Thêm 1 bị can liên quan đến dự án Thủy điện Sơn La bị bắt

Một đại diện Công an tỉnh Sơn La xác nhận đơn vị đã thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Đèo Văn Ban (61 tuổi, ở bản Co Chai, xã Mường Chùm, huyện Mường La) vào ngày 20/11.

Theo đại diện Công an tỉnh Sơn La, đối tượng Đèo Văn Ban là 1 trong số 17 đối tượng bị khởi tố về tội "Cố ý làm trái qui định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan đến các vi phạm trong thực hiện bồi thường, hỗ trợ đất nông nghiệp khu vực mặt bằng xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La.

Công an tỉnh Sơn La thông tin với báo chí về vụ việc 17 cán bộ ở Sơn La bị bắt, khởi tố.

Công an tỉnh Sơn La thông tin với báo chí về vụ việc 17 cán bộ ở Sơn La bị bắt, khởi tố.

Ngày 15/11, cơ quan An ninh điều tra đã ra quyết định khởi tố 17 đối tượng, trong đó bắt giam 15 bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú 2 bị can. Các quyết định này được VKSND tỉnh phê chuẩn.

Trong 3 ngày 16-18/11, cơ quan điều tra đã thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét nơi làm việc, nơi ở của các bị can, tống đạt quyết định khởi tố, cấm đi khỏi nơi cứ trú với 2 bị can.

Đại diện Công an tỉnh Sơn La khẳng định, hành vi của ông Trương Tuấn Dũng – Phó Giám đốc Sở Tài chính và ông Phan Tiến Diện – Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh trong vụ việc đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Cả 2 người này đều đã bị cơ quan chức năng khởi tố bị can.

Dự án Nhà máy Thủy điện Sơn La – thủy điện lớn nhất khu vực Đông Nam Á (công suất lắp đặt 2.400MW) có chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Nhà máy được đặt tại huyện Mường La (Sơn La), hồ chứa trải dài trên địa bàn 3 tỉnh Sơn La, Lai Châu và Điện Biên. Việc di dân, tái định cư lòng hồ bắt đầu được triển khai năm 2003 và hoàn thành năm 2010. Năm 2012, Nhà máy Thủy điện Sơn La chính thức khánh thành.

Tính đến 2015, chi phí xây dựng nhà máy ở mức gần 35.000 tỷ đồng (giữ nguyên so với dự toán); xây dựng công trình giao thông 4.400 tỷ đồng (giảm 662 tỷ đồng). Tuy nhiên, hạng mục di dân tái định cư lại tăng hơn 6.100 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh Sơn La được duyệt khoảng 11.100 tỷ nhưng tăng lên 16.300 tỷ đồng; tỉnh Điện Biên tăng từ 6.000 lên 6.700 tỷ đồng; tỉnh Lai Châu tăng khoảng 300 tỷ đồng, lên mức 3.430 tỷ đồng.

Tổng cộng, có 20.340 hộ dân với 92.301 nhân khẩu phải di dời khỏi vùng ngập lụt. Riêng tỉnh Sơn La chiếm hơn 50% với hơn 12.500 hộ, 60.000 nhân khẩu đã di chuyển tới 70 khu, 276 điểm tái định cư; gần 16.000 hộ, 75.000 nhân khẩu bị ảnh hưởng.

Hải Ngọc

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/them-1-bi-can-lien-quan-den-du-an-thuy-dien-son-la-bi-bat-post245265.info