Thêm động lực phấn đấu, luyện rèn

Ngay từ những ngày đầu về Báo Quân đội nhân dân công tác, chúng tôi đã tìm hiểu và được nghe kể nhiều về các thế hệ tiền bối từng công tác tại tòa soạn; nhất là chuyện về những liệt sĩ, nhà báo với biết bao niềm kính phục, ngưỡng mộ.

Từ kinh nghiệm lấy tin, viết bài được nâng lên thành nghệ thuật đầy khéo léo và tinh tế, đến sự xông xáo, nhiệt tình, xác định nơi càng khó khăn, gian khổ thì càng là nơi để rèn luyện ngòi bút, trưởng thành... Đặc biệt, tôi nhớ mãi chuyện kể về liệt sĩ, nhà báo Ngô Tất Thắng (sinh năm 1956, hy sinh ngày 1-1-1979, tại Mặt trận Kampong Cham, Campuchia).

 Tuổi trẻ Báo Quân đội nhân dân thắp hương tưởng niệm liệt sĩ, nhà báo Ngô Tất Thắng tại gia đình, tháng 7-2017. Ảnh: TUẤN HUY

Tuổi trẻ Báo Quân đội nhân dân thắp hương tưởng niệm liệt sĩ, nhà báo Ngô Tất Thắng tại gia đình, tháng 7-2017. Ảnh: TUẤN HUY

Chuyện rằng, sau khi tốt nghiệp đại học báo chí (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền), Ngô Tất Thắng về Phòng Quân sự (nay là Phòng biên tập Quốc phòng-An ninh), Báo Quân đội nhân dân tập sự. Ngày đó, Đại tá Trần Tiệu là Trưởng phòng. Theo hồi ức của Đại tá Trần Tiệu, khi tiếp nhận Ngô Tất Thắng, ông đã rất có cảm tình với phóng viên trẻ này bởi văn phong gãy gọn cùng phong thái tự tin, đĩnh đạc và tinh thần xông pha, sẵn sàng chịu thử thách.

Phóng viên Ngô Tất Thắng là con trai của Đại tá Ngô Từ Vân, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Quân đội nhân dân (nay là Tạp chí Quốc phòng toàn dân), một vị lão thành cách mạng từng bị đế quốc bắt tù đày ở Sơn La. Chuyện phóng viên Ngô Tất Thắng “nằng nặc” xin ra chiến trường cũng thật đặc biệt. Để chắc chắn có thể nhận được sự đồng tình, ủng hộ của lãnh đạo tòa soạn, phóng viên Ngô Tất Thắng đưa cả vợ đi cùng để trình bày. Trong tư liệu của Đại tá Trần Tiệu thuật lại, rằng: Đầu tiên, vợ chồng Thắng đến thẳng nhà ông để trình bày nguyện vọng. Gặp ông, Thắng làm một hơi: "Cháu xin chú cho cháu đi chiến trường Tây Nam. Lý do bởi cháu đang viết dở một tác phẩm, cần có "tư liệu sống" từ mặt trận. Chuyện đi của cháu được gia đình hết sức ủng hộ, bố mẹ cháu khuyến khích, cho là phóng viên quân đội phải biết khói lửa mặt trận, ngòi bút mới có chất chiến đấu...".

Mặc dù được đồng chí Trưởng phòng Quân sự phân tích cặn kẽ về khó khăn, thử thách mà một phóng viên trẻ, ít kinh nghiệm trận mạc, hạn chế về kiến thức quân sự sẽ phải đối mặt trong quá trình tác nghiệp... thế nhưng Ngô Tất Thắng vẫn quyết tâm rất cao và đã dùng lý lẽ của mình để thuyết phục trưởng phòng từng điểm một. Sau khi được Ban biên tập nhất trí, phóng viên Ngô Tất Thắng đã thẳng tiến vào Nam để thỏa chí đam mê tuyên truyền, phản ánh hoạt động của bộ đội nơi chiến trường khói lửa.

Câu chuyện về liệt sĩ, phóng viên Ngô Tất Thắng cùng nhiều nhà báo chiến sĩ của Báo Quân đội nhân dân trong các cuộc chiến tranh đã hăng hái xông pha, quyết đi vào nơi gian khổ, hiểm nguy để tác nghiệp và rèn luyện bản thân, tích lũy kinh nghiệm làm báo khiến thế hệ chúng tôi hôm nay rất tự hào và tự thấy mình phải sống, làm việc sao cho xứng đáng.

VÂN ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/them-dong-luc-phan-dau-luyen-ren-642873