Thêm địa chấn từ vụ thử hạt nhân Triều Tiên

Hai cơn địa chấn nhỏ tại Triều Tiên đã được ghi nhận vào ngày 9-12 vừa qua có thể là các dư chấn từ đợt thử hạt nhân lớn vào tháng 9 của Bình Nhưỡng.

Hai cơn địa chấn nhỏ được ghi nhận ngày 9-12 vừa qua tại Triều Tiên có sức chấn động lần lượt là 2,9 và 2,4 độ Richter. Thông tin này được xác nhận bởi Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ (USGS) và Lassina Zerbo, thư ký điều hành Tổ chức Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện tại Vienna.

Trong một dòng trạng thái trên tài khoản mạng xã hội Twitter, Lassina Zerbo cho biết các hoạt động địa chất ngày 9-12 đã được các chuyên gia xác nhận có nguồn gốc “mảng kiến tạo”.

Trong khi đó, quan chức USGS cho biết hai cơn địa chấn được ghi nhận gần điểm thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên. Đây là nơi Triều Tiên vào ngày 3-9 vừa qua đã thực hiện vụ thử hạt nhân thứ sáu và cũng là vụ thử có sức công phá lớn nhất trong lịch sử chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên.

Ông Kim Jong-un trao đổi với các nhà khoa học hạt nhân Triều Tiên về quả bom H vừa được chế tạo. Không lâu sau khi tờ Rodong Sinmun công bố bức ảnh này, Triều Tiên cho thử hạt nhân lần sáu. Ảnh: Rodong Sinmun

Ông Kim Jong-un trao đổi với các nhà khoa học hạt nhân Triều Tiên về quả bom H vừa được chế tạo. Không lâu sau khi tờ Rodong Sinmun công bố bức ảnh này, Triều Tiên cho thử hạt nhân lần sáu. Ảnh: Rodong Sinmun

Tờ The Guardian dẫn lời quan chức của USGS cho biết: “Đây có thể là hoạt động dãn địa chất sau vụ thử hạt nhân lần sáu. Khi có một vụ thử hạt nhân quy mô lớn, lớp vỏ Trái đất xung quanh khu vực thử sẽ bị dịch chuyển. Phải mất một thời gian thì hoạt động này mới giảm dần. Chúng tôi đã ghi nhận được một số hiện tượng tương tự kể từ lần thử hạt nhân thứ sáu của Triều Tiên”.

Phía Bình Nhưỡng khẳng định vụ thử hạt nhân lần sáu vừa qua chính là thử bom H. Các chuyên gia ước tính sức công phá của quả bom H này gấp 10 lần quả bom Mỹ từng thả xuống TP Hiroshima của Nhật Bản vào năm 1945.

Nhiều cơn địa chấn được ghi nhận từ tháng 9 đến nay đã buộc các chuyên gia và nhà quan sát đặt nghi vấn liệu ngọn núi nơi có điểm thử hạt nhân Punggye-ri có bị tổn hại quá lớn. Nhiều người lo ngại ngọn núi có thể sụp đổ sau một vụ thử hạt nhân nữa, sợ rằng chất phóng xạ có thể lan sang Trung Quốc, Nga và Triều Tiên. Một số chuyên gia cũng lo ngại các vụ thử sẽ khiến ngọn núi lửa Paektu, lần cuối phun trào là năm 1903, có thể hoạt động trở lại.

Cơ quan tình báo của Hàn Quốc hồi tháng 10 cho biết Triều Tiên dường như đang chuẩn bị thêm hai đường hầm tại khu vực thử, báo hiệu có thể là công tác chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân lần thứ bảy. Tuy nhiên, trong các lời đe dọa của Triều Tiên thời gian qua, nhiều người cho rằng vụ thử hạt nhân kế tiếp sẽ xảy ra trên mặt đất hoặc trên biển.

KIỆT ANH

Nguồn PLO: http://plo.vn/quoc-te/them-dia-chan-tu-vu-thu-hat-nhan-trieu-tien-744358.html