Thêm giải pháp ngăn chặn, xử lý sim rác: Tạo chuyển biến thực chất

Cuối tháng 4-2021, ba nhà mạng Viettel, VNPT/VinaPhone, MobiFone đã ký bổ sung thỏa thuận tăng cường quản lý thông tin thuê bao để ngăn chặn và xử lý sim rác. Theo đó, cùng với các giải pháp kỹ thuật đang triển khai, các nhà mạng sẽ thêm giải pháp để xác thực khách hàng trước khi kích hoạt thuê bao mới, nhằm tạo chuyển biến thực chất trong lĩnh vực này.

Các nhà mạng viễn thông đã triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn, xử lý sim rác. Trong ảnh: Nhân viên VinaPhone hỗ trợ khách hàng kích hoạt thuê bao mới.

Việc mua bán sim rác có dấu hiệu phức tạp

Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), nhằm siết chặt quản lý sim kích hoạt sẵn, các nhà mạng cùng áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ nhận diện khách hàng (KYC) từ tháng 4-2020; dừng phát triển sim mới tại điểm ủy quyền từ tháng 6-2020; nâng cấp AI sinh trắc học từ tháng 9-2020. Qua thống kê, các nhà mạng đã xử lý, thu hồi khoảng 26 triệu sim nghi ngờ kích hoạt sẵn trên kênh phân phối. Từ tháng 7-2020 đến tháng 3-2021, các nhà mạng đã chặn gần 129.000 cuộc gọi có dấu hiệu nghi vấn là cuộc gọi rác, ngăn chặn 29,5 triệu cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo.

Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Lê Văn Tuấn đánh giá, các giải pháp trên đã góp phần ngăn chặn tình trạng mua bán sim rác trong năm 2020. Tuy nhiên, đầu năm 2021, việc mua bán, sử dụng sim rác có dấu hiệu phức tạp trở lại. Theo khảo sát của Cục Viễn thông, tỷ lệ thuê bao mới trong 3 tháng đầu năm 2021 tăng 10%, cao hơn hẳn tốc độ tăng bình quân trong cả năm 2020 (6%)... Do đó, các giải pháp ngăn chặn sim rác phải được tăng cường.

Cuối tháng 4-2021, 3 nhà mạng Viettel, VNPT/VinaPhone, MobiFone cùng thống nhất bổ sung thêm các biện pháp xử lý sim rác. Cụ thể, việc kích hoạt thuê bao được thực hiện trên hệ thống tập trung của doanh nghiệp. Đại lý ủy quyền chỉ hỗ trợ bán hàng, nhập thông tin thuê bao. Đặc biệt, nhà mạng triển khai giải pháp công nghệ video call (cuộc gọi hình ảnh) để xác thực khách hàng trước khi kích hoạt thuê bao. Ngoài ra, bổ sung trách nhiệm xử lý cá nhân, đơn vị nếu để xảy ra sai phạm…

Giới thiệu cụ thể hơn về các giải pháp trên, ông Phạm Mạnh Hà, Phòng Cơ sở hạ tầng và kết nối (Cục Viễn thông) cho biết, theo quy định, nhà mạng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc đăng ký, quản lý thông tin thuê bao. Vì vậy, các nhà mạng thống nhất không cho phép đại lý ủy quyền kích hoạt sim như trước.

Bên cạnh đó, để bảo đảm chính xác thông tin thuê bao, các nhà mạng sẽ tăng cường kiểm soát thông qua thủ tục đăng ký thông tin thuê bao theo đúng quy định, có nhận diện khách hàng, sau đó bộ phận chịu trách nhiệm kích hoạt sim sẽ thực hiện cuộc gọi video để giám sát lại. Giải pháp công nghệ video call được tích hợp trên thiết bị đầu cuối tại các cửa hàng của nhà mạng, mỗi cuộc gọi chỉ chiếm thời gian ngắn đủ để xác thực thông tin thuê bao trước khi quyết định kích hoạt.

Kết hợp kiểm tra, xử lý vi phạm

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) Tô Dũng Thái nhấn mạnh, từ cách đây 2 năm, VNPT đã đưa ra quan điểm phát triển thuê bao dựa trên hiệu quả, nghĩa là thuê bao chính chủ và phải phát sinh cước, không khuyến khích phát triển thuê bao ồ ạt. Việc áp dụng thêm giải pháp ngăn chặn sim rác một lần nữa khẳng định quyết tâm của doanh nghiệp trong việc phát triển thị trường viễn thông lành mạnh, bền vững. Còn Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) Tào Đức Thắng cho biết, Viettel cùng các nhà mạng đã bàn thảo, thống nhất các giải pháp để nỗ lực ngăn chặn nạn sim rác.

Ngoài ra, Cục Viễn thông, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cùng sở thông tin và truyền thông các địa phương cũng cần thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm. Theo đại diện các doanh nghiệp viễn thông, thực tế nhu cầu người dùng muốn tiện lợi khi mua bán, sử dụng sim điện thoại là có thật, vì vậy không loại trừ hiện tượng điểm bán, đại lý “lách” luật để bán sim kích hoạt sẵn.

Thêm nữa, cũng có thực tế là nhiều khách hàng đăng ký sim chính chủ, song hệ thống AI không nhận diện được hình ảnh giấy tờ cá nhân. Do đó, việc xử lý sim rác cũng cần có lộ trình, khó có thể ngay một lúc giải quyết triệt để.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm, với việc ký kết hợp tác cùng triển khai ngăn chặn sim rác, các doanh nghiệp viễn thông đã thể hiện cam kết và quyết tâm của mình một cách rõ ràng hơn. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ căn cứ vào mức độ thực thi để đánh giá cam kết và quyết tâm của các nhà mạng. Đồng thời, Bộ sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng, các sở thông tin và truyền thông tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng mua bán sim rác. Sự quyết tâm của các doanh nghiệp sẽ tạo ra chuyển biến căn bản, thực chất trong vấn đề quản lý sim điện thoại di động trả trước nhằm góp phần tạo ra một môi trường không gian mạng an toàn, lành mạnh.

Việt Nga

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/oto-xemay/998929/them-giai-phap-ngan-chan-xu-ly-sim-rac-tao-chuyen-bien-thuc-chat