Thêm 10 di sản văn hóa được công nhận

Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng vừa ký quyết định đưa 10 di sản văn hóa phi vật thể vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Các di sản được ghi danh trong đợt này thuộc các loại hình nghề thủ công truyền thống, lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng, tri thức dân gian gồm: Lễ hội đua ngựa Bắc Hà (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai); Lễ hội Năm làng Mọc (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân và phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội); Lễ hội kết chạ Phú Mỹ - Kiều Mai (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm và phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội); Lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn (xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh); Nghề làm nước mắm Phú Quốc (phường Dương Đông, phường An Thới, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang); Lễ "Ét đông" của nhóm Giơ Lâng (dân tộc Ba Na, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum); Lễ hội xã Đại Đồng (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc); Nghề thêu ren Thanh Hà (xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam).

Lễ hội Năm làng Mọc của Hà Nội. (Ảnh: MINH LONG)

Lễ hội Năm làng Mọc của Hà Nội. (Ảnh: MINH LONG)

Theo GS-TS Trần Quang Hải, di sản văn hóa phi vật thể có thể giúp tăng cường sự gắn kết và hòa nhập xã hội. Tập quán xã hội, nghi lễ, lễ hội tạo nên cấu trúc đời sống của các cộng đồng, nhóm người và đóng vai trò quan trọng trong củng cố cấu trúc xã hội một cách toàn diện.

10 di sản được quốc gia công nhận lần này đề cao sự bền vững về môi trường và đặt người dân đối diện với đòi hỏi phải bảo đảm khí hậu ổn định, quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ đa dạng sinh học. Đồng thời, tôn vinh các loại hình nghề thủ công truyền thống, lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng, tri thức dân gian.

PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái khẳng định rằng ngày nay đóng góp của di sản văn hóa phi vật thể vào môi trường bền vững được ghi nhận ở các lĩnh vực như: nghề thủ công truyền thống, lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng, tri thức dân gian góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên bền vững và phòng chống, ứng phó, nhận biết trước thảm họa thiên nhiên.

"Tôi tin các di sản sẽ được giữ gìn, bảo vệ như những di sản sống. Trở thành kho tri thức, văn hóa hun đúc các giá trị từ đó truyền năng lượng tích cực đến thế hệ trẻ cùng chung tay tham gia, bảo vệ và phát triển di sản thích ứng trong thời đại hội nhập" - PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái kỳ vọng.

Hoàng Thuận

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/them-10-di-san-van-hoa-duoc-cong-nhan-20210603203722611.htm