Thêm 'gánh nặng' không cần thiết?

Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) được Bộ Giao thông Vận tải bổ sung, lấy ý kiến trước khi hoàn thiện và trình các cấp có thẩm quyền. Nhiều điểm mới đã được đưa ra tại dự thảo và nhận được sự quan tâm của dư luận. Đáng chú ý, trong bản dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi đề xuất người điều khiển xe kinh doanh vận tải phải có chứng chỉ hành nghề. Nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất này dễ dẫn đến việc 'đẻ' thêm giấy phép khi chứng chỉ không phải là loại giấy tờ mang tính chất bắt buộc.

Tạo thêm thủ tục?

Cụ thể, tại dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) được Bộ Giao thông Vận tải đưa ra lấy ý kiến hoàn thiện vào ngày 2/6, trong Điều 103 có đề cập đến chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải. Theo Dự thảo này, người có nhu cầu được cấp chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải phải được đào tạo nghiệp vụ vận tải và kỹ năng lái xe an toàn tại các cơ sở đào tạo lái xe theo nội dung và chương trình quy định.

Bộ Giao thông Vận tải đề xuất lái xe kinh doanh vận tải phải có chứng chỉ hành nghề. Ảnh: Đinh Luyện

Bộ Giao thông Vận tải đề xuất lái xe kinh doanh vận tải phải có chứng chỉ hành nghề. Ảnh: Đinh Luyện

Trên thực tế, khái niệm chứng chỉ hành nghề không quá xa lạ trong lĩnh vực kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, chứng chỉ từ trước đến nay đều được hiểu là giấy tờ không mang tính chất bắt buộc giống như giấy phép lái xe. Thay vào đó, chứng chỉ được sử dụng vào mục đích nâng bậc thợ, nâng trình độ cho tài xế hoặc phục vụ như một loại giấy tờ giúp nâng lương lái xe.

Tuy nhiên, tại mục 2, Điều 103 dự thảo lại nhấn mạnh: “Người có nhu cầu được cấp chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải phải được đào tạo nghiệp vụ vận tải và kỹ năng lái xe an toàn tại các cơ sở đào tạo lái xe theo nội dung và chương trình quy định”. Tại mục 3 cũng đề cập: “Người được xác nhận đã hoàn thành chương trình đào tạo về nghiệp vụ vận tải và kỹ năng lái xe an toàn đăng ký với cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe để tham dự kiểm tra, nếu đạt yêu cầu được cấp chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải”.

Nhìn vào đây có thể hiểu, sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải, người lái xe lại tiếp tục được đào tạo nghiệp vụ và tham gia kiểm tra để được cấp chứng chỉ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc đào tạo này là không cần thiết, vì mục tiêu đào tạo các lái xe là hướng đến lái xe an toàn. Và mục tiêu này được thể hiện và phản ánh qua giấy phép lái xe. Và dĩ nhiên, trước nay nhiều người đã quen với việc có giấy phép lái xe là đủ điều kiện để hành nghề. Nay phát sinh thêm một loại giấy tờ mới có giá trị tương đương sẽ dẫn đến lo ngại tăng các thủ tục hành chính.

Thẳng thắn bày tỏ quan điểm Ban soạn thảo nên bỏ quy định về việc cấp chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực kinh doanh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương dẫn chứng thêm, tại mục 5, Điều 103 của dự thảo cũng nêu “Chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải có thời hạn 05 năm kể từ ngày cấp…”.

Theo bà Nguyễn Minh Thảo chứng chỉ này chỉ có thời hạn 5 năm. Như vậy, sau 5 năm lái xe lại buộc phải đi học và cấp chứng chỉ khác. Điều này dễ dẫn đến hệ lụy là tăng các thủ tục hành chính, tăng áp lực lên người hành nghề. “Theo quan điểm của tôi chúng ta nên bỏ chứng chỉ này bởi nó dễ dẫn đến tính hình thức, đối phó hơn là đảm bảo tính an toàn cho người học và yêu cầu của cơ quan cấp chứng chỉ đó” - bà Nguyễn Minh Thảo chia sẻ.

Theo bà Thảo, quy định này cũng không giúp mục tiêu quản lý nhà nước về an toàn vận tải trở nên hiệu quả hơn. Các quy định về bằng lái xe, chất lượng phương tiện, sức khỏe tài xế... đã đủ để bảo đảm mục tiêu này.

Cần nghiên cứu kỹ lưỡng

Quanh vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải như nội dung trong dự thảo thì cũng có cơ sở với mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên nếu triển khai như trong dự thảo thì rất dễ vướng phải câu chuyện “đẻ” thêm chứng chỉ. “Trong điều luật này chúng tôi đề nghị có sự cân nhắc và điều chỉnh. Cụ thể, với các lái xe không kinh doanh vận tải thì không bắt buộc người ta theo chương trình buộc phải cấp chứng chỉ. Riêng với lái xe kinh doanh vận tải hoặc lái xe chuyên nghiệp thì phải học đầy đủ các nội dung như kỹ năng lái xe an toàn, kỹ năng lái xe tiết kiệm nhiên liệu…” - ông Nguyễn Văn Quyền bày tỏ quan điểm.

Ông Trần Hữu Minh – Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia lại cho rằng, sở dĩ thời gian qua người dân và doanh nghiệp cảm thấy bức xúc về giấy phép hành nghề là vấn đề xin - cho. Theo ông Minh, chứng chỉ hành nghề kinh doanh vận tải nên tiếp cận theo 2 hướng, một là bằng cấp (trung cấp), hai là chứng chỉ.

Riêng kinh doanh vận tải thì phải có tiêu chuẩn cao hơn vì di chuyển nhiều, nghiệp vụ phức tạp và mức độ rủi ro nhiều hơn. Chẳng hạn như trường hợp kinh doanh vận tải đưa đón học sinh, lái xe phải có kỹ thuật phương tiện, kỹ năng cứu thương, quản lý trẻ em lên xuống... Trong trường hợp lái xe vi phạm quy định thì không thể thu hồi bằng lái của cá nhân đó, vì ảnh hưởng tới quyền cá nhân, mà chỉ có thể thu hồi chứng chỉ hành nghề kinh doanh vận tải. “Quan trọng là phải lồng ghép quy định này vào giai đoạn nào cho phù hợp” – ông Trần Hữu Minh chia sẻ.

Giải đáp những băn khoăn quanh đề xuất lái xe kinh doanh vận tải phải có chứng chỉ hành nghề, bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, cấp chứng chỉ hành nghề lái xe, bà Hiền cho biết, đây không phải là vấn đề mới.

Cụ thể, hiện nay trong đào tạo sát hạch, đã cấp chứng chỉ hành nghề này. Tuy nhiên, việc cấp chứng chỉ lại diễn ra trước khi cấp trình độ cho người lái xe, nên trong dự thảo lần này, điều chỉnh cấp trình độ trước, rồi cấp chứng chỉ sau, nghĩa là người nào có nhu cầu kinh doanh vận tải mới phải học chứng chỉ. Tuy nhiên, quá trình triển khai sao cho thực chất, đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính, sẽ có điều chỉnh trong các văn bản dưới luật.

Bà Phan Thị Thu Hiền cũng chia sẻ thêm, dự thảo luật mới có điểm rất mới là khi thi giấy phép lái xe, người học không bắt buộc phải thi ở cơ sở đào tạo ban đầu mà có thể tùy thuộc vào thời gian, địa điểm mà người học mong muốn thi. Cuộc thi do cơ quan có thẩm quyền tổ chức, toàn bộ quá trình thi đều được công khai, kết nối dữ liệu online, người dân có thể giám sát.

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/them-ganh-nang-khong-can-thiet-109018.html