Thêm chính sách hỗ trợ lao động nữ

Pháp luật Việt Nam có nhiều chính sách hỗ trợ lao động nữ, trong đó có chính sách chăm sóc sức khỏe sinh sản. Theo chính sách lao động hiện hành, lao động nữ trong thời gian hành kinh (ngày 'đèn đỏ') được nghỉ mỗi ngày 30 phút, tối thiểu là 3 ngày trong một tháng. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

Từ ngày 1-2-2021, lao động nữ đi làm ngày “đèn đỏ” ngoài được nhận nguyên lương theo hợp đồng còn được nhận thêm tiền lương theo công việc mà người lao động làm trong thời gian được nghỉ. Trong ảnh: Nữ công nhân làm việc trong một công ty ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2. Ảnh minh họa: N.P

Từ ngày 1-2-2021, lao động nữ đi làm ngày “đèn đỏ” ngoài được nhận nguyên lương theo hợp đồng còn được nhận thêm tiền lương theo công việc mà người lao động làm trong thời gian được nghỉ. Trong ảnh: Nữ công nhân làm việc trong một công ty ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2. Ảnh minh họa: N.P

* Sẽ được nhận thêm tiền ngoài lương

Để tạo điều kiện cho lao động nữ trong chăm sóc sức khỏe, theo Khoản 3, Điều 80, Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14-2-2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động năm 2019 về điều kiện lao động và quan hệ lao động (gọi tắt là Nghị định 145) có hiệu lực thi hành từ 1-2-2021 quy định, lao động nữ trong thời gian hành kinh có quyền được nghỉ mỗi ngày 30 phút tính vào thời giờ làm việc và vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. Số ngày có thời gian nghỉ trong thời gian hành kinh do hai bên thỏa thuận phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ nhưng tối thiểu là 3 ngày làm việc trong một tháng; thời điểm nghỉ cụ thể của từng tháng do người lao động thông báo với người sử dụng lao động.

Cũng theo Nghị định 145, trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng theo quy định, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ và thời gian làm việc này không tính vào thời giờ làm thêm của người lao động. Trường hợp lao động nữ có yêu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định thì hai bên thỏa thuận để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ.

* Lao động nữ phấn khởi

Thông tin nói trên đang được nhiều lao động nữ đón nhận đầy phấn khởi và đồng thuận. Chị Ngô Thị Kim Nhung (ngụ P.Tân Biên, TP.Biên Hòa), công nhân Công ty TNHH Marigot Việt Nam, Khu công nghiệp Amata cho biết, được nghỉ 30 phút/ngày trong những ngày “đèn đỏ” nhưng vẫn nhận đủ lương như lâu nay là tốt rồi. Việc nghỉ ngơi này sẽ giúp lao động nữ phục hồi sức lao động cũng như giảm căng thẳng, mệt mỏi trong những ngày này. Nhưng nếu lao động nữ có nhu cầu làm trọn trong 3 ngày “đèn đỏ” này sẽ được trả thêm lương thì tốt quá. Trong khi đời sống công nhân còn nhiều khó khăn, nhu cầu đi làm kiếm thêm thu nhập của nhiều lao động cũng là chính đáng.

Nhiều năm làm việc tại Công ty hữu hạn Sợi Tainan Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2), chị Phạm Thị Thủy cho biết: “Mỗi tháng vào những ngày “đèn đỏ”, chúng tôi rất khó chịu, nhất là khi làm việc trong môi trường có bụi vải, dễ bị viêm nhiễm phụ khoa. Những ngày này, được nghỉ sớm 30 phút cũng giúp lao động nữ đỡ mệt mỏi. Theo quy định mới nếu tôi không nghỉ sớm 30 phút mà tiếp tục làm việc sẽ được trả tiền cho 30 phút này là tạo điều kiện cho chị em chúng tôi có thể lựa chọn kiếm thêm thu nhập tùy theo sức khỏe của mình. Tôi cũng mong muốn, những ngày “đèn đỏ” công nhân nữ nên được bố trí công việc nhẹ nhàng, phù hợp, làm việc trong khu vực ít ô nhiễm hơn, để bảo đảm sức khỏe”.

Nói về công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản nữ, ThS-BS Nguyễn Mạnh Hoan, Trưởng khoa Sản Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, trong những ngày “đèn đỏ”, chị em thường có những đổi thay về tâm sinh lý. Những đổi thay này khiến phụ nữ cảm thấy mệt mỏi, thậm chí một số người còn đau bụng, đau lưng, nôn ói và khó chịu về mặt tâm lý. Việc chăm sóc sức khỏe phụ nữ trong những ngày “đèn đỏ” rất cần được quan tâm, đặc biệt các chị em làm việc trong môi trường nóng ẩm, bụi bặm, căng thẳng.

Theo BS Hoan, chính sách cho lao động nữ nghỉ 30 phút/ngày, tối thiểu 3 ngày trong một tháng vẫn được hưởng đủ lương và được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ là một chính sách nhân văn, tạo điều kiện cho chị em có thời gian nghỉ ngơi trong ngày “đèn đỏ”; đồng thời giúp họ có thể chủ động lựa chọn thời gian làm việc phù hợp với sức khỏe hiện tại. Tuy nhiên, một kỳ “đèn đỏ” của chị em có thể kéo dài từ 3-7 ngày, thậm chí là 10 ngày. Thời điểm này phụ nữ thường khá mệt mỏi. Do đó, doanh nghiệp nên bố trí cho chị em những việc làm nhẹ nhàng, phù hợp với điều kiện sức khỏe trong những ngày “nhạy cảm” này.

Nhằm bảo đảm quyền lợi cho lao động nữ, ngày 1-3-2020, Chính phủ ban hành Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo đó, từ ngày 15-4-2021, chủ sử dụng lao động không thực hiện việc cho lao động nữ nghỉ 30 phút/ngày (không quá 3 ngày/tháng) những ngày “đèn đỏ” sẽ bị phạt 1 triệu đồng.

An Nhiên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202012/them-chinh-sach-ho-tro-lao-dong-nu-3035946/