Thêm chiến lược quảng bá kéo khách quốc tế

Khách quốc tế đã trở lại nhưng chưa như kỳ vọng. Các doanh nghiệp đề xuất cần thay đổi chính sách quảng bá, xúc tiến, hướng tới những thị trường tiềm năng mới

Ngày 29-7, số liệu của Tổng cục Thống kê công bố cho thấy khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 7 đạt hơn 352.000 lượt người, tăng 49% so với tháng trước và gấp hơn 47 lần so với cùng kỳ khi Việt Nam đã mở cửa du lịch và các đường bay quốc tế được khôi phục. Tính chung 7 tháng, khách quốc tế đạt chưa tới 1 triệu lượt và vẫn giảm hơn 90% so với cùng kỳ năm 2019.

Chỉ mới phục hồi

Dịp hè, du lịch nội địa bùng nổ khắp cả nước với những điểm đến chật kín khách. Trong nửa đầu năm, ngành du lịch đón hơn 60,8 triệu lượt khách nội địa và tổng thu từ du lịch ước đạt 650.000 tỉ đồng.

Ngành du lịch TP HCM có kế hoạch triển khai nhiều sự kiện, chính sách thu hút khách quốc tế .Ảnh: TẤN THẠNH

Ngành du lịch TP HCM có kế hoạch triển khai nhiều sự kiện, chính sách thu hút khách quốc tế .Ảnh: TẤN THẠNH

Trong khi đó, còn gần 2 tháng nữa thị trường khách quốc tế bước vào mùa cao điểm cuối năm (từ khoảng cuối tháng 9 năm nay đến tháng 4 năm sau) nhưng theo ghi nhận từ các doanh nghiệp (DN), nhu cầu của khách đặt tour đến Việt Nam và khách thực tế ở nhiều điểm đến cũng chưa cao.

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP HCM, cho biết chỉ trong 6 tháng đầu năm, khách nội địa đã vượt mục tiêu cả năm và thậm chí với tín hiệu tích cực hiện tại, đến khoảng tháng 9, tháng 10 là có thể vượt cả giai đoạn 2019. Nhưng ngành du lịch gồm 3 trụ cột là nội địa, outbound (khách đi nước ngoài) và inbound (đón khách quốc tế), trong đó nội địa thường chỉ chiếm khoảng 30%. Do đó, thời điểm này chúng ta mới phục hồi chứ du lịch chưa phát triển.

Để phát triển thì cốt lõi vẫn là thu hút khách quốc tế đến và phát triển đều ở cả 3 trụ cột. Ông Vũ Thế Bình đặt vấn đề trong 6 tháng đầu năm, cả nước chỉ đón khoảng 600.000 lượt khách trong khi mục tiêu cả năm là 5 triệu lượt khách.

"Trách nhiệm của DN và ngành du lịch là làm sao kéo được khách đến vượt mức kế hoạch. Tuy nhiên, DN không thể nỗ lực một mình mà cần sự hỗ trợ, vào cuộc của tất cả cấp ngành, địa phương" - ông Vũ Thế Bình đề xuất.

Dự kiến đầu tháng 8, Diễn đàn Liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam năm 2022 với chủ đề "Tăng trưởng du lịch quốc tế, phục hồi toàn diện du lịch Việt Nam" do Hiệp hội Du lịch TP HCM phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức, được kỳ vọng sẽ cùng trao đổi, bàn giải pháp thu hút khách quốc tế. Bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP HCM, cho biết sự kiện là diễn đàn để các DN hợp tác cùng tạo ra sản phẩm du lịch chất lượng đón khách quốc tế.

Khai thác thị trường tiềm năng mới

Mới đây, Đại sứ Việt Nam tại các nước thuộc Trung Đông gồm UAE, Qatar, Kuwait và Saudi Arabia đã họp trực tuyến với Tập đoàn Vietravel về kế hoạch xúc tiến quảng bá du lịch, kết nối hàng không giữa Việt Nam và các nước tại Trung Đông cũng như các dự án đầu tư khác.

Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vietravel, cho biết Trung Đông là nhóm khách hàng mục tiêu của ngành du lịch Việt Nam do có mức chi tiêu cao khi đi du lịch. Đây cũng là thị trường mới nổi trong những năm gần đây của Vietravel và cả ngành du lịch.

"Du khách ở các thị trường này quan tâm tới những điểm đến mới, trong đó có Việt Nam, nếu chúng ta nắm bắt cơ hội quảng bá, đẩy mạnh xúc tiến với chiến lược phù hợp sẽ tận dụng được cơ hội. Vietravel sẽ phối hợp cùng các Đại sứ quán Việt Nam tổ chức các đoàn presstrip và famtrip đến Việt Nam vào quý III, đồng thời triển khai sự kiện xúc tiến du lịch tại 1 trong 4 nước trong tháng 10-2022" - ông Nguyễn Quốc Kỳ nói.

Mới đây, Sở Du lịch TP HCM đã tổ chức lễ đón đoàn khoảng 460 khách MICE (hội nghị, hội thảo, sự kiện kết hợp du lịch) đến từ Ấn Độ. Chủ tịch Công ty Volvo - Eicher, đại diện đoàn khách MICE, cho biết sẽ tiếp tục trở lại, đưa khách du lịch từ Ấn Độ đến TP trong thời gian tới, ngoài việc trải nghiệm, tham quan, còn tìm kiếm cơ hội đầu tư cho du khách.

Theo các DN, nguồn khách từ Ấn Độ là một trong những thị trường tiềm năng, hấp dẫn của ngành du lịch Việt Nam. Ông Lại Minh Duy, Tổng Giám đốc Công ty TSTtourist, nhận định nếu được quảng bá, xúc tiến tốt sẽ là thị trường nguồn to lớn của du lịch. Từ trước đến nay, du khách Ấn Độ thường chọn các thị trường như Thái Lan cho các kỳ nghỉ của mình, thậm chí là đám cưới nhưng gần đây Việt Nam đang nổi lên như là điểm đến hấp dẫn với du khách nước này.

"Khách Ấn Độ thích những điều mới mẻ ở Việt Nam, quan trọng là lúc này các DN du lịch có nắm bắt, hiểu họ để xây dựng sản phẩm, xúc tiến rồi đón khách? Hiện TSTtourist đang xúc tiến các thị trường mới để thu hút khách quốc tế, trong đó Ấn Độ và Thái Lan là những thị trường được tập trung quảng bá" - ông Lại Minh Duy nói.

Kiến nghị cấp phép visa tại sân bay

Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho biết để thu hút khách quốc tế, thành phố sẽ tổ chức các sự kiện như: Hội chợ Triển lãm du lịch quốc tế ITE 2022, Liên hoan món ngon các nước; đẩy mạnh các chính sách ưu đãi về du lịch MICE đến thị trường các nước, công bố các sản phẩm du lịch đặc sắc...

"Chúng tôi kiến nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trình Chính phủ điều chỉnh rút ngắn thời hạn cấp thị thực (visa) điện tử hoặc được phép cấp thị thực tại sân bay cho khách du lịch ngắn ngày và khách du lịch là F0 đã xét nghiệm âm tính trước 15 ngày cách ly theo quy định. Mở rộng miễn thị thực ngoài 13 quốc gia và chính sách e-visa cho các quốc gia khác. Kéo dài thời gian tạm trú đối với khách quốc tế đến Việt Nam từ 15 ngày lên 30 ngày kể từ ngày nhập cảnh" - ông Lê Trương Hiền Hòa nói.

THÁI PHƯƠNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/du-lich-xanh/them-chien-luoc-quang-ba-keo-khach-quoc-te-20220729200850141.htm