, cả quân đội Israel và Syria đều đã huy động tới những vũ khí tối tân nhất của mình, đó là tiêm kích tàng hình F-35I Adir và tên lửa phòng không tầm xa S-300.

Như thông tin từng đăng tải, vào hôm 27/3, không quân Israel đã thực hiện một cuộc tấn công chớp nhoáng vào các vị trí đóng quân của vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran ở ngoại ô thành phố Aleppo, Syria.

Trong trận chiến này, không quân Israel đã sử dụng tới tiêm kích tàng hình F-35I Adir, nó thực hiện đường bay xuyên qua không phận 2 nước Arab khác là Iraq và Jordan trước khi bắn phá mục tiêu.

Ngoài việc thực hiện đường bay phức tạp, tiêm kích tàng hình F-35I Adir còn nhận được sự trợ giúp của những tốp chiến đấu cơ F-15I Ra'am cùng F-16I Sufa hoạt động từ phía xa để đánh lạc hướng.

Kết quả của trận không kích trên theo báo cáo của không quân Israel thì đã thành công rất mỹ mãn, khi tất cả mọi mục tiêu đều bị tiêu diệt hoàn toàn còn họ chẳng phải hứng chịu bất cứ thiệt hại nào.

Tuy nhiên sau đó trang Debka của Israel đã cho biết một thông tin gây chấn động, đó là tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa của Syria đã phát hiện ra tiêm kích tàng hình F-35I Adir.

Truyền thông Israel cho biết mặc dù radar cảnh giới của S-300 Syria đã phát hiện ra F-35I, nhưng radar điều khiển hỏa lực của tổ hợp thì lại chưa thể khóa được mục tiêu.

Điều này liệu có phải là một may mắn của tiêm kích F-35I Adir Israel, hay là nó đã thực hiện biện pháp gây nhiễu điện tử và vô hiệu hóa radar hỏa lực của S-300 Syria?

Về phía mình, quân đội Syria cho biết trong vụ không kích của Israel, họ đã sử dụng hệ thống phòng không S-200 để ngăn chặn đợt tấn công từ máy bay chiến đấu Do Thái.

Mặc dù trong tay quân đội Syria có các hệ thống S-300, nhưng nguồn tin cho biết họ vẫn đang hoàn thiện quá trình huấn luyện sử dụng vũ khí này

Như vậy khả năng rất cao là trong vụ không kích vừa qua mới chỉ có kíp trắc thủ vận hành radar cảnh giới của S-300 Syria là đã đạt trạng thái sẵn sàng chiến đấu, nhận biết được sự có mặt của F-35I Adir Israel.

Tuy nhiên đáng tiếc rằng khi phát hiện và truyền dữ liệu về cho kíp trắc thủ điều khiển radar hỏa lực và bệ phóng đạn thì thông tin lại bị kẹt ở khâu này, do bộ phận còn lại chưa thể vận hành tổ hợp tên lửa thật nhuần nhuyễn.

Giải thích trên của quân đội Syria phần nào gỡ bỏ được thắc mắc về những gì đã diễn ra trong đêm 27/3, tuy nhiên nó cũng phản ánh tình trạng sẵn sàng chiến đấu kém của phòng không Syria.

Mốc thời gian ban đầu được Nga đưa ra là cuối tháng 12/2018 binh sĩ Syria đã phải độc lập vận hành S-300, nhưng sau đó thời hạn bị lùi lại tới cuối tháng 3/2019, đáng tiếc rằng có vẻ hạn chót lại tiếp tục bị dời đi.

Thậm chí còn có nhận định cho rằng kể cả khi đã hoàn toàn làm chủ S-300 thì chưa chắc Syria đã dám dùng nó để bắn thẳng vào tiêm kích Israel để tránh bị trở thành mục tiêu trực tiếp của lực lượng này.

Có lẽ S-300 Syria khi tham chiến thì nó vẫn chủ yếu bắn hạ tên lửa và bom hành trình của Israel trong trường hợp chúng rơi vào vị trí quan trọng cần bảo vệ mà thôi.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-them-ly-do-vu-s300-syria-khong-ban-ha-noi-f35i-israel-du-da-phat-hien/805860.antd