Thêm cảnh báo về lũ ở đập Tam Hiệp

Theo Tân Hoa Xã, nước trong hồ chứa đập Tam Hiệp có thể dâng cao trở lại từ đầu đến giữa tháng 7.

Thông tin Trung Quốc phải mở hai đập tràn của đập Tam Hiệp vào sáng 29/6, đánh dấu lần xả lũ chính thức đầu tiên của con đập này trong năm đang thu hút nhiều chú ý giữa lúc có nhiều đồn đoán về sức khỏe công trình này trong những ngày mưa lũ kéo dài.

Tân Hoa Xã cho hay, sẽ xảy ra mưa vừa hoặc to trong 2 ngày 1 và 2/7 ở gần các nhánh của thượng sông Dương Tử. Ngoài ra, nước trong hồ chứa đập Tam Hiệp có thể dâng cao trở lại từ đầu đến giữa tháng 7.

Trong khi đó, khu vực phía nam Trung Quốc đang phải đối mặt với mưa lớn, 26 tỉnh và thành phố chìm trong nước sâu và hơn 10 triệu người đã bị ảnh hưởng. Đài quan sát khí tượng Trung ương Trung Quốc liên tục đưa ra cảnh báo màu vàng cho những cơn mưa lớn.

Ngày 30/6, tại thành phố Chiêu Thông, Vân Nam, Trung Quốc, mực nước lũ đã dâng cao sau trận mưa xối xả từ đêm trước. Lũ lụt đã khiến nhiều ngôi nhà bị sập, các tuyến đường giao thông bị gián đoạn cùng với tình trạng sạt lở đất xảy ra ở nhiều nơi.

Tính đến ngày 30/6, huyện Trấn Hùng (Chiêu Thông) ghi nhận 3 người thiệt mạng, 4 huyện với dân số 33.380 người bị ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau, gây thiệt hại kinh tế trực tiếp hơn 23 triệu NDT.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ lụt tại địa phương đã được nâng lên cấp 4.

Mưa lớn gây ngập lụt nghiêm trọng ở nam Trung Quốc. Ảnh: Qianlong.com.

Mưa lớn gây ngập lụt nghiêm trọng ở nam Trung Quốc. Ảnh: Qianlong.com.

Nhiều tỉnh thành khu vực miền Nam khác của Trung Quốc như Trùng Khánh, Hồ Bắc... cũng đang phải đối mặt với trận mưa lũ lịch sử, gây thiệt hại vô cùng lớn.

Trước đó, trả lời VTC News, GS.TSKH Phạm Hồng Giang, nguyên Chủ tịch Hội đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam cho biết, cho biết, sự cố vỡ đập đã từng xảy ra trên thế giới và nguy cơ từ đập Tam Hiệp là hoàn toàn có thể xảy ra.

Theo ông Giang, Trung Quốc khẳng định có thể kiểm soát được, song mùa mưa mới chỉ bắt đầu, muốn đánh giá tác động, sức chịu của đập như thế nào thì cần phải xem xét lượng mưa tiếp theo trong thời gian tới.

"Tôi cho rằng, Trung Quốc cũng sẽ làm hết cách để bảo vệ đập. Trong trường hợp xấu nhất thì họ cũng sẽ có các biện pháp giảm nhẹ thiệt hại. Chúng ta cần tiếp tục theo dõi thêm trong tình huống này", vị chuyên gia nói.

Theo ông Giang, nếu đập Tam Hiệp bị vỡ thì đó là thảm họa cực lớn và thiệt hại khôn lường bởi đập Tam Hiệp được xây dựng trên dòng sông có lưu vực đông dân, có nhiều trung tâm kinh tế và dân sinh rất lớn. 1/3 diện tích Trung Quốc, trong đó có các vùng thịnh vượng nhất như Vũ Hán, Nam Kinh, Thượng Hải nằm trên lưu vực sông Dương Tử.

Ngoài việc hàng loạt làng mạc bị nhấn chìm, nhiều công trình, nhà máy, di tích cũng sẽ bị tàn phá, ngập nước và cuốn ra biển thì việc mất nguồn cung cấp điện khổng lồ sẽ khiến Trung Quốc lâm vào tình trạng thiếu điện, khoa học công nghệ tan tành, kinh tế suy sụp, đói kém, bệnh dịch sẽ hoành hành…

GS Phạm Hồng Giang cũng khẳng định, Trung Quốc là nước có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng các đập lớn. Vì thế, việc xây dựng đập Tam Hiệp được lên kế hoạch, thực hiện theo các chỉ định nghiêm ngặt.

Quá trình xây dựng công trình lớn như vậy, có nhiều ý kiến khác nhau từ các giới trong việc tranh luận về việc thực hiện cũng là điều hoàn toàn bình thường.

"Các tranh cãi chủ yếu tập trung vào tính hiệu quả cũng như những tác động, rủi ro và nguy cơ từ đập Tam Điệp đem lại. Thế nhưng, cần phải khẳng định rằng đây là công trình tầm cỡ thế giới, việc đảm bảo an toàn cho công trình này được Trung Quốc hết sức chú trọng.

Tuy nhiên, việc đảm bảo an toàn của đập là vấn đề hết sức lưu tâm, bởi nguy cơ vỡ đập là không loại trừ", nguyên Chủ tịch Hội đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam nhấn mạnh.

Theo GS Giang, đập Tam Hiệp được xây dựng bằng bê tông, do đó khi lũ tràn về, áp lực nước lớn nhưng không dễ vỡ như các đập xây bằng đất. Trong trường hợp đập bị vỡ, sẽ vỡ ở các phạm vi nhỏ trước.

Trong trường hợp này, theo ông, Trung Quốc có thể cho phá rộng các phạm vi nhỏ này để tăng thêm nguồn nước chảy, quét xuống dưới đập. Khi có thêm nguồn nước được thoát ra ngoài sẽ khiến mực nước trong lòng hồ sẽ giảm, tính chất nguy hiểm đối với đập cũng giảm thiểu đi rất nhiều.

"Cần lưu ý rằng biện pháp này chỉ thực hiện trong trường hợp các cửa tràn đã mở hết mà lũ về vẫn cao. Mục đích là điều tiết được mức nước hồ, giảm thiểu thiệt hại", ông nhấn mạnh.

Minh Thái (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/them-canh-bao-ve-lu-o-dap-tam-hiep-3409730/