Thêm lượng lớn được xử lý, nợ xấu ngân hàng xuống thấp

Sáng 28/8, Ngân hàng Nhà nước tổ chức hội nghị sơ kết một năm triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu.

Đến cuối tháng 6/2018 tỷ lệ nợ xấu so với so với tổng nợ là 2,09%, giảm so với thời điểm 31/12/2016 (2,46%). Nguồn: Internet

Đến cuối tháng 6/2018 tỷ lệ nợ xấu so với so với tổng nợ là 2,09%, giảm so với thời điểm 31/12/2016 (2,46%). Nguồn: Internet

Báo cáo tại hội nghị, Ngân hàng Nhà nước cho biết, sau một năm thực hiện nghị quyết trên, năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng tiếp tục được củng cố, vốn điều lệ tăng nhanh dần qua các năm.

Tính đến 30/6/2018, vốn điều lệ của toàn hệ thống ước đạt 519,01 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% so với cuối năm 2017, tăng 6,3% so với cuối năm 2016. Vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống ước đạt 720,43 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1% so với cuối năm 2017, tăng 21,1% so với cuối năm 2016.

"Các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng", báo cáo cho biết.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 42 bước đầu đã tạo điều kiện quan trọng góp phần xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, đến cuối tháng 6/2018 tỷ lệ nợ xấu so với so với tổng nợ là 2,09%, giảm so với thời điểm 31/12/2016 (2,46%).

Về kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, đến 30/6/2018, hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 138,29 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 (không bao gồm 61,04 nghìn tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng).

Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng là 70,23 nghìn tỷ đồng (chiếm 50,78%), xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán xác định theo Nghị quyết 42 là 21,59 nghìn tỷ đồng (chiếm 15,61%) và xử lý các khoản nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 46,46 nghìn tỷ đồng (chiếm 33,59%).

Ngày 21/6/2017, Quốc hội thông qua Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, với mục tiêu pháp điển hóa những quy định cụ thể về xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng, nâng cao vai trò, năng lực của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Bên cạnh đó, nghị quyết này hướng tới xử lý các vướng mắc, khó khăn liên quan đến hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ của tổ chức tín dụng, tạo cơ chế đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, khả thi, triệt để, kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, đảm bảo các tổ chức tín dụng tiếp tục phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo và đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.

Theo Minh Đức/vneconomy.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/kinh-te-vi-mo/them-luong-lon-duoc-xu-ly-no-xau-ngan-hang-xuong-thap-143205.html