Thêm cơ chế bảo tồn rừng

Trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, rừng là “trợ thủ” đắc lực, là nơi vừa lưu trữ, vừa hấp thụ bớt khí thải carbon dioxit (CO2) - nguyên nhân chính gây hiệu ứng nhà kính.

Các bẫy thú được kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Ðồng Nai tháo gỡ trong những chuyến tuần tra rừng. Ảnh: T.Nhân

Các bẫy thú được kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Ðồng Nai tháo gỡ trong những chuyến tuần tra rừng. Ảnh: T.Nhân

Do đó, để góp phần giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao chất lượng rừng, hỗ trợ đạt được mục tiêu của chương trình hành động quốc gia về giảm thiểu biến đổi khí hậu, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch hành động REDD+ (viết tắt của Reducing Emission from Deforestation and Forest Degradation tức “giảm việc phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính do mất rừng và suy thoái rừng ở các quốc gia đang phát triển”) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2030.

* Tiềm ẩn nguy cơ xâm hại rừng

Năm 1997, Đồng Nai là tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện đóng cửa rừng để đưa vào bảo vệ phục hồi và phát triển rừng tự nhiên. Kết quả mang lại rất khả quan khi tỉnh Đồng Nai trở thành địa phương có diện tích rừng lớn nhất Đông Nam bộ, với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, hệ sinh thái đa dạng...

Sáng kiến REDD được đưa ra từ Hội nghị về khí hậu lần thứ 11 tại Montreal Canada, năm 2005. Tại hội nghị khí hậu lần thứ 13 ở Bali, Indonesia, năm 2007, đã thông qua kế hoạch hành động Bali, trong đó có việc mở rộng REDD thành REDD+. Đây là cơ chế nhằm cung cấp những sự đền đáp về tài chính để tránh mất rừng và suy thoái rừng, đồng thời tạo ra sự kích thích quản lý rừng bền vững; bảo tồn đa dạng sinh học và duy trì dịch vụ môi trường; cải thiện sinh kế cho người dân và cộng đồng người địa phương sống phụ thuộc vào rừng ở các nước đang phát triển. Hiện nay, REDD+ đang đươc thử nghiệm tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh có gần 170 ngàn hécta đất có rừng. Tỷ lệ che phủ cây xanh trên địa bàn tỉnh hiện đạt hơn 54,3%, trong đó che phủ rừng đạt 30,5% diện tích đất tự nhiên.

Ðồng Nai cũng là một trong ít địa phương còn giữ được diện tích rừng tự nhiên rộng lớn với hơn 150 ngàn hécta rừng liền mạch, nơi đã được các nhà khoa học đánh giá là khu vực điểm về đa dạng sinh học của Việt Nam và thế giới. Đồng Nai còn có diện tích rừng mưa ẩm nhiệt đới cuối cùng còn sót lại ở miền Nam Việt Nam, lưu giữ và bảo tồn các nguồn gen động, thực vật rừng quý hiếm… Đặc biệt, rừng còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, cũng như nguồn nước không chỉ của Đồng Nai mà còn cho cả khu vực Đông Nam bộ. Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lê Việt Dũng cho biết, Ðồng Nai được đánh giá là địa phương giữ rừng tốt trên cả nước.

Dù được đánh giá là địa phương giữ rừng tốt nhưng rừng Đồng Nai hiện vẫn đối mặt với không ít nguy cơ bị xâm hại.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Lê Văn Gọi cho rằng, nguy cơ từ tình trạng khai thác gỗ trái phép ảnh hưởng đến rừng trên địa bàn tỉnh hiện nay là không lớn. Bởi thực tế, nhiều năm qua, Đồng Nai đã kiểm soát tốt tình trạng khai thác gỗ trái phép.

Biểu đồ thể hiện diện tích các loại rừng trên địa bàn tỉnh (Thông tin: Phạm Tùng - Đồ họa: Hải Quân)

Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Gọi, nguy cơ lớn nhất ảnh hưởng đến diện tích rừng trên địa bàn tỉnh hiện nay đến từ áp lực về đất đai. Cụ thể, ngoài một số diện tích rừng phải chuyển đổi để thực hiện các công trình, dự án thì một số diện tích rừng khác hiện đang bị xâm lấn để biến thành đất sản xuất nông nghiệp. Điều này xảy ra do một số bất cập trong chính sách giao khoán rừng cho người dân trước đây. “Trước đây có chính sách giao khoán rừng để người dân sản xuất nông, lâm kết hợp. Thế nhưng hiện nay “phần nông “đang chiếm ưu thế hơn “phần lâm”. Có tình trạng chặt hạ rừng để lấy không gian sản xuất nông nghiệp” - ông Lê Văn Gọi cho biết.

* Bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng

Để hạn chế các nguy cơ tác động đến rừng, hướng tới mục tiêu bền vững, những năm qua, Đồng Nai đã thực hiện chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó trưởng phòng Lâm nghiệp và thanh tra phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho hay, mới đây, UBND tỉnh đã ký quyết định phê duyệt kế hoạch hành động REDD+ như một hợp phần bổ sung vào chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu của chương trình là bảo tồn và nâng cao chất lượng rừng để góp phần giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao trữ lượng carbon rừng, giảm thiểu biến đổi khí hậu; bảo vệ và phát triển rừng bền vững nhằm nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng rừng trồng thông qua việc cải tiến kỹ thuật lâm sinh, phục hồi rừng…

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Văn Dũng, kế hoạch cũng đề ra các mục tiêu cụ thể đối với công tác bảo tồn và phát triển diện tích rừng. Theo đó, ngoài việc tiếp tục quản lý, bảo vệ chặt chẽ diện tích rừng hiện có, Đồng Nai đặt mục tiêu trồng mới thêm 120 hécta rừng đặc dụng và rừng phòng hộ trong giai đoạn 2020-2030. Cùng với đó, các địa phương cũng sẽ trồng lại hơn 30 ngàn hécta rừng sản xuất sau khi được khai thác.

Như vậy, với chương trình REDD+, mục tiêu trước tiên là bảo tồn rừng nguyên sinh, vì đây là những khu rừng chứa nhiều carbon nhất, phát triển bền vững nhất với khả năng phục hồi lớn hơn nhiều so với các khu rừng bị thoái hóa. Bên cạnh đó, kế hoạch còn có việc khôi phục rừng đã bị suy thoái. REDD+ cũng hỗ trợ các phương án thay thế cho việc khai thác gỗ công nghiệp, nhằm bảo đảm khả năng phục hồi của hệ sinh thái.

* Giữ rừng phải kết hợp với sinh kế cho người dân

Để bảo tồn và phát triển rừng, bên cạnh thực hiện bảo vệ, mở rộng diện tích rừng thì việc giảm thiểu các tác động của con người đến rừng cũng là mục tiêu cần đạt đến.

Kế hoạch hành động REDD+ cũng xem việc tạo sinh kế cho người dân, giảm thiểu các tác động xấu đến rừng là mục tiêu quan trọng. Do đó, trong chương trình hành động REDD+ được phê duyệt, Đồng Nai đưa ra các giải pháp tạo sinh kế cho người dân từ rừng, từ đó hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của con người ảnh hưởng đến rừng.

Cụ thể, Đồng Nai sẽ tiếp tục đưa vào khoán bảo vệ rừng cho các hộ gia đình và cộng đồng với mức bình quân hơn 8,4 ngàn hécta rừng/năm. Chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng là tổ chức, các hộ gia đình được khoán đất lâm nghiệp, nhận khoán bảo vệ rừng trên diện tích bình quân hơn 140 ngàn hécta/năm.

Đăc biệt, theo ông Lê Văn Gọi, REDD+ là một dịch vụ từ hệ sinh thái có thể so sánh như dịch vụ môi trường rừng. Người dân tham gia REDD+ bảo vệ rừng để khai thác hệ sinh thái rừng, trong đó để có nguồn thu dịch vụ môi trường rừng, từ bán carbon rừng, dịch vụ sinh thái gắn với du lịch và sản phẩm nông, lâm nghiệp bản địa, cải thiện cuộc sống của người dân. “Đây là một hướng tiếp cận mới, được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới và được coi là một cơ chế tài chính bền vững cho bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học và xóa đói, giảm nghèo” - ông Lê Văn Gọi cho biết.

Để người dân nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng, tham gia thực hiện REDD+, Đồng Nai cũng sẽ tiến hành lựa chọn 23 xã để thực hiện tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ rừng. Trong đó, sẽ tập trung ưu tiên cho các xã có rừng và có đông dân cư sống gần rừng.

Lê Văn

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202002/them-co-che-bao-ton-rung-2987697/