Thêm di tích cho du khách mượn trang phục

30 chiếc áo choàng dự kiến cho du khách mượn vào khu vực nhà Bái đường của Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã may xong.

30 chiếc áo với nhiều kích cỡ khác nhau, được lấy ý tưởng từ mẫu áo nho sinh khá độc đáo.

Sau di tích đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu, nhà lưu niệm về Bác ở Vạn Phúc… Văn Miếu – Quốc Tử Giám là đơn vị tiếp theo chuẩn bị các thiết kế, may đo áo choàng phục vụ du khách lỡ mặc áo sát nách quần đùi. Theo thông tin riêng của báo Kinh tế & Đô thị, ngày 15/5, đơn vị may đo đã giao 30 chiếc áo choàng cho Trung tâm Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Nếu được cấp trên thống nhất, trung tâm sẽ triển khai thực hiện.

 Du khách vui vẻ khoác áo dài vào đền Ngọc Sơn. Ảnh Thanh Hải

Du khách vui vẻ khoác áo dài vào đền Ngọc Sơn. Ảnh Thanh Hải

Được biết, mẫu áo choàng của Văn Miếu – Quốc Tử Giám có màu ghi xám, in biểu tượng mới của di tích, tay lỡ và độ dài qua gối. Theo ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, mẫu áo được lấy ý tưởng từ chiếc áo của các nhà nho sinh ngày xưa; nhưng nếu theo mẫu nguyên bản sẽ không tiện lợi cho du khách nên đã có cách điệu. Mẫu áo choàng của Văn Miếu – Quốc Tử Giám vì thế khá đặc biệt số với mẫu áo của các di tích khác. “Khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám khác đền Ngọc Sơn hay nhiều di tích khác, chỉ yêu cầu du khách mặc trang trọng khi vào khu Bái đường. Chính vì vậy áo choàng không phải phát từ cửa vào di tích mà chỉ cửa nhà Bái đường. Thời gian vào thắp hương khu vực này thường chỉ mất 3 - 5 phút. Khu vực này chỉ có thể bố trí 1 lượt 15 - 20 người nên số lượng trang phục áo choàng chỉ cần chuẩn bị 30 chiếc là đủ” – ông Lê Xuân Kiêu nhấn mạnh.

Mặc dù mẫu áo mới được hé lộ, nhưng cũng có lời khen, lời chê, bởi Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một trong những đi tích có lượng khách tham quan lớn nhất trong cả nước. PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng mẫu áo choàng ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám trang nhã, mầu sắc và tinh thần của trang phục tương thích với không gian văn hóa du lịch... Có nhiều ý kiến cho rằng việc lo trang phục cho du khách không phải chuyện của người làm di tích mà là chuyện của người làm du lịch; song theo PGS Bình ai lo cũng được, quan trọng là tạo được trang phục lịch sự ở nơi trang nghiêm theo đúng tinh thần mà Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng mà UBND TP Hà Nội đã ban hành. Hơn nữa, nguồn kinh phí may các bộ trang phục này không phải quá lớn. “Một bộ trang phục áo choàng nam và nữ tại đền Ngọc Sơn dao động trên dưới 500.000 đồng” – bà Nguyễn Thị Hòa – Trưởng Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội cho biết.

Ngược lại, họa sĩ, trưởng nhóm Đình Làng Việt Nguyễn Đức Bình kịch liệt phản đối mẫu áo choàng của di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám vì cho rằng, dây buộc ngang lưng cùng với kiểu cổ vắt chéo hơi giống áo choàng của các khách sạn. Theo lãnh đạo của các đơn vị di tích, việc may và cho mượn này đều mang tính thử nghiệm, đong đếm phản hồi của du khách. “Chúng tôi sẽ lắng nghe du khách từ mẫu áo, sự tiện lợi cho đến các hình thức cho mượn đảm bảo phải tiện lợi nhất cho du khách. Chỉ cần có điều gì bất hợp lý chúng tôi sẽ kịp thời chỉnh sửa” – ông Kiêu bày tỏ.

Linh Anh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/them-di-tich-cho-du-khach-muon-trang-phuc-288214.html