Thêm bằng chứng Mỹ hành động không vì lợi ích châu Âu

Mỹ đã dọa rút khỏi NATO vì các thành viên châu Âu trong tổ chức ủng hộ dự án này.

Trong cuốn hồi ký của cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton mang tên "The Room Where It Happened: A White House Memoir" (Căn phòng nơi chuyện đó xảy ra: Hồi ký Nhà Trắng), Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đã đề cập tới dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream-2 của Nga được nhiều nước châu Âu ủng hộ, trong đó gồm cả các thành viên của liên minh quân sự hàng đầu thế giới NATO.

Tổng thống Trump đã từng lấy lý do Nord Stream-2 để ép NATO.

Tổng thống Trump đã từng lấy lý do Nord Stream-2 để ép NATO.

Cụ thể, theo tiết lộ của ông Bolton, Tổng thống Trump trong Hội nghị Thượng đỉnh NATO năm 2018 đã đứng lên nói thẳng về việc Mỹ sẽ rời khỏi NATO nếu các thành viên châu Âu không tăng chi phí đóng góp quân sự và ngừng ủng hộ dự án Nord Stream-2.

Ông Bolton cho biết, ông Trump đã muốn ông Bolton cố vấn về bài phát biểu tại Thượng đỉnh NATO.

Cuốn sách thuật lại lời ông Trump hỏi ông Bolton: "Đây là những gì tôi muốn nói: 'Chúng tôi rất tôn trọng NATO, nhưng chúng tôi đang bị đối xử bất công. Vào ngày 1/1 tới, tất cả các quốc gia phải cam kết đóng góp mức 2% và chúng tôi sẽ tha thứ cho các khoản nợ, hoặc chúng tôi sẽ ra khỏi [tổ chức-ND], không bảo vệ · những người không đóng góp. Chúng ta sẽ không tham gia một NATO - nơi các quốc gia đang trả tiền tỷ cho Nga. Chúng tôi sẽ rời đi nếu họ thực hiện thỏa thuận đường ống".

Cựu cố vấn an ninh sau đó viết thêm rằng, chính ông cùng Ngoại trưởng Mike Pompeo đã thuyết phục ông Trump đừng dùng biện pháp đe dọa như vậy. Thay vào đó, người đứng đầu Nhà Trắng nên kêu gọi các nước thành viên NATO đóng góp nhiều hơn nữa cho ngân sách quốc phòng chung của khối.

Những tiết lộ mới của ông Bolton cho thấy rõ mục tiêu hàng đầu, mối quan tâm đặc biệt của Tổng thống Trump không phải tình đồng minh giao hảo xuyên Đại Tây Dương mà những lợi ích kinh tế nhìn thấy được khi Mỹ bị gạt ra rìa trong hợp tác kinh tế tỉ USD giữa đối thủ hàng đầu của NATO là Nga cùng với chính những thành viên trong liên minh.

Nord Stream-2 có thể đơn thuần là một dự án kinh tế đúng nghĩa nhưng trong con mắt của ông Trump, đó không còn là một dự án buôn bán khí đốt xuyên biên giới. Ở châu Âu, người Mỹ không thể có các hợp đồng tỷ USD như vậy, chỉ cần thu tiền đều đặn trong cả hàng chục năm! Lý do là bởi việc vận chuyển xa xôi hơn, giá năng lượng đắt hơn.

Với việc mang dự án này ra để đe dọa đồng minh (điều mà các cố vấn đã can ngăn Tổng thống Mỹ), ông Trump càng cho thấy rõ việc người Mỹ sẵn sàng vì lợi ích của Mỹ để "tận thu" từ đồng minh.

Nga đã chiếm 38% nhu cầu khí đốt của châu Âu năm 2018. Sự gia tăng đầu tư của Nga vào các dự án năng lượng cũng như xuất khẩu năng lượng sang châu Âu đã gây ra cho Mỹ nhiều lo ngại. Trước thực tế này, Washington đã đẩy mạnh các lo ngại về sự phụ thuộc của châu Âu vào Nga. Washington đã gia tăng sức ép, tung lệnh trừng phạt vào dự án năng lượng Nga và hối thúc đồng minh châu Âu ngừng gia tăng nhập khẩu năng lượng của Nga.

Cùng với đó, Washington cũng thúc đẩy các công trình đặt thiết bị đầu cuối tiếp nhận khí hóa lỏng ở các thành viên châu Âu nhằm thúc đẩy việc xuất khẩu khí hóa lỏng Mỹ trên thị trường này.

Sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga thì chưa thấy nhưng người châu Âu đã có thêm những bằng chứng nữa để minh chứng việc người Mỹ chỉ tính đến lợi ích của người mang danh "đồng minh" chứ không phải vì lợi ích của chính người dân châu Âu.

Huy Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/them-bang-chung-my-hanh-dong-khong-vi-loi-ich-chau-au-3409342/