Thêm động lực để cất cánh

Tối muộn ngày 7-6 (theo giờ Việt Nam), một tin vui từ thành phố New York của Mỹ truyền về: Việt Nam đã chính thức được bầu là một trong 5 nước ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021. Chắc chắn đây không chỉ là dấu mốc quan trọng trong tiến trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, mà còn là động lực để Việt Nam tiếp tục hành trình tạo nên tầm thế mới trên trường quốc tế.

 Việt Nam chính thức trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sau nhiều nỗ lực. Ảnh: thanhnien.vn

Việt Nam chính thức trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sau nhiều nỗ lực. Ảnh: thanhnien.vn

Với mục đích hàng đầu là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, trải qua hơn 70 năm phát triển, đến nay LHQ đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận là tổ chức toàn cầu có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống chính trị quốc tế và là nền tảng không thể thiếu cho một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng. Vai trò và hoạt động của LHQ cũng đang được mở rộng về mọi mặt, đem tới những tác động tích cực, to lớn đến đời sống quốc tế và với mỗi quốc gia riêng lẻ.

Thế nên, việc Việt Nam được đề cử là đại diện duy nhất cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương tham gia cuộc bỏ phiếu bầu ủy viên không thường trực nhiệm kỳ 2020-2021 của HĐBA-cơ quan quyền lực nhất của LHQ trước hết cho thấy cộng đồng khu vực cũng như quốc tế ghi nhận uy tín, vị thế, năng lực của Việt Nam và trông đợi vào những đóng góp mạnh mẽ, thực chất hơn từ phía Việt Nam cho tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này.

Kết quả cuộc bỏ phiếu vào tối 7-6 cũng đã chứng minh rằng, chủ đề hòa bình mà Việt Nam đưa ra trong quá trình ứng cử là thành viên không thường trực của HĐBA nhiệm kỳ 2020-2021 cũng như quan điểm của Việt Nam trên các vấn đề lớn liên quan đến hòa bình hoàn toàn phù hợp với mong mỏi chung của nhiều quốc gia trong một thế giới mà mỗi ngày, mỗi giờ lại nảy sinh thêm những bất ổn.

Kể từ khi tham gia LHQ vào năm 1977, Việt Nam đã chứng minh là một thành viên có trách nhiệm, đóng góp ngày càng sâu rộng vào mọi lĩnh vực hoạt động của LHQ, trong đó có HĐBA, nhất là trong những lĩnh vực được coi là trụ cột của LHQ như gìn giữ và xây dựng hòa bình, bảo vệ quyền con người và thúc đẩy phát triển. Năng lực và uy tín của Việt Nam cũng từng được khẳng định khi lần đầu tiên trúng cử ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008-2009.

Tìm lời giải thích cho dấu ấn đậm nét ấy, các chuyên gia nước ngoài viện dẫn những thành tựu của Việt Nam 10 năm sau lần thử sức đầu tiên với vai trò ủy viên không thường trực HĐBA LHQ. Đó là những cải cách kinh tế thành công được bạn bè quốc tế đánh giá cao, là sự đóng góp tích cực và thường xuyên đối với nhiều tổ chức, như: Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) hay Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)… và đồng thời tham gia nhiều cơ quan hoạch định chính sách quan trọng của LHQ. Bên cạnh đó, thông qua tổ chức thành công nhiều sự kiện khu vực và quốc tế quan trọng, gần đây nhất là Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai tại Hà Nội vào cuối tháng 2-2019 và cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình của LHQ tại những điểm nóng chiến sự ở châu Phi, như: Cộng hòa Trung Phi và Cộng hòa Nam Sudan, Việt Nam cũng đã bắt đầu gửi đi những thông điệp của một “nhà kiến tạo hòa bình”.

Và việc một lần nữa trở thành thành viên cơ quan uy tín và quyền lực nhất của LHQ với nhiệm kỳ hai năm được coi như cơ hội để tiếp nối giấc mơ nâng tầm hình ảnh Việt Nam trong mắt cộng đồng quốc tế.

Dẫu vậy, như một nhà ngoại giao nước ngoài đã nói, vị trí thành viên không thường trực HĐBA LHQ không phải là đặc quyền để vui sướng, mà là một trách nhiệm phải gánh lấy. Và, “mệnh lệnh đầu tiên và trên hết đối với một thành viên không thường trực trong HĐBA là làm việc vất vả".

Nói cách khác, đảm nhiệm một vị trí quan trọng tại một trong những cơ chế đa phương quan trọng nhất thế giới như HĐBA LHQ là một vinh dự lớn khi Việt Nam có nhiều cơ hội tham gia giải quyết những vấn đề mang tầm cỡ quốc tế, song đi kèm với đó là trách nhiệm to lớn và những thách thức mới. Bởi, so với cách đây 10 năm, bức tranh chính trị thế giới đã ngả sang những gam màu mới, với vô vàn vấn đề phức tạp, trong đó nổi bật là vấn đề về an ninh. Cùng với sự thay đổi theo chiều hướng phức tạp của tình hình toàn cầu, ngay trong nội bộ LHQ cũng xuất hiện những bất đồng và khác biệt giữa các quốc gia thành viên. Cũng vì thế mà vai trò của một ủy viên không thường trực HĐBA LHQ trước hết là làm sao để vừa đưa ra những quan điểm, sáng kiến thiết thực nhằm giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu, vừa cân bằng lợi ích của các bên liên quan.

Phần nào trọng trách ấy nay đã chính thức được trao gửi cho Việt Nam, một trong 5 ủy viên không thường trực của HĐBA LHQ vừa được xướng tên tại New York.

Bằng cách giơ cao những lá phiếu ủng hộ, LHQ và cộng đồng quốc tế trông đợi Việt Nam sẽ đóng vai trò tích cực và chủ động không chỉ trong việc xử lý những vấn đề chính trên bàn nghị sự của HĐBA, chẳng hạn như ngăn ngừa xung đột, mà còn phải đưa ra những sáng kiến và đề xuất hiệu quả, mang dấu ấn riêng.

Hơn thế nữa, trở thành ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 cũng đồng nghĩa rằng Việt Nam phải chuẩn bị sẵn tâm thế cho một “vai trò kép”, khi cùng lúc vừa đảm nhận vị trí ở HĐBA, vừa sắm vai Chủ tịch ASEAN 2020. Trong bối cảnh cả ở cấp độ khu vực và toàn cầu đều tồn tại nhiều vấn đề khó khăn, thách thức với Việt Nam không hề nhỏ, đó là phải làm sao thể hiện vai trò, năng lực trên trường quốc tế mà còn phải ở cả tầm khu vực, từ đó đóng góp vào việc thúc đẩy mục tiêu chung cùng hướng tới hòa bình và phát triển bền vững của cả hai thể chế này.

Dĩ nhiên, trước mắt không chỉ ẩn chứa thách thức, mà còn có những thuận lợi song hành. Bởi thông qua việc đảm nhận "vai trò kép", Việt Nam sẽ là đại diện cho ASEAN để bày tỏ quan điểm trong các vấn đề chung như bảo vệ môi trường, xóa đói, giảm nghèo, từ đó thúc đẩy các quan tâm chung của khu vực trong chương trình nghị sự của LHQ, đồng thời trở thành cầu nối cho một giai đoạn hợp tác tích cực hơn giữa các nước ASEAN với 10 thành viên không thường trực của HĐBA. Bên cạnh đó, những kinh nghiệm mà Việt Nam tích lũy được trong việc xử lý các vấn đề nội khối ASEAN có thể sẽ giúp ích cho HĐBA LHQ khi đặt lên bàn cân những vấn đề mang tính toàn cầu và nổi cộm hiện nay như tình hình ở Trung Đông, vấn đề hạt nhân Iran hay hệ lụy từ sự xuất hiện của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng…

Nhiệm kỳ hai năm là tương đối ngắn để một quốc gia có thể tạo được dấu ấn đặc biệt của mình tại HĐBA LHQ. Nhưng trên hết, đó là quãng thời gian mang tính bước ngoặt để Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế và nâng cao vị thế thông qua việc đóng góp nhiều hơn vào các hoạt động chung của LHQ. Động lực đã có, cơ hội cũng đã mở ra, giờ là lúc để nỗ lực cất cánh!

VŨ HÙNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/them-dong-luc-de-cat-canh-576137