Thêm học sinh bị sét đánh tử vong: Những lưu ý đảm bảo an toàn cho trẻ

Gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ học sinh bị sét đánh tử vong trên đường đi học hoặc khi vui chơi dưới trời mưa. Các em rất cần được trang bị kiến thức để tự bảo vệ bản thân trước thiên tai...

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet).

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet).

Mỗi năm, Việt Nam hứng chịu tới hai triệu cú sét. Tần suất sét lớn hơn ở vùng núi, vùng trung du phía Bắc và đồng bằng Nam Bộ. Ở vùng núi, tuy sét xuất hiện nhiều hơn nhưng lại ít gây nguy hiểm vì có nhiều cây to là những vật dẫn điện tốt. Vùng trung du và đồng bằng có ít cây xanh nên người và gia súc dễ bị sét đánh trúng.

Những vụ việc đau lòng

Vào khoảng 15h ngày 1/5, em Hồ Văn Th. (sinh năm 2008, học lớp 7C, Trường bán trú THCS và THPT Đakrông), đang chơi bóng cùng 5 bạn khác ở sân trường bán trú thì bị sét đánh vào lưng.

Ngay sau đó, em Th. được mọi người đưa đi cấp cứu tại Trung tâm y tế cơ sở 2 ở xã Tà Rụt, huyện Đakrông, nhưng em không qua khỏi.

“Lúc đó trời đang có dông. Nghe tiếng sét đánh, người dân xung quanh đến thì thấy cả 6 em đã bị sét đánh nằm tại chỗ. Ngoài em Th. tử vong, có một em khác bị thương”, trích lời ông Hồ Văn Nhiếp - Chủ tịch UBND xã Tà Rụt.

Trước đó, vào khoảng 16h30 ngày 26/4, em Nguyễn Duy Tr. (sinh năm 2011, học sinh lớp 4 Trường Tiểu học xã Yên Hồ) đang đi xe đạp về nhà thì trời đổ mưa. Khi em về cách nhà chừng 200m thì không may bị sét đánh trúng khiến em tử vong.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet).

Nhữngkiến thức tránh sét cần thiết

Sét là hiện tượng thời tiết cực đoan ngẫu nhiên nên không có vị trí an toàn tuyệt đối để tránh sét. Tuy nhiên các nhà khoa học vẫn khuyến cáo, việc chủ động tìm nơi an toàn, đề phòng tránh sét khi gặp trời mưa giông, nhất là trong mùa mưa bão, có thể làm giảm đáng kể khả năng bị sét đánh và tránh được những tổn thương về sức khỏe.

Theo TS. Nguyễn Hồng Phương - Viện Vật lý địa cầu: Điều đầu tiên để phòng chống bị sét đánh, tất cả người dân cần chủ động nắm rõ thông tin thời tiết.

Ở miền Bắc, hiện đang mùa cao điểm dông sét kéo dài từ tháng 4-8. Vì vậy, các em học sinh cần được trang bị kiến thức về cách phòng tránh sét từ thầy cô, cha mẹ.

Khi thấy trời sắp xảy ra giông cần vào nhà trú mưa. Ở trong nhà, nên đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện, tránh các chỗ ẩm ướt như buồng tắm, bể nước, vòi nước, không nên dùng điện thoại trừ trường hợp rất cần thiết. Rút phích cắm các thiết bị điện trước lúc có giông.

Với các đường dây điện thoại hay dây điện vì nối với lưới bên ngoài nên rất có thể bị ảnh hưởng sét đánh lan truyền. Bởi vậy nên tránh xa các dây này và các vật dùng điện với khoảng cách ít nhất là một mét.

Khi đang ở ngoài trời, nếu không tìm được chỗ trú ẩn, phải tránh xa các cây cao, không đứng ở đỉnh đồi, không đứng ở các vùng đất trống trải, vứt bỏ các vật dụng kim loại trong người; cũng không đứng, ngồi cạnh cột điện, hoặc đường dây tải điện, vì đây cũng là những nơi dễ bị sét đánh hay dây điện bị đứt nên rất nguy hiểm.

Trong trường hợp đang ở vùng đất trống nên chụm hai chân, cúi người sát mặt đất (nhưng không chạm hay nằm xuống đất) với hai tay bịt tai… Nếu ở trong rừng thì tìm những nơi cây thấp hơn và thưa để tránh. Không đứng thành nhóm người gần nhau.

Nếu như bạn cảm thấy tóc bị dựng lên (như cảm giác điện khi sờ tay trước mặt tivi) thì điều đó có nghĩa là có thể bị sét đánh bất cứ lúc nào. Lập tức cúi ngồi xuống và lấy tay che tai, không nằm xuống đất hay đặt tay lên đất.

Đối với các vật có bề mặt kim loại như xe buýt, tàu hỏa, ôtô... nếu không thò người ra ngoài và không chạm đến vỏ bọc thì ở những chỗ này là an toàn. Ngược lại đối với các ôtô, tàu thủy để hở hay không có vỏ bọc kim loại thì lại nguy hiểm. Sau khi nghe thấy tiếng sét 30 phút thì có thể trở lại làm việc bình thường.

Đối với nhà ở cao tầng, khi thiết kế xây dựng phải có cột thu lôi.

Ở những vùng nông thôn, đồi núi, biện pháp phòng chống sét lâu dài là trồng nhiều cây xanh. Thực tế cho thấy khi trồng nhiều cây xanh phủ trên diện tích rộng, số lần sét đánh giảm hẳn. Tuy nhiên, không được trồng cây quá cao sát nhà...

Tóm lại, cần lưu ý trẻ tuyệt đối không ở ngoài trời, đặc biệt là những vùng đất trống trải khi trời mưa dông. Không trú tại các gốc cây mà phải là nhà kiên cố. Không chơi ngoài trời khi trời nổi cơn dông và phải tránh xa các vật dụng kim loại.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/them-hoc-sinh-bi-set-danh-tu-vong-nhung-luu-y-dam-bao-an-toan-cho-tre-DBMQD89Gg.html