Thế vững trên biên cương xanh

Dẫn chúng tôi đi trên con đê bao quanh cánh đồng lúa vụ 3 xanh mướt, anh Nguyễn Đức Bảng, Chủ tịch UBND xã An Phước, huyện Tân Hồng (tỉnh Đồng Tháp) chia sẻ: 'Con đê và dòng kênh này đã che chắn, tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp của cả xã, nên bà con không còn lo nước nổi trắng đồng, hạn khô cháy lúa. Đời sống người dân ổn định, khấm khá hơn nhiều. Tất cả, nhờ công sức của bộ đội đấy!'.

Dựng trường, mở đường, đào kênh, xây làng mới…

Trong căn nhà cấp 4 khá rộng và thoáng mát ở cụm dân cư Cây Dương, xã Tân Hộ Cơ (huyện Tân Hồng), bà Nguyễn Thị Hà, 64 tuổi, vừa nhặt rau chuẩn bị bữa tối, vừa xem ti vi. Bà Hà là một trong số hàng trăm hộ dân được bộ đội Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KTQP) 959, Bộ CHQS tỉnh Đồng Tháp, vận động về ở đây từ nhiều năm nay. Bà Hà kể: “Trước kia, đường sá, làng mạc ở đây hoang sơ lắm! Người dân đi lại chủ yếu bằng thuyền trên các dòng kênh. Khu vực biên giới này chẳng có mấy nhà ở. Mùa nước nổi, có nơi ngập sâu vài ba mét. Đời sống người dân vất vả, bấp bênh, bởi chẳng ai biết làm kinh tế, chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt cá trên sông… Mãi đến khi bộ đội Đoàn KTQP 959 phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng cụm dân cư, vận động bà con về ở, hỗ trợ cả vật chất và tinh thần thì mới hình thành làng, ấp; các công trình dần mọc lên, ngày càng phát triển”.

Nhìn cuộc sống hiện tại ít ai biết cách đây 6-7 năm gia đình bà Hà thuộc diện nghèo túng, phải đi làm thuê, làm mướn kiếm sống qua ngày. Chỗ ở của mẹ con bà chỉ là túp lều dựng tạm, không cố định, phụ thuộc vào công việc làm thuê. Từ khi ra ở tại cụm dân cư Cây Dương, lại được bộ đội hỗ trợ 20 triệu tiền vốn, bà không đi làm thuê nữa mà ở nhà chăn nuôi heo, gà, vịt. Tiền lãi tích cóp đủ cho gia đình bà xây thêm công trình phụ và mua sắm những vật dụng thiết yếu phục vụ sinh hoạt thường ngày.

Cán bộ Đoàn KTQP 959 trò chuyện, trao đổi công việc với người dân.

Không chỉ gia đình bà Hà mà hàng trăm hộ gia đình ở các cụm dân cư thuộc hai xã Thông Bình, Tân Hộ Cơ đều đã có cuộc sống ổn định nơi làng mới do bộ đội chung tay gây dựng. Thượng tá Hồ Văn Một, Phó chính ủy Đoàn KTQP 959 cho biết: "Với quan điểm xây dựng tuyến biên giới bình yên, chúng tôi chủ động phối hợp với chính quyền địa phương thống nhất phương án lập cụm dân cư, triển khai quy hoạch cơ sở hạ tầng, điện, đường, nước… thực hiện chủ trương “3 cứng” (nền cứng, cột cứng, khung sườn cứng). Sau khi hoàn thành, đơn vị cử cán bộ vận động bà con nghèo trong huyện lên sinh sống tại các cụm dân cư, hỗ trợ vốn ban đầu cho bà con sản xuất. Nhờ vậy, chúng tôi đã bố trí được hàng trăm hộ dân, hình thành cụm dân cư biên giới, giúp nhân dân ổn định cuộc sống".

Có làng thì phải có đường, có trường học và các công trình phục vụ dân sinh, Đoàn KTQP 959 lại tiếp tục xây dựng, tính kế lâu dài để bà con an cư lạc nghiệp. Nhớ lại những ngày đầu gian nan ấy, Thượng tá Võ Minh Sơn, Trưởng phòng Tham mưu-Kế hoạch Đoàn KTQP 959 bộc bạch: “Nhân lực, vật lực, khoa học kỹ thuật… đều thiếu, đơn vị phải tranh thủ nguồn vốn đối ứng của Bộ Quốc phòng để xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi liên vùng, đầu tư các cụm dân cư biên giới. Cuộc chinh phục, khai phá một góc vùng Đồng Tháp Mười được thực hiện dựa trên ý chí, nghị lực, tình cảm và trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ đối với nhân dân”.

Cầu Giồng Găng bắc qua kênh Hồng Ngự-Vĩnh Hưng; cầu Tân Phước bắc qua kênh Phước Xuyên nối Đồng Tháp với Long An; bờ đê khép kín ngăn dòng nước nổi ở thượng nguồn; tuyến đường Tân Thành B-Quốc lộ 30 với chiều dài hơn 10km… tất cả trở thành điểm nhấn cho sự phát triển chung của vùng Đồng Tháp Mười. Có những nơi trước kia Mỹ, ngụy gọi là vùng “bất khả xâm phạm”, bởi chúng không thể mở nổi một con đường qua vùng nước nổi, thì nay những tuyến đường dân sinh đã hình thành nhờ công sức và ý chí quyết tâm của Bộ đội Cụ Hồ. Trung tá Trương Văn Đằng, Đội trưởng Đội Thủy lợi, tâm sự: "Bây giờ, việc xây dựng, tưới tiêu, sản xuất nhàn hơn trước rất nhiều. Thời điểm còn Nông trường Giồng Găng (tiền thân của Đoàn KTQP 959), chúng tôi phải đào kênh liên phòng 2, kênh thủy lợi 1 để tiêu phèn, dẫn nước chống hạn, tiêu úng, mở rộng sản xuất. Công việc gấp rút, mỗi người phải đào tới 4 khối đất/ngày. Nhiều lúc cả tháng anh em mới được tắm nước ngọt một lần. Vào mùa khô, cả cánh đồng chỉ có nước phèn chua đến tê lưỡi và cay xè mắt… Cuối cùng, tuyến kênh cũng hoàn thành trong niềm hân hoan của bộ đội và nhân dân. Ngành điện lực Đồng Tháp nhân cơ hội dựng cột, kéo điện về vùng sâu. Từ đó, một trang đời mới chính thức mở ra với đồng bào vùng dự án KTQP huyện biên giới Tân Hồng.

Chăm lo đời sống, hỗ trợ sinh nhai

Là địa bàn giáp ranh nước bạn Campuchia, huyện Tân Hồng thuộc diện khó khăn trong tỉnh. Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào nghề nông, canh tác giản đơn, thuần túy nên năng suất thấp, lại phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Bởi vậy, cái nghèo, cái khó cứ đeo đẳng quanh năm. Làm thế nào để giúp nông dân trong vùng dự án ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất? Câu hỏi ấy khiến lãnh đạo Đoàn KTQP 959 trăn trở. Theo Đại tá Phạm Ngọc Trọng, nguyên Giám đốc Nông trường Giồng Găng, “chiêu dân” về sống ở các cụm dân cư, không chỉ cấp đất, chia giống, hay chuyển giao công nghệ từ phương pháp xạ khô đến kỹ thuật “ém” phèn… nông trường còn hỗ trợ heo, bò giống để bà con yên tâm định cư lâu dài. Đây cũng là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước chăm lo cho đồng bào dọc tuyến biên giới, biển đảo, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia.

Cán bộ Đội Thủy lợi (Đoàn KTQP 959) trao đổi, thống nhất kế hoạch tưới tiêu với đại diện các hộ dân xã An Phước.

Những năm gần đây, Đoàn KTQP 959 còn đầu tư hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu cho cánh đồng lớn của các xã trong huyện. Từ ngăn mặn, chống phèn, khai hoang trồng lúa 1 vụ, đến nay khu dự án KTQP Tân Hồng đã trở thành vùng kinh tế đa năng, lúa trồng 3 vụ, phát triển sang các lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp và thương mại, dịch vụ. Không chỉ kết hợp cùng địa phương thực hiện các chương trình lồng ghép, xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống nhân dân địa phương, Đoàn KTQP 959 còn làm tốt công tác chính sách, khám bệnh, tặng quà, trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi, củng cố vững chắc thế trận lòng dân nơi phên giậu Tổ quốc. Những cánh đồng lúa trĩu hạt, những trường học khang trang, những trục đường giao thông phẳng lỳ, thẳng tắp, điện thắp sáng trưng, nước sạch cung cấp tận nhà… đã mang lại ấm no, hạnh phúc cho người dân. Đó là kết tinh trí tuệ và công sức của cán bộ, chiến sĩ trên mặt trận tham gia phát triển kinh tế, gắn với củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng.

Để thực hiện nhiệm vụ và thiết thực giúp đỡ nhân dân, Đoàn KTQP 959 thành lập Đội Thủy lợi, Đội Bảo vệ rừng phòng hộ, Đội Sản xuất, Bệnh xá quân dân y… Từ ngày có Đội Thủy lợi của Đoàn KTQP 959 hoạt động, bà con không còn bán đất canh tác như trước nữa mà chịu khó cấy trồng, luân chuyển mùa vụ, mang lại cuộc sống ấm no. Ông Lê Tấn Đức, ngụ ấp Ba Phát (xã An Phước), bày tỏ: “Nhà tôi có vài công đất, trước đây đã bán hết đi rồi làm thuê, làm mướn, bởi không đủ sức cấy trồng, chăm sóc. May nhờ Đội Thủy lợi của bộ đội 959 đảm nhiệm toàn bộ công việc tưới tiêu nên mấy năm nay gia đình tôi thắng đều 3 vụ lúa. Kinh tế khấm khá, gia đình không còn khó khăn như trước”.

Chung sức giữ biên giới bình yên

Cuộc giao ban chung giữa các đơn vị LLVT đóng quân trên địa bàn huyện Tân Hồng diễn ra nhanh chóng. Công việc chính được phổ biến là thông báo tình hình an ninh trật tự trên tuyến biên giới và triển khai kế hoạch phối hợp tuần tra, khám bệnh, tặng quà nhân dân địa phương các xã giáp ranh. Sau buổi giao ban, thành phần của các đơn vị khẩn trương xuống cơ sở, đến các tổ tự quản đường biên mốc quốc giới nắm tình hình, động viên anh em hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thượng tá Lê Văn Lâm, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Dinh Bà, cho biết: "Những năm qua, Đoàn KTQP 959 luôn tích cực tham gia hoạt động giữ gìn an ninh biên giới; phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân địa phương chấp hành nghiêm pháp luật, không vượt biên, không nghe lời kẻ xấu, không vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới. Mỗi khi có dịp là lãnh đạo Đoàn KTQP 959 lại đến thăm hỏi, động viên các tổ tự quản đường biên mốc quốc giới… xây dựng thế vững nơi biên cương".

Không chỉ vậy, Đoàn KTQP 959 còn làm tốt công tác đối ngoại quốc phòng thông qua việc phối hợp khám, chữa bệnh cho người dân hai bên biên giới. Những cái tên như: Bác sĩ Hùng, bác sĩ Châu, nữ hộ sinh Ngọc… không chỉ gần gũi, quen thuộc với bà con người Việt mà còn thân thiết với cả người dân nước bạn Campuchia. Anh So sô khol, 35 tuổi, ngụ tại xã Banteay Chakrei, huyện Preah Sdach (tỉnh Pray veng, Campuchia), đã nhiều lần sang khám bệnh tại Phòng khám Đa khoa quân dân y của Bộ đội Biên phòng Đồng Tháp và Bệnh xá Đoàn KTQP 959, giãi bày: “Sự ân cần, chu đáo của các bác sĩ bộ đội Việt Nam đã góp phần thắt chặt mối quan hệ láng giềng giữa nhân dân hai bên biên giới, chung tay vun đắp tình hữu nghị bền lâu”…

Rời Tân Hồng khi bình mình vừa ló, chúng tôi khấp khởi niềm vui bởi tình cảm tốt đẹp của người dân vùng biên giới với những người lính Cụ Hồ. Dọc tuyến biên giới Tây Nam, đâu đâu cũng thấy màu xanh yên bình, no ấm và nụ cười tươi tắn trên môi người dân. Trong màu xanh yên bình đó có công sức, mồ hôi của cán bộ, chiến sĩ Đoàn KTQP 959.

Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-9-2017-2018/the-vung-tren-bien-cuong-xanh-525328