Thêm cơ hội cho những người yếu thế

Người nghiện ma túy, gái mại dâm… là những đối tượng rất dễ nhiễm HIV. Họ hầu như không có cơ hội để điều trị nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức xã hội.

Từ đầu năm 2018 đến nay, các nguồn viện trợ thuốc kháng virus (ARV) cho công tác điều trị HIV/AIDS từ các tổ chức quốc tế liên tục bị cắt giảm. Trong khi đó, việc chăm sóc, điều trị liên tục và bền vững cho người nhiễm HIV là một đòi hỏi bức thiết, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình điều trị. Trước tình trạng đó, Nhà nước đã có phương án đưa thuốc ARV vào danh mục thuốc được quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả.

Chính sách nhân văn

Việc đưa thuốc ARV vào danh mục thuốc được quỹ BHYT chi trả là chính sách nhân văn, nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện cho người nhiễm HIV giảm gánh nặng chi phí điều trị, chữa bệnh. Do đó, số lượng bệnh nhân nhiễm HIV tham gia BHYT không ngừng tăng trong những năm gần đây. Trong số họ, rất nhiều người từng là gái bán dâm, nghiện ma túy… hiện đã xin được vào làm việc ở một số công ty, cơ sở sản xuất…

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, tỷ lệ bao phủ BHYT trong bệnh nhân điều trị bằng thuốc kháng virus tăng lên rõ rệt. Nếu như năm 2016 trở về trước, số bệnh nhân nhiễm HIV có thẻ BHYT chỉ đạt dưới mức 50%, thì sau một thời gian nỗ lực, tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ BHYT tăng khá cao. Tính đến tháng 2/2017, cả nước có 64% người nhiễm HIV đang điều trị bằng thuốc ARV tham gia bảo hiểm. Con số này tiếp tục tăng và đến đầu năm 2018 đạt 83,4%. Trong số đó, nhiều tỉnh, thành phố có tỷ lệ người nhiễm HIV tham gia BHYT đạt 100% như Hà Nam, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn và Cà Mau. Bên cạnh đó, cũng có 30 tỉnh, thành phố khác có tỷ lệ người nhiễm HIV tham gia BHYT đạt trên 90%.

Số liệu của BHXH Việt Nam cũng cho thấy, trong số những bệnh nhân nhiễm HIV có thẻ BHYT, khoảng 72% được hưởng 80% từ quỹ BHYT để mua thuốc ARV; 4% hưởng 95% và 24% hưởng 100%. Để tạo điều kiện cho bệnh nhân HIV dễ tiếp cận thuốc ARV, hiện tại Bộ Y tế cũng đang gấp rút đưa thuốc ARV đến cơ sở điều trị gần dân nhất.

Ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế cho biết: “Theo lộ trình, từ ngày 1/1/2019, thuốc ARV sẽ có mặt tại 191 cơ sở điều trị từ nguồn BHYT nhằm đáp ứng nhu cầu của 48.000 bệnh nhân. Hiện cơ quan chức năng đã thực hiện xong nhiệm vụ đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp. Trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm 2018 sẽ đặt hàng thuốc và phân thuốc về kho để ngày đầu tiên của năm 2019 sẽ đến tay người bệnh. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số tỉnh, thành có mức tham gia dưới 70% như Thanh Hóa, Bến Tre, Bình Thuận, Quảng Trị hay một số nơi lại xuất hiện tình trạng sụt giảm độ bao phủ như Quảng Ninh, Đồng Nai. Nguyên nhân theo phản ánh từ các địa phương, do nhiều người bệnh vẫn trông chờ vào viện trợ nên chưa tham gia BHYT. Bên cạnh đó, quy định về bắt buộc các thành viên cùng mua thẻ BHYT trong cùng một thời điểm khiến nhiều người bệnh không thể tham gia.

Nói về những khó khăn trong quá trình thực hiện mục tiêu 100% người nhiễm HIV/AIDS tham gia BHYT, bà Dương Thúy Anh, Trưởng phòng Tài chính Kế toán, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, việc thực hiện mục tiêu 100% người nhiễm HIV tham gia BHYT hiện vẫn còn nhiều thách thức, nhất là còn vướng mắc trong những văn bản pháp luật. “Để đạt mục tiêu không phải dễ dàng, nhất là khi có không ít người nhiễm HIV không có giấy tờ tùy thân. Về căn cứ pháp lý, đã có Quyết định 2188 và Thông tư số 15 của Bộ Y tế về hướng dẫn khám chữa bệnh BHYT đối với người nhiễm HIV và người sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS. Thông tư số 15 hiện đang được chỉnh sửa và nội dung quan trọng nhất cần được tháo gỡ đó là thay vì bắt buộc các thành viên trong gia đình của người nhiễm HIV cùng mua thẻ BHYT, thì chuyển thành không bắt buộc".

Chủ động tham gia, đảm bảo quyền lợi

HIV từng được coi là bản án bán tử hình đối với bệnh nhân không may mắc phải. Tuy nhiên, hiện nay nếu được điều trị bằng thuốc ARV, một người dương tính với HIV vẫn có thể có cuộc sống bình thường, khỏe mạnh. Khi người bệnh uống thuốc ARV hàng ngày theo chỉ định, đạt được và duy trì tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện sẽ thực sự không có nguy cơ lây truyền. Theo số liệu thống kê của Phòng Điều trị và chăm sóc HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), hiện ở Việt Nam, 91,5% số người điều trị đều có tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện, tức không có khả năng lây nhiễm sang bạn tình khi quan hệ tình dục không dùng bao cao su hoặc bất cứ biện pháp an toàn nào.

Nói về chi phí điều trị của bệnh nhân nhiễm HIV, bà Hoàng Ngọc, Trưởng phòng Chế độ BHXH (BHXH Việt Nam) cho hay: “Chi phí y tế với một người bình thường không may bị ốm đã là gánh nặng. Với những người không may mắc HIV/AIDS, chi phí điều trị bệnh càng trở thành nỗi lo thường trực của bệnh nhân và gia đình. Luật BHYT không quy định nhóm đối tượng tham gia BHYT theo nhóm bệnh, kể cả người nhiễm HIV. Vì vậy, người nhiễm HIV tham gia BHYT theo nhóm đối tượng nào thì mức hỗ trợ đóng BHYT sẽ theo nhóm đó. Ví dụ, người nhiễm HIV là người nghèo sẽ được ngân sách Nhà nước mua thẻ BHYT; người nhiễm HIV thuộc hộ cận nghèo sẽ được hỗ trợ 70% mức đóng BHYT… Mức hưởng và quyền lợi hưởng của người tham gia BHYT nhiễm HIV phụ thuộc vào đối tượng và quyền lợi hưởng BHYT của đối tượng. Do vậy, người nhiễm HIV cần chủ động tham gia BHYT để được chi trả chi phí điều trị bệnh”.

Số liệu thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho thấy, ước tính năm 2018 có khoảng 130.000 người nhiễm HIV dùng thuốc ARV. Tiền thuốc bình quân/người/năm là 6 triệu đồng, ước tính chi phí tiền thuốc ARV là 800-900 tỷ đồng. Do vậy, BHYT được xác định là xương sống của chương trình điều trị HIV/AIDS, giúp giảm gánh nặng chi phí cho bệnh nhân và gia đình.

Để chương trình này phát triển bền vững, các ngành chức năng cần tiếp tục cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS; thay đổi nhận thức của người bệnh về BHYT; tạo môi trường thân thiện thông qua thay đổi thái độ, kỹ năng tư vấn, truyền thông của nhân viên y tế với người bệnh… Đặc biệt, các địa phương phải coi việc thanh toán thuốc ARV qua BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS là bắt buộc, không cố níu kéo hay dựa vào nguồn viện trợ. Địa phương nào để bệnh nhân không tiếp cận được với thuốc ARV, trước tiên là trách nhiệm của lãnh đạo Sở Y tế.

Chính sách nhân văn nêu trên mở ra cơ hội được điều trị cho những người mắc HIV/AIDS nói chung, trong đó có rất nhiều người từng là gái bán dâm, nghiện ma túy… Điều này cho thấy, Đảng và những nước ta luôn quan tâm tới những người yếu thế trong xã hội, giúp đỡ họ làm lại cuộc đời…

“Đây là bài tuyên truyền về phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ người cai nghiện ma túy, người bán dâm và nạn nhân bị mua bán” của Bộ Thông tin và Truyền thông”.

Khắc Nam

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/them-co-hoi-cho-nhung-nguoi-yeu-the-d2059058.html