Từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông tại 2 trung tâm kinh tế lớn

Nhiều dự án đầu tư giao thông đang được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cũng như TP. Hà Nội đề xuất và phê duyệt chủ trương đầu tư, góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tại cửa ngõ 2 trung tâm kinh tế - chính trị lớn nhất đất nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, thúc đấy phát triến kinh tế - xã hội…

Đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng giao thông tại cửa ngõ Thủ đô

Bộ GTVT vừa có văn bản chấp thuận đề xuất của UBND TP. Hà Nội xây dựng đoạn đường dài 6,7 km nối đại lộ Thăng Long với cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình. Theo đó, dự án có điểm đầu là nút giao đại lộ Thăng Long với quốc lộ 21, điểm cuối tại Km6+700 cao tốc Hà Nội - Hòa Bình. Quy mô tuyến đường cao tốc đô thị 6 làn xe. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng là 5.500 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương dự kiến bố trí 2.000 tỷ đồng, TP. Hà Nội đảm bảo nguồn vốn phần còn lại.

Dự án dự kiến thực hiện từ nay đến năm 2026. Tuyến đường khi xây dựng hoàn thành sẽ giúp thông suốt tuyến cao tốc từ đại lộ Thăng Long đi Hòa Bình, theo quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc.

Thi công cầu trên cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45. Ảnh: Long Hoàng

Bên cạnh đó, Sở GTVT Hà Nội cũng mới trình UBND TP. Hà Nội về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường vành đai 3. Dự án có chiều dài khoảng 3,4 km với điểm đầu giao với đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; điểm cuối giao với đường vành đai 3. Quy mô mặt cắt ngang nền đường có chiều rộng 60m. Tổng mức đầu tư của tuyến đường này là hơn 3.241 tỷ đồng... Dự án có nguồn vốn đầu tư từ ngân sách thành phố, thời gian thực hiện từ 2022 - 2025. Tuyến đường này khi hình thành sẽ giải quyết tình trạng ùn tắc, đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho khu vực nội thành, góp phần thúc đấy phát triến kinh tế - xã hội cho quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì và khu vực phía Nam, Đông Nam trung tâm TP. Hà Nội.

Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các chủ đầu tư các dự án liên quan để thống nhất phương án thiết kế các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài khu vực dự án nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh trùng lặp, lãng phí; có biện pháp tổ chức thi công phù hợp đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động và giảm thiểu ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân trong khu vực dự án.

Sẽ đầu tư nhiều cao tốc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Tại phía Nam, vùng kinh tế năng động nhất đất nước, Ban QLDA Mỹ Thuận cũng mới trình Bộ GTVT xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng cao tốc Cao Lãnh - An Hữu. Dự án được đề xuất đầu tư với tổng chiều dài tuyến khoảng 27,43 km, đi qua địa phận tỉnh Đồng Tháp khoảng 19,81 km, qua địa phận tỉnh Tiền Giang khoảng 7,62 km. Dự án có điểm đầu giao với tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh (cách nút giao An Bình khoảng 4km), thuộc địa phận xã An Bình, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Điểm cuối giao với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (cách nút giao An Thái Trung

Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là hơn 6.000 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng và thiết bị là hơn 4.000 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB), hỗ trợ tái định cư dự kiến khoảng 856 tỷ đồng. Với nhu cầu giải ngân vốn nêu trên, trong giai đoạn 2021 - 2025, Ban QLDA Mỹ Thuận đề nghị bố trí khoảng 4.812 tỷ đồng (khoảng 80,02% tổng mức đầu tư). Phần còn lại khoảng hơn 1.200 tỷ đồng (khoảng 19,98% tổng mức đầu tư) chuyển tiếp bố trí giai đoạn 2026 - 2030. Nếu được phê duyệt, dự án sẽ thực hiện từ năm 2022 - 2026.

Đồng thời, Bộ GTVT cũng trình Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức PPP. Theo đó, dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú được đề xuất đầu tư với tổng chiều dài khoảng 60,1 km.

Điểm đầu dự án tại Km0+000, giao với QL1 tại khoảng Km1829+500, trùng với điểm cuối cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, thuộc địa phận xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Điểm cuối tại Km60+100 thuộc địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai (kết nối với dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc). Quy mô 4 làn xe với bề rộng nền đường 24,75 m. Dự án được kiến nghị phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 quy mô 4 làn xe với bề rộng nền đường 17 m, vận tốc thiết kế 100 km/h. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là hơn 8.365 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng là hơn 4.962 tỷ đồng; chi phí GPMB là hơn 1.287 tỷ đồng.

Cũng theo Bộ GTVT, chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh (TP. HCM) - Thủ Dầu Một - Chơn Thành theo hình thức PPP cũng đã được đề xuất đầu tư. Tổng chiều dài dự án là 68,7 km (đoạn qua TP. HCM khoảng 1,7 km, đoạn qua tỉnh Bình Dương khoảng 60km và đoạn qua tỉnh Bình Phước khoảng 7 km). Tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 dự kiến gần 24.300 tỷ đồng (chưa tính lãi vay). Trong đó, vốn nhà nước tham gia khoảng 12.137 tỷ đồng, vốn tư nhân khoảng 12.138 tỷ đồng. Nếu được thông qua, dự án sẽ được triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, việc đề xuất đầu tư nhiều dự án cao tốc trọng điểm nói trên nhằm từng bước xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, tăng cường kết nối giữa các địa phương với 2 trung tâm chính trị, kinh tế lớn nhất của cả nước…

Trí Dũng

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tung-buoc-hoan-thien-ha-tang-giao-thong-tai-2-trung-tam-kinh-te-lon-105484-105484.html