Thêm biểu tượng cho Chiến khu Đ

Hướng tới 60 năm Ngày thành lập Căn cứ Khu ủy miền Đông (1961-2021), Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (Khu bảo tồn) đã tổ chức cuộc thi Sáng tác biểu trưng Chiến khu Đ. Sau hơn 1 năm phát động, Ban tổ chức đã nhận được 17 phác thảo của 13 tác giả là các họa sĩ, nhà điêu khắc trong và ngoài tỉnh.

Một số phác thảo tham dự cuộc thi sáng tác biểu trưng Chiến khu Đ. Ảnh: Ly Na

Một số phác thảo tham dự cuộc thi sáng tác biểu trưng Chiến khu Đ. Ảnh: Ly Na

1. Theo Khu bảo tồn, xây dựng biểu trưng Chiến khu Đ xứng tầm với một di tích lịch sử có ý nghĩa quan trọng. Bởi biểu trưng là thể thống nhất, tiêu biểu, nêu bật ý nghĩa lịch sử về vị trí, vai trò của Chiến khu Đ trong cách mạng, ý chí chiến đấu, sự hy sinh của ông cha; sự hài hòa - phát triển giữa thiên nhiên và con người. Đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử của di tích, giáo dục truyền thống cho các thế hệ, hướng tới chân - thiện - mỹ.

Theo ThS Trần Quang Toại, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai, tiêu đề của cuộc thi là Sáng tác biểu trưng Chiến khu Đ nhưng 17 phác thảo của 13 tác giả gửi về chủ yếu là những công trình tượng đài. Các phác thảo vì thế đã đi ngược lại với tiêu đề của cuộc thi. Tuy nhiên, căn cứ vào thể lệ của cuộc thi có ghi biểu trưng Chiến khu Đ (gồm tượng đài và phù điêu) nên Hội đồng Nghệ thuật dựa vào đó để lựa chọn những phác thảo có ý tưởng, nội dung sâu sắc, có tính thẩm mỹ cao. Đồng thời, thể hiện ý nghĩa văn hóa, lịch sử nhằm đáp ứng các tiêu chí của Ban tổ chức đề ra.

Đồng tình với quan điểm trên, các thành viên của Hội đồng Nghệ thuật đều cho rằng, các tác phẩm dự thi cần đáp ứng yêu cầu của chủ đầu tư, phải được ngắm nhìn từ 3 hướng. Việc lựa chọn và xây dựng biểu trưng Chiến khu Đ (tượng đài và phù điêu) phải có tính giáo dục truyền thống, gắn kết thiên nhiên và con người. Vì thế tác phẩm được lựa chọn phải xứng tầm, vừa độc đáo, hài hòa với không gian vừa góp phần quảng bá hình ảnh Đồng Nai, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Hội đồng Nghệ thuật đã đề nghị Khu bảo tồn cần đặt tên lại cho cuộc thi để phù hợp với các tác phẩm dự thi. Theo đó, có thể thay tên gọi biểu trưng Chiến khu Đ thành công trình kỷ niệm Chiến khu Đ, hay công trình tượng đài Chiến khu Đ… Cũng theo ThS Trần Quang Toại, vì tượng đài đặt ở ngay điểm chính trung chuyển để đi đến 3 di tích còn lại nên đòi hỏi công trình phải đặc biệt hơn những công trình khác.

2. Phó giám đốc Khu bảo tồn Nguyễn Minh Tâm cho biết, biểu trưng sẽ được xây dựng tại ngã ba đường vào 3 khu di tích: Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy miền Đông Nam bộ và địa đạo Suối Linh. Công trình được xây dựng nhằm chào mừng đại hội Đảng các cấp, hướng tới 60 năm thành lập Khu ủy miền Đông và là biểu tượng văn hóa, điểm nhấn không gian, điểm đến du lịch độc đáo của H.Vĩnh Cửu nói riêng, tỉnh Đồng Nai nói chung.

Về mặt điêu khắc, nghệ sĩ Phạm Văn Út cho rằng, do công trình nằm ở ngã ba đường vào 3 khu di tích, cao khoảng 10m nên khi lựa chọn tác phẩm xây dựng cần phải đảm bảo các yếu tố hiệu quả không gian khi đặt (biểu đạt hình khối, tính thẩm mỹ, tạo ấn tượng thị giác với công chúng…). Các chi tiết và nội dung của mỗi tác phẩm được Hội đồng Nghệ thuật góp ý, các tác giả cần xem xét để chỉnh sửa sao cho phù hợp với nội dung Khu bảo tồn yêu cầu.

Bám sát nội dung, tiêu chí Khu bảo tồn đặt ra, Hội đồng Nghệ thuật đã chọn ra 7 phác thảo tham dự vòng thứ hai. Tuy nhiên, để các phác thảo hoàn thiện hơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp đề nghị Khu bảo tồn tổ chức buổi gặp gỡ các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, những cán bộ lão thành từng công tác tại Chiến khu Đ để lấy thêm ý kiến đóng góp. Từ đó có tổng hợp, gửi cho các tác giả để các tác giả có sự chỉnh sửa để tác phẩm được hoàn chỉnh.

Ly Na

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/202006/them-bieu-tuong-cho-chien-khu-d-3008359/