Thêm bằng chứng về sự liên quan trách nhiệm của Công ty CP Nhật Tinh Vương và Colecto

Dù phải đóng nhiều loại chi phí vượt xa mức theo quy định để được đi xuất khẩu lao động, nhưng đến nay, sau hơn 1 năm phải về nước, 'nạn nhân' vẫn chưa được bù đắp tổn thất…!

Các tài liệu mà gần đây phóng viên thu thập được từ cơ quan chức năng càng cho thấy ở lĩnh vực hoạt động xuất khẩu lao động, những “cú bắt tay” không minh bạch khiến người có nhu cầu đi lao động xuất khẩu không biết đường nào mà lần và cuối cùng họ phải nhận sự cay đắng: mất công mất sức, mất thời gian, mất tiền để đi XKLĐ, rồi bất ngờ bị về nước giữa chừng với đủ loại lý do.

Nỗi khổ tiền mất, cuộc sống lao đao!

Trước hết, trong vụ việc liên quan đến nạn nhân Nguyễn Thị Thanh Trà quê ở huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam), chúng tôi muốn đề cập tới mối quan hệ giữa Công ty Cổ phần xuất khẩu Lao động và Thương mại du lịch (Colecto) và Công ty CP Nhật Tinh Vương.

Vào tháng 11/2016, chị Nguyễn Thị Thanh Trà qua sự giới thiệu của một người cùng xã đã tìm đến Công ty CP Nhật Tinh Vương và được tư vấn về một viễn cảnh đầy hứa hẹn khi đăng ký đi lao động bên Nhật Bản. Chị tin và nộp tiền theo thông báo của phía lãnh đạo Công ty CP Nhật Tinh Vương và bà Nguyễn Thị Thu Hà - nhân viên của Công ty Nhật Tinh Vương là người viết phiếu thu tiền, để chị Trà được tham gia các khóa học tay nghề, học tiếng và các chi phí khác để được đi XKLĐ…. Các khoản tiền nộp chính thức là trên 164 triệu đồng đã được chị Trà nộp cho công ty, nhưng khi bị trả về nước, chị được hoàn lại chưa đáng là bao, dù lỗi bị trả về không phải do chị. Một sự thật đáng kinh ngạc nữa là, theo quy định thì chị Trà chỉ phải nộp không quá 3.600 USD, chứ không phải 164 triệu đồng. Tiền mất và nhiều hệ lụy cũng kéo đến gây khó khăn cho cuộc sống của chị Trà khi chị phải vay mượn số tiền khá lớn để đóng vào khoản chi phí đi XKLĐ, nay không được các bên chịu trách nhiệm bù đắp.

Trong vụ việc này, bà Đỗ Thị Tuyết Ban - Giám đốc Công ty CP Nhật Tinh Vương phủi trách nhiệm của Công ty này đối với chị Trà, khi bà cho rằng: Việc đưa người đi XKLĐ là của Công ty Colecto và Chi nhánh Đà Nẵng miền Trung - Tây Nguyên của Colecto. Bà Ban cũng xác nhận, bà là Giám đốc Cty CP Nhật Tinh Vương, kiêm Trưởng Chi nhánh Đà Nẵng miền Trung – Tây Nguyên của Colecto, tuy nhiên, bà Ban phủ nhận sự liên quan của Công ty CP Nhật Tinh Vương trong trường hợp chị Trà.

Hồi tháng 8/2018, sau khi Baonhandao.vn đăng bài phản ánh về sự việc, bà Đỗ Thị Tuyết Ban đã làm đơn gửi khiếu nại đi khắp nơi cho rằng, Công ty CP Nhật Tinh Vương không làm chị Trà “lao đao” như bài báo của Baonhandao.vn phản ánh.

Công ty CP Nhật Tinh Vương liên quan gì đến những thiệt hại của chị Trà?

Ngày 13/8/2018, Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống gửi công văn trực tiếp tới Cục trưởng Cục Lao động ngoài nước kèm theo hồ sơ, tài liệu liên quan về sự việc. Ngày 28/9/2018 Tòa soạn nhận được công văn số 1818/QLLĐNN-PCTTr của Cục Quản lý Lao động ngoài nước trả lời nhiều nội dung. Trong đó cho biết, việc thanh lý hợp đồng giữa Công ty Colecto và thực tập sinh Nguyễn Thị Thanh Trà vẫn chưa đi đến thống nhất và chưa được giải quyết. Quả thực, đến tận thời điểm này, việc giải quyết quyền lợi cho chị Trà gần như bị bỏ mặc.

Thông tin đáng chú ý hơn cả, trong Công văn 1818/QLLĐNN-PCTTr của Cục Quản lý Lao động ngoài nước là: Chi nhánh Đà Nẵng miền Trung –Tây Nguyên của Công ty Colecto đã thu tiền của thực tập sinh Nguyễn Thị Thanh Trà vượt quá quy định. Cục cũng gửi kèm Báo cáo của Colecto gửi Cục Quản lý Lao động ngoài nước, trong đó nêu rõ: Chi nhánh do bà Đỗ Thị Tuyết Ban làm giám đốc đã thu của thực tập sinh Nguyễn Thị Thanh Trà hơn 164 triệu đồng, nhưng chỉ nộp về công ty hơn 108 triệu đồng (làm tròn).

Theo Colecto xác định, đây là việc làm sai trái. Tuy nhiên, việc thu – nộp chênh lệch này, Colecto có thực sự không biết hay là cơ chế dành cho các “chân rết” tìm người đi XKLĐ? Đó là điều dư luận đặt nghi vấn, cần các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ. Sự bất thường còn thể hiện ở chỗ, ngay sau khi báo cử phóng viên vào làm việc và đăng bài phản ánh, thì Colecto cho giải thể Chi nhánh Đà Nẵng miền Trung – Tây Nguyên. Việc giải thể đột ngột chi nhánh của Colecto càng cho thấy sự bất thường, rất cần sự quan tâm làm rõ của cơ quan chức năng.

Lỗi của chi nhánh Colecto là thế, nhưng tới đây xin quay trở lại bàn về sự liên quan của Công ty CP Nhật Tinh Vương tới sự lao đao của thực tập sinh Nguyễn Thị Thanh Trà.

Sự thật là Công ty CP Nhật Tinh Vương không có chức năng tư vấn đi xuất khẩu lao động, thế nhưng Công ty này đã đưa lên website và facebook quảng cáo chào mời người dân tìm đến để được tư vấn, đưa đi XKLĐ. Chị Trà đã tìm đến Công ty này để liên hệ làm thủ tục đi XKLĐ, chứ không phải tìm đến chi nhánh của Cty Colecto tại Đà Nẵng.

“Tại trụ sở Công ty CP Nhật Tinh Vương, tôi được bà Ban tư vấn, hứa hẹn, vẽ viễn cảnh đi XKLĐ kiếm tiền ra sao… tôi không hề nghe nhắc đến Công ty Colecto mà chỉ biết đến Công ty CP Nhật Tinh Vương và nộp tiền vào công ty này để được đi XKLĐ”, chị Trà phản ánh.

Thực tế, chỉ có Colecto mới có chức năng làm dịch vụ XKLĐ, còn Công ty CP Nhật Tinh Vương thì không có chức năng này. Ở đây, bà Ban đã nhập nhèm giữa tư cách Giám đốc Công ty CP Nhật Tinh Vương và chức danh Giám đốc Chi nhánh Đà Nẵng miền Trung-Tây Nguyên của Colecto để gây hiểu nhầm cho người lao động và để người lao động nộp tiền tại Công ty CP Nhật Tinh Vương và chính Colecto cũng không biết người lao động thực tế phải nộp bao nhiêu tiền, dù hợp đồng được ký giữa người lao động và Colecto.

Chị Trà đã nộp hơn 164 triệu đồng, mà số tiền này theo xác nhận của Colecto là cao hơn mức quy định. Số tiền này thực tế ai thu, ai hưởng? Trong quá trình xác minh sự việc, chúng tôi có tiếp cận hỏi từng bên phía Colecto và Nhật Tinh Vương, nhưng các câu trả lời hầu hết đều là quanh co, đùn đẩy cho nhau.

Và, trong nỗ lực phủ nhận sự liên quan của Công ty CP Nhật Tinh Vương, bà Đỗ Thị Tuyết Ban liên tục khẳng định với phóng viên và trong các đơn thư khiếu nại về bài báo, rằng bà Nguyễn Thị Thu Hà (người viết phiếu thu tiền của chị Trà) không phải là người của Công ty CP Nhật Tinh Vương mà bà Hà là người của Chi nhánh Colecto. Việc phủ nhận này của bà Ban nhằm phủi sạch trách nhiệm của Công ty CP Nhật Tinh Vương trong vụ việc. Thế nhưng, giấy đâu có gói được lửa, sự thật vẫn là sự thật, không thể che giấu.

Công văn trả lời của BHXH TP Đà Nẵng.

Công văn trả lời của BHXH TP Đà Nẵng.

Trong văn bản số 739/BHXH-QLT ngày 25/5/2019 gửi tới Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Đà Nẵng xác nhận: Bà Nguyễn Thị Thu Hà, sinh ngày 15/02/1989 (số CMTND: 201790928) tham gia đóng bảo hiểm liên tục từ tháng 6/2015 đến nay (tháng 5/2019) tại Công ty CP Nhật Tinh Vương.

Sự thật thế là đã rõ. Bà Đỗ Thị Tuyết Ban đã nói không đúng sự thật. Dù các công ty liên quan “quanh co” rũ bỏ sự liên quan, dù hóa đơn thu tiền của “nạn nhân” không có dấu pháp lý của chi nhánh hay của công ty nào và không ghi rõ là công ty nào thu và hóa hơn chỉ có chữ ký của bà Nguyễn Thị Thu Hà ký nhận, thế nhưng bà Nguyễn Thị Thu Hà – người của Công ty CP Nhật Tinh Vương đã viết phiếu thu tiền của chị Trà. Tiền này đã được nộp về Công ty Colecto, nhưng thực nộp về Colecto chỉ khoảng 2/3 số tiền thực thu của chị Trà và lúc đó Colecto cũng không hề có ý kiến phản đối gì về việc này (!?).

Trong vụ việc này, những “ma trận” đã được giăng ra và chị Trà là một nạn nhân đang phải gánh chịu hậu quả kéo dài là món nợ vay chưa biết bao giờ mới trả xong.

Để bảo vệ quyền lợi của người lao động và góp phần lành mạnh hóa lĩnh vực XKLĐ, chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh về vụ việc này. Những góc khuất, sự “loằng ngoằng” trong vụ việc này của đơn vị XKLĐ và “vệ tinh” chúng tôi sẽ chuyển đến bạn đọc trong bài viết sau.

Bùi Tuấn- Nguyễn Nhuận

Nguồn NĐ&ĐS: http://baonhandao.vn/ban-doc/them-bang-chung-ve-su-lien-quan-trach-nhiem-cua-cong-ty-cp-nhat-tinh-vuong-va-colecto-21460