Thêm cái Tết xa nhà...

Vậy là hơn 10 năm ăn học, làm việc ở TP HCM rồi mình cũng có dịp thưởng thức mùi Tết TP mà nhiều người cho là... lạnh lẽo

Nói thế thôi chứ năm nay mình ăn Tết sớm, vì đúng thời khắc giao thừa là quẩy ba lô trở lại TP HCM cho kịp ca trực.

Vậy là hơn 10 năm ăn học, làm việc ở TP HCM rồi mình cũng có dịp thưởng thức "mùi Tết" TP mà nhiều người cho là... lạnh lẽo! Mà "lạnh lẽo" thật vì nơi mình đến nhận việc là nơi mà không ai muốn ghé, nhất là những ngày đầu năm - đó là bệnh viện.

Bà nội lì xì chiều 30 Tết

Bà nội lì xì chiều 30 Tết

Cảm giác lạnh lẽo đầu tiên đến từ sự vắng lặng ngoài đường phố đến các khoa phòng. Nhưng với môi trường bệnh viện có lẽ đó là cái vắng lặng mà mọi người cầu mong. Rồi bình minh ló dạng, ấm áp lùa về khi Ban giám đốc bệnh viện xuất hiện với xấp bao lì xì đỏ trên tay. Và với vị trí là bác sĩ "cột chót", tôi lại là người sung sướng nhất khi lần lượt "nhận lộc" từ ban giám đốc, rồi đến trưởng khoa, phó khoa, các thầy cô giảng viên... Chỉ có chút căng thẳng khi Ban giám đốc khuyến cáo toàn khoa nên sử dụng khẩu trang 24/24 phòng ngừa dịch viêm phổi coronavirus.

Ngày Tết vắng bệnh nhân nên công việc cũng khá nhàn nhã. Đó cũng là dịp để nhân viên y tế chúng tôi có điều kiện trò chuyện cùng bệnh nhân, hiểu hơn những lo toan, nỗi niềm, hoàn cảnh của họ. Và thú thật, có những điều mà tôi chỉ vừa nhận biết hôm nay.

Tôi ghi nhớ, xem nó như một bài học, một hành trang cần thiết cho bước đường sự nghiệp, tương lai. Rồi ngày làm việc đầu năm cũng nhẹ nhàng trôi qua. Đêm nay tôi không trực. Tết TP HCM đêm mùng 1 của tôi là cùng một đồng nghiệp dân TP "check-in" phố hoa Nguyễn Huệ, xem một vở kịch; bạn còn mời tôi dùng bữa cơm tối thân mật cùng gia đình... Thế đấy. Và cảm nhận Tết TP HCM của tôi là... vẫn ấm!

Nhớ năm rồi ăn Tết nơi trời Tây (làm thực tập sinh ở Pháp) nhớ nhà, nhớ ba mẹ, nhất là bà nội gần trăm tuổi. Trước khi tôi sang Pháp, bà nhắn nhủ: "Tết không về được thì đến chùa thắp nén nhang cầu trời Phật phù hộ gia đạo bình an, năm mới an lành, khỏe mạnh". Năm nay bà an ủi: "Cái nghề của bây đâu có nghỉ được, bệnh hoạn mà, ai biết giờ giấc nào. Làm nghề cứu người thì ráng chịu cực, ráng làm tốt để được phước lành nghe con".

Thông lệ mỗi năm bà lì xì con cháu sáng mùng 1, riêng năm nay bà "phá lệ" lì xì tôi chiều 30 Tết. Cầm bao lì xì của bà, tôi vừa vui vừa xúc động. Vui vì ở tuổi 97 bà vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn; xúc động vì ở từng tuổi đó mà bà vẫn rất quan tâm tới công ăn việc làm của từng đứa cháu...

Thật vậy. Với gần 30 đứa cháu nội, ngoại, cố, sơ..., bà không quên đứa nào. Mấy đứa nhỏ thì bà hỏi han chuyện học hành; đứa lớn thì chuyện nghề nghiệp, làm ăn... Đứa nào bà cũng răn dạy sống cho đàng hoàng, tử tế; làm việc phải siêng năng, cẩn thận, uy tín... Năm nào cũng vậy, độ rằm tháng Chạp là bà đã chuẩn bị mấy chục bao lì xì, bao nào của đứa nào bà nhớ hết.

Tiền bạc thì có mấy người con ở nước ngoài chu cấp nên bà khá thoải mái và... mạnh tay, nhất là với mấy đứa cháu có đời sống khó khăn. Tôi cảm nhận chuyện lì xì với bà là cả một "nghệ thuật", một sự tinh tế mang nhiều sắc thái khác nhau! Bà là vậy. Luôn sống hết mình vì con cháu. Và tôi ước bà mãi "hết mình" vì con cháu!

Có lẽ ai cũng mong có một ngày Tết đầm ấm, sum vầy bên quê hương, người thân... Nhưng cuộc sống, nghề nghiệp luôn đòi hỏi chúng ta phải dấn thân, tiến bước... Với tôi, nghề nghiệp không chỉ mang đến cuộc sống, tiền tài... mà còn là sự thách thức, trui rèn bản lĩnh... Rồi đây sẽ còn nhiều cái Tết xa nhà với tôi. Nhưng dù Tết ở đâu trên dải đất hình chữ S này, tôi cũng cảm nhận sự ấm áp qua hơi thở của tình người.

BS Vân Thanh (tỉnh Trà Vinh)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/them-cai-tet-xa-nha-2020012610270833.htm