Thêm 2 ngoại ngữ trong nhà trường: có cần thiết? - Bài 4: Cần nhưng thiếu tính khả thi

Mở ra một ngoại ngữ mới cho học sinh (HS) là thêm những cơ hội mới để HS thỏa sức, hạn chế dần sự rập khuôn, để giáo dục cùng vận hành với xu hướng của cuộc sống và nhu cầu của xã hội. Nhưng cùng với đó, phải là sự chuẩn bị sẵn sàng về chương trình, đội ngũ, truyền thông và tư vấn, định hướng đúng đắn đến người học và cả xã hội để mọi sự lựa chọn đều không uổng phí.

Cô giáo Hà Ánh Phượng luôn nỗ lực để nâng cao chất lượng dạy và học môn Tiếng Anh.

Cô giáo Hà Ánh Phượng luôn nỗ lực để nâng cao chất lượng dạy và học môn Tiếng Anh.

Cân nhắc trước khi chọn

Sau thông tin Bộ GDĐT sẽ đưa tiếng Hàn và Đức vào giảng dạy như ngoại ngữ số 1, lập tức có nhiều ý kiến trái chiều.

Chị Lan Anh (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết con trai chị đã học 4 năm lớp song ngữ Anh - Đức ở trường THCS Đống Đa, Hà Nội. Ban đầu, gia đình khuyến khích con học lớp này vì thấy khả năng học ngoại ngữ của con tương đối tốt. “Con đồng ý với định hướng này và trên thực tế, con học rất chăm chỉ, cố gắng và đã đạt được một số kết quả bước đầu.

Tuy nhiên, khi lên đến cấp 3, con quyết định không học tiếp lớp song ngữ nữa mà tập trung học tiếng Anh do cảm thấy tại thời điểm này, tiếng Đức chưa có nhiều tính ứng dụng với con, con chưa có dự định đi du học Đức… Dẫu thế, tôi không cho rằng đó là quãng thời gian lãng phí” - vị phụ huynh này nói và bày tỏ sự ủng hộ việc đưa thêm tiếng Hàn, tiếng Đức vào nhà trường.

Cô giáo Tống Quỳnh Hoa (Trường THPT thực nghiệm khoa học giáo dục), cho rằng, lâu nay tiếng Anh phổ cập vậy nhưng việc dạy và học vẫn chưa đạt được những kết quả như mong muốn, vậy bây giờ đưa thêm hai thứ tiếng “khó nhằn” vào giảng dạy như ngoại ngữ số 1 thì sẽ như thế nào. Tiếng Hàn không có cùng mẫu chữ latinh, việc đưa thêm tiếng Hàn, Đức vào thành ngoại ngữ 1 e rằng chỉ làm rối thêm cho các bậc phụ huynh trong việc định hướng cho con.

Đơn cử, không ít học sinh chỉ vì mê truyện tranh Nhật Bản nên học lớp chuyên Nhật. Tuy nhiên, sau một thời gian không theo được vì khó. Bởi theo nguyên tắc khó thì đòi hỏi phải đầu tư nhiều thời gian, công sức trong khi các em còn rất nhiều môn khác phải lo.

Chia sẻ quan điểm này, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng kể cả là ngoại ngữ bắt buộc cũng nên bắt đầu bằng sự yêu thích thì khả năng đạt hiệu quả sẽ cao hơn. Nhưng xét về mặt tâm lý, ở lứa tuổi còn nhỏ, các em dễ thích cũng dễ chán, dễ thay đổi nên vai trò đồng hành của phụ huynh, nhà trường là hết sức quan trọng.

Giáo dục không phải môi trường thí điểm

Ở một góc nhìn khác, ủng hộ việc đưa tiếng Hàn, tiếng Đức vào giảng dạy trong trường phổ thông, song cô Hà Lê Kim Anh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, ngoại ngữ rất cần môi trường, cần sự tương tác, sự chuyển hóa từ những gì thầy cô dạy trên lớp để trở thành công cụ,phương tiện phục vụ cho người. Nếu thiếu đi những điều này, việc học ngoại ngữ khó đạt được hiệu quả như mong muốn.

Chia sẻ quan điểm này, cô giáo Hà Ánh Phượng (một trong 50 giáo viên xuất sắc toàn cầu năm 2020) - Trường THPT Hương Cần, Phú Thọ cho rằng cần xây dựng môi trường học tập ngoại ngữ, làm sao để tăng được động lực học tập của HS. Khi các em thích học, có đam mê thì sẽ tìm được những cách học khác nhau để tiếp cận môn học qua các kênh khác nhau. Một minh chứng là HS ở vùng nông thôn hay vùng sâu vùng xa hiện có ít lợi thế học ngoại ngữ hơn so với HS ở thành phố.

Theo cô Phượng, cần phải đổi mới kiểm tra, đánh giá môn ngoại ngữ. Để học tốt môn ngoại ngữ, phải đến từ 2 yếu tố giáo viên và học trò. Một tiết học chỉ 45’ trên lớp không thể giúp HS hoàn thiện tất cả các kỹ năng nên nếu HS không có ý thức, không có động lực tự học ở nhà thì rất khó để phát triển được. Thầy cô có thể không phải là người xuất sắc nhất nhưng có vai trò hướng dẫn, định hướng các em trên hành trình trau dồi tri thức, rèn luyện những kỹ năng cần thiết giúp ích cho các em vững bước trên đường đời sau này.

Về hệ thống kiểm tra đánh giá môn ngoại ngữ, cô Phượng đề xuất cần mang tính chất toàn diện và sát sao với chương trình học hơn. Hiện thi tốt nghiệp cấp 3 cũng mới dừng chủ yếu ở thi ngữ pháp. Nếu có thể mở rộng ở những kỳ thi mang tính chất cả nước và kiểm tra HS ở cả 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết để từ đó thúc đẩy việc học ngoại ngữ của HS một cách toàn diện thì sẽ tốt hơn.

Nhiều giáo viên dạy ngoại ngữ đồng quan điểm, hiện nâng cao chất lượng giảng dạy ngoại ngữ nói chung và đặc biệt là tiếng Anh, ngôn ngữ có thể nói là phổ thông nhất thế giới đang là bài toán đặt ra với ngành giáo dục và toàn xã hội. Trong khi phần lớn HS tốt nghiệp lớp 12 gần như chưa sử dụng thông thạo được tiếng Anh thì việc đưa thêm một ngôn ngữ khác vào cho các em lựa chọn là môn học bắt buộc liệu có khả thi là câu hỏi cần được nghiên cứu, xem xét thấu đáo trước khi đưa vào thực hiện. Giáo dục không thể vừa làm vừa tính bởi ảnh hưởng của một thí điểm sẽ là hàng triệu học sinh.

(Còn nữa)

Thu Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/them-2-ngoai-ngu-trong-nha-truong-co-can-thiet--bai-4-can-nhung-thieu-tinh-kha-thi-556473.html