Thêm lực đẩy nào cho ứng dụng công nghệ cao?

Ứng dụng công nghệ cao là một trong những bước đi giúp các hợp tác xã từng bước nâng 'chất' cũng như đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu.

Mô hình nuôi cá lồng của HTX Xuân Hòa. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Mô hình nuôi cá lồng của HTX Xuân Hòa. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Thế nhưng, việc phát triển các hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao ở khu vực kinh tế tập thể vẫn còn mờ nhạt, tự phát mà nút thắt lớn nhất vẫn là nguồn vốn. Chính vì vậy, Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã được ví như "đòn bẩy" giúp khu vực hợp tác xã nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh... Song, thực tế nguồn lực của Quỹ này chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn, khiến nhiều hợp tác xã chưa đủ đà bứt phá.

*Đón đầu công nghệ

Nhờ tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã, Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh và Dịch vụ nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa, tỉnh Nam Định phất lên như “diều gặp gió”. Hợp tác xã phát triển cả về số lượng và chất lượng, từ 7 thành viên ban đầu đã nhanh chóng lên con số 25 chỉ sau một thời gian đi vào hoạt động.

Ông Lê Văn Bản – Chủ tịch Hội đồng quản trị hợp tác xã cho biết, hợp tác xã vay từ Quỹ 1,4 tỷ đồng để đầu tư gần 1,9 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng sơ chế, kho cấp đông, kho lạnh, máy sấy, máy nghiền nguyên liệu chế biến thức ăn cho cá.

Năm 2020, hợp tác xã bắt đầu cho ra đời sản phẩm cá trắm, cá lăng cắt khúc, đóng gói, hút chân không, xúc tiến đưa vào chuỗi siêu thị lớn. Hợp tác xã đang hoàn thiện tất cả các quy trình con giống, thức ăn, đầu ra… để tiến tới “đứng” trong chuỗi giá trị của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.

Cùng nằm trên địa bàn tỉnh Nam Định, dù mới thành lập 3 năm nhưng Hợp tác xã Xuân Tiến không chỉ phát huy nội lực địa phương mà còn nhanh nhạy ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại, mang lại doanh thu lớn cho hợp tác xã cũng như thu nhập cho thành viên.

Mới đây Hợp tác xã Xuân Tiến đã đầu tư gần 2,5 tỷ đồng cho hệ thống nhà xưởng, máy móc, cơ sở sản xuất bánh đa nem. Đây là hợp tác xã tiên phong cho hướng sản xuất hiện đại, an toàn vệ sinh thực phẩm và đưa thương hiệu bánh đa nem Xuân Tiến tới các thị trường mới.

Ông Mai Văn Khang - Giám đốc Hợp tác xã Xuân Tiến cho hay: Quy trình sản xuất hoàn toàn khép kín từ khâu xay bột, tráng bánh, sấy thành phẩm, đóng gói.

Theo đó, nguyên liệu đầu vào được xay bằng máy, qua quá trình pha chế đưa qua van sang máy tráng bánh, qua hệ thống nấu hơi thành sản phẩm bánh đa nem ướt.

Quý trình phơi thay vì ánh nắng mặt trời, các phên liếp được xếp ngăn ngắn vào nhà sấy, chỉ cần nhấn nút khởi động đã được cài đặt nhiệt độ và thời gian và chờ để đưa bánh khô ra ngoài.

Nhờ cải tiến quy trình sản xuất, hợp tác xã đã tiết kiệm nguyên liệu, giảm chi phí nhân công, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, khắc phục những hạn chế sản xuất theo phương thức truyền thống. Trung bình một tháng hợp tác xã sản xuất được 120 - 150 tấn bánh đa nem, mỳ gạo.

Cùng theo hướng này, hiện nay nhiều hợp tác xã đã bước đầu lắp đặt máy móc công nghệ cao vào sản xuất như hệ thống nhà lưới, máy rửa rau ozon và một phần diện tích sản xuất theo phương pháp thủy canh, thậm chí chăm sóc rau màu qua hệ thống phần mềm từ xa mà không cần đến lao động trực tiếp.

Tuy nhiên, để chuyển đổi từ sản xuất, canh tác theo phương pháp truyền thống sang hiện đại, ứng dụng công nghệ cao theo các tiêu chuẩn quốc tế đến việc tìm kiếm thị trường trong nước và ra nước ngoài không phải là điều dễ dàng với các hợp tác xã; trong đó rào cản lớn nhất vẫn là vốn. Do thiếu vốn lưu động nên các hợp tác xã đều dựa vào các doanh nghiệp và buộc phải ký mua chịu nguyên liệu với lãi suất cao, giá cả lên xuống thất thường.

Làm bánh đa nem theo quy trình khép kín của HTX Xuân Tiến. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

*Nguồn lực tiếp sức

Thực tế cho thấy, hiện nay phần lớn hợp tác xã luôn trong tình trạng “khát vốn” và rất khó tiếp cận. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn trong việc mở rộng sản xuất, phát triển bền vững và cần có thêm những hỗ trợ kịp thời, mạnh mẽ từ các nguồn lực xã hội, nhất là nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã.

Theo kiến nghị chung từ các hợp tác xã, việc tiếp cận nguồn vốn thương mại rất khó khăn do ngân hàng thương mại đòi hỏi khắt khe về tài sản đảm bảo trong khi hợp tác xã không có nhiều tài sản chung. Hơn nữa, đứng trên phương diện tập thể, đi vay vốn từ ngân hàng là điều không hề dễ dàng.

Vì thế, tại không ít hợp tác xã, lãnh đạo phải đứng ra vay thế chấp, tín chấp trên danh nghĩa cá nhân.

Ông Phạm Công Bằng - Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã cho biết, cả nước đã có 51 Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã các tỉnh, thành phố được thành lập; trong đó 1 quỹ hợp tác xã trung ương và 50 quỹ hợp tác xã địa phương với tổng số vốn trên 1.470 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này đã cho 5.730 lượt hợp tác xã và gần 607.840 lượt tổ hợp tác, thành viên, người lao động của hợp tác xã vay vốn.

Tuy nhiên, dù rất nhiều hợp tác xã có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh nhưng quỹ gần như không đủ lực để cho vay mà chỉ đợi thu hồi gốc mới cho vay tiếp... Do đó, quỹ chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ so với nhu cầu.

Không những thế, một số quỹ còn hạn chế, nguồn vốn hoạt động thấp, chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, chưa kể một số quỹ chỉ duy trì vốn điều lệ ở mức 500 triệu đồng.

Nhằm hạn chế việc các hợp tác xã “khát vốn” phải đi tìm kiếm sự hỗ trợ từ các quỹ đầu tư tài chính, ngân hàng thương mại, tín dụng đen với lãi suất cao, theo ông Phạm Công Bằng, Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã đang thực hiện mọi giải pháp để huy động, bổ sung nguồn lực “tiếp vốn” kịp thời cho các hợp tác xã.

Để tháo gỡ khó khăn cho các hợp tác xã, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, cần lồng ghép các nguồn lực của cả Trung ương và địa phương để hỗ trợ các hợp tác xã.

Bên cạnh đó, các địa phương cần tạo điều kiện xây dựng và bổ sung nguồn vốn cho Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, tạo thuận lợi hợp tác xã được vay vốn để giải quyết khó khăn cũng như đầu tư, phát triển theo hướng công nghệ cao.

Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, nhằm hướng đến mục tiêu vào năm 2030 cả nước có trên 5.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản, ngoài đáp ứng nhu cầu vốn, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam vẫn duy trì các lớp tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực nhằm nâng cao nhận thức của các thành viên hợp tác xã.

Đồng thời, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cũng lựa chọn một số hợp tác xã có khả năng, tiềm lực để tư vấn, hỗ trợ đẩy mạnh ứng công nghệ cao và lựa chọn các công nghệ phù hợp vào sản xuất để phát triển mạnh, bền vững./.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/them-luc-day-nao-cho-ung-dung-cong-nghe-cao/197863.html