Thêm góp ý cho Dự án thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé

'Việc xây cống Cái Lớn – Cái Bé trong lúc này là chưa cần thiết!' - TS Dương Văn Ni góp ý về Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé.

Nhận được góp ý tâm huyết của TS Dương Văn Ni, Khoa MT&TNTN, Đại học Cần Thơ về Dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé , báo Đất Việt xin trân trọng giới thiệu bài viết của ông.

"Ngày 28/5 tại Cần Thơ, tôi được nghe nhóm chuyên gia tư vấn độc lập trình bày những tóm tắt và nhận xét dự án và đọc Báo cáo ĐTM - Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (giai đoạn 1) của Viện Kỹ thuật Biển - năm 2017, tôi xin góp các ý sau:

1. Về cơ sở pháp lý, thì Nghị quyết 120/NQ-CP ra đời ngày 17/11/2017 là một nghị quyết rất tiến bộ về mặt sử dụng tài nguyên và môi trường như: Xem biển là một phần không tách rời của ĐBSCL, xem nguồn nước mặn là tài nguyên, và phát triển trên nguyên tắc “thuận thiên” (Mục 4. Các giải pháp tổng thể, phần b.). Trong khi đó quyết định 498/QĐ-TTg phê duyệt Chủ trương đầu tư dự án ký ngày 17/4/2017, tức là trước khi có nghị quyết 120 đúng 7 tháng. Vậy dự án Cái Lớn – Cái Bé có điều chỉnh gì theo nghị quyết 120 không?

TS Dương Văn Ni

2. Về mục tiêu “kiểm soát nguồn nước mặn” thì không rõ ràng, bởi chưa chứng minh được các câu hỏi sau:

- Nguồn nước mặn nào? Nếu nhìn vào bản đồ ĐBSCL thì phía Tây-Nam sông Hậu từ Châu Đốc đến Sóc Trăng không có một nhánh sông nào từ sông Hậu chảy ra đến biển Tây. Vì vậy, đất vùng bán đảo Cà Mau không phải do phù sa sông Hậu bồi lắng trực tiếp, mà là do phù sa từ phía biển (coastal plain), như mũi Cà Mau mấy năm trước mỗi năm kéo dài ra hàng chục mét mà nước sông Hậu đâu có chảy tới đó. Đất ở đây được bồi tụ trong môi trường nước mặn, tức là trong đất có sẵn muối. Mỗi năm khi mùa khô đến thì muối trong đất bị mao dẫn lên mặt đất. Khi các trận mưa đầu mùa đến, nước mưa hòa tan các muối này và đổ vào sông rạch. Như vậy là có hai nguồn nước mặn: Nước mặn từ phía biển và nước mặn hình thành tại chỗ do muối tan ra từ trong đất. Vậy mục tiêu của dự án chỉ kiểm soát nguồn nước mặn từ phía biển (xây cống) liệu có đúng?

- Tại sao phải kiểm soát nguồn nước mặn từ phía biển?Vùng bán đảo Cà Mau, mỗi năm lượng nước mưa >2,000 mm và người dân ở đây biết cách tận dụng nước mưa rửa mặn lớp đất mặt (20-30 cm) để trồng lúa; hoặc lên liếp cao ráo rồi sau vài năm hết mặn thì có thể trồng rau màu hay cây ăn trái.

Cũng vì đất được phù sa bồi lắng trong môi trường nước mặn hoặc lợ nên trong đất hình thành vật liệu sinh phèn (pyrite-FeS2), người dân gọi là đất phèn tiềm tàng. Tức là vật liệu sinh phèn này nếu được giữ trong môi trường yếm khí thì vô hại, nhưng nếu để tiếp xúc với không khí thì chúng bị oxy hóa và sinh ra phèn làm nước và đất trở nên rất chua, cây trồng và vật nuôi không thể sống được.

Do đó, tại các vùng đất phèn tiềm tàng này không ai dám để bị khô, người dân đã biết cách đưa nước mặn vào ruộng vừa để “ém phèn”, vừa để khai thác thủy sản tự nhiên có sẳn trong nguồn nước mặn như cá kèo, cá đối, cua, tép bạc và hiện nay là nuôi tôm sú. Kiểm soát nguồn nước mặn từ phía biển thì ảnh hưởng nguồn lợi thủy sản này ra sao?

Nếu không cho nước mặn vào thì cũng phải có nguồn nước khác thay thế để ém phèn. Nguồn nước ngọt từ sông Hậu thì chảy không tới nên chỉ còn nước mưa, vậy nếu hạn hán xảy ra thì lấy nguồn nước nào để ém phèn?

Một cánh đồng lúa đang trổ bông tại huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu bị “xèo” do mặn trong đất xì lên vì không có mưa. Người dân chấp nhận bỏ vụ lúa, sên mương để chuẩn bị đưa nước mặn vào nuôi vụ tôm sú. Ảnh: TS Dương Văn Ni

3. Mục tiêu “giải quyết mâu thuẫn giữa vùng nuôi trồng thủy sản ven biển và vùng sản xuất nông nghiệp của các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu và tỉnh Sóc Trăng thuộc lưu vực sông Cái Lớn - Cái Bé.

- Mâu thuẫn ở đây là gì? Trong đề cương dự án phân tích đó là mâu thuẫn mặn-ngọt. Ở đây, nơi nào gò hơn thì xẻ mương phèn trồng lúa do dễ tiêu thoát nước còn nơi nào đất trũng thấp (đất láng) thì bao vuông nuôi tôm sú, nên đất nông nghiệp xen kẻ với đất nuôi trồng thủy sản. Cách sử dụng nước là nếu cần bơm nước ngọt cho lúa thì người dân chọn lúc nước ròng và nếu cần bơm nước mặn cho tôm thì người ta chọn lúc nước lớn, có mâu thuẫn gì đâu?

Trong thời gian qua có xảy ra xung đột là do các hộ nuôi tôm thâm canh giữ nước mặn quanh năm, nên lúc xung quanh người ta trồng lúa thì họ vẫn giữ mặn và làm mặn xì ra ảnh hưởng đất nông nghiệp xung quanh. Nếu giữ cách canh tác truyền thống là trên cùng một thửa ruộng, mùa nắng thì lấy nước mặn vào nuôi tôm, mùa mưa xổ mặn xong trồng lúa (mô hình lúa-tôm), tức là người dân biết cách canh tác theo mặn-ngọt ngay trên cùng một thửa ruộng và cả xóm làng làm nhịp nhàng hết vụ lúa đến vụ tôm nên mấy chục năm qua đâu có mâu thuẫn gì. Bây giờ kiểm soát mặn trên sông rạch để giữ nước ngọt nhiều hơn, liệu người dân có đồng thuận?

Lưu ý là người dân rất muốn kiểm soát mặn, nhưng cần hỏi cho rõ là họ muốn kiểm soát mặn ở đâu? Lúc nào? Trên cây trồng vật nuôi nào? Bài học về việc người dân đòi phá bỏ cống Láng Trâm (dự án Ngọt hóa bán đảo Cà Mau) để có đủ nguồn nước mặn cho nuôi trồng thủy sản vẫn còn nguyên giá trị.

-Ảnh hưởng đến đất lúa:Vùng này trước năm 1980 chỉ canh tác một vụ lúa mùa/năm chủ yếu dựa vào nước mưa và trên đất có địa hình cao do dễ tiêu nước nên rửa phèn mặn nhanh hơn đất ở địa hình trũng thấp.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/them-gop-y-cho-du-an-thuy-loi-cai-lon-cai-be-3363820/