Thế và lực của vùng liên kết du lịch biển

Khánh Hòa với bờ biển dài gần 400km và hệ thống 200 hòn đảo lớn nhỏ từ ven bờ ra tới khơi xa trong nền khí hậu quanh năm ôn hòa là miền đất 4 mùa say đắm của những người yêu đại dương và biển cả. Tiếp tục là tâm điểm cho Năm du lịch quốc gia 2019, Khánh Hòa làm thế nào để vượt lên trên đỉnh cao đã có của mình?

Hằng năm, khách du lịch đến lưu trú tại Khánh Hòa luôn có số lượng gấp 4 lần khách đến thành phố Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội, đủ thấy du lịch biển luôn là nữ hoàng của ngành. Nguyên do để Năm du lịch quốc gia được lặp lại ở thành phố biển Nha Trang, các nhà tổ chức muốn dùng đầu tàu du lịch biển kéo cả đoàn tàu du lịch cùng vận hành. Sử dụng thế mạnh, kinh nghiệm của Nha Trang để các vùng biển hoang sơ khác đang bước vào một thời kỳ biến động mạnh về đầu tư cơ sở hạ tầng có thể học hỏi, tránh sai lầm và nhân rộng các mô hình đã từng thành công ở đây.

Cảng tàu trên đảo Bình Ba, Cam Ranh, Khánh Hòa (Ảnh: TTH).

Cảng tàu trên đảo Bình Ba, Cam Ranh, Khánh Hòa (Ảnh: TTH).

Vùng du lịch biển Nha Trang hiện đang có xu hướng mở rộng ra 2 phía Nam và Bắc của trung tâm thành phố. Ngoài địa phận của 3 vịnh liên thông: Vịnh Nha Trang, Vân Phong và Cam Ranh với các thắng cảnh phụ cận đã rất nổi tiếng, vùng quy hoạch mở rộng về phía Bắc, hướng ra vịnh Vân Phong giáp với mũi Đại Lãnh và vịnh Vũng Rô của Phú Yên. Phía Nam kết nối với Ninh Thuận bằng con đường biển thuận tiện và thơ mộng về phía vịnh Vĩnh Hy, đảo Bình Tiên.

Đây đang được xem là mô hình liên kết vùng trong trục xoay mở rộng ôm lấy bờ biển Nam Trung Bộ nhằm phát huy hết tiềm năng thế mạnh và kéo gần các vùng ngoại vi chưa phát triển lên cùng một nhịp độ. Đồng thời, vùng lõi là thành phố Nha Trang dễ thở hơn hẳn. Vùng trung tâm có cảm giác được nới rộng, khả năng lưu trú tốt hơn, dịch vụ phong phú, nhiều sản phẩm du lịch hơn và du khách muốn ở lại lâu hơn với biển Nam Trung Bộ.

Như vậy, mô hình mở rộng vùng trung tâm và đưa các sự kiện, hoạt động du lịch ra bên ngoài ngoại vi thành phố, đồng thời xây dựng hạ tầng nhuần nhuyễn với không gian tự nhiên, đầu tư đồng bộ, hiện đại đang là hướng xúc tiến du lịch hiệu quả. Mô hình này cũng đã thành công ở Hạ Long, khi khu du lịch này tận dụng được nguồn lực của hàng loạt những nhà đầu tư lớn trong xây dựng cơ sở hạ tầng và khách sạn, nhà hàng du lịch.

Đặc biệt là sự ra đời của sân bay Vân Đồn, đường cao tốc nới rộng ra Hải Phòng, Cẩm Phả, Móng Cái nối với cửa khẩu và các trung tâm du lịch khác. Hàng loạt các công trình cao cấp phát triển theo quy mô liên kết, tập trung, hỗ trợ lẫn nhau. Kỳ nghỉ đón hè vừa qua, Hạ Long và Nha Trang là 2 trung tâm du lịch biển đón khách du lịch đông nhất cả nước.

Biển Khánh Hòa có nhiều bãi biển cát trắng, nước trong xanh và không có các loài cá dữ hay các dòng nước xoáy ngầm, thảm thực vật và động vật biển đa dạng, phong phú. Thời gian gần đây, một điểm đến mới hút khách của Khánh Hòa là đảo Bình Ba – hòn đảo chắn sóng nằm án ngữ cửa ngõ vịnh Cam Ranh được giới trẻ vô cùng yêu thích. Ước tính, nghề nuôi tôm hùm ở Bình Ba nở rộ theo mùa du lịch, do đặc sản này đã trở thành biểu tượng của du lịch biển Khánh Hòa. Du khách nào cũng muốn ra tận đảo Bình Ba ăn tôm hùm do chính ngư dân Bình Ba nuôi và chế biến.

Vùng du lịch đang có xu hướng mở rộng về phía vịnh Cam Ranh, mặc dù đây là vịnh biển có vùng quân cảng dường như không thích hợp cho du lịch. Như vậy, yếu tố du lịch truyền thống vẫn là điều kiện cần để các nhà đầu tư quyết định có đánh cược số vốn đầu tư của mình ở một khu du lịch tưởng chừng như bão hòa cơ sở lưu trú hay không. Và không phủ nhận, sự năng động của du lịch biển Khánh Hòa đã kéo theo các vùng lân cận là Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên tạo thành vùng liên kết du lịch cùng phát triển.

Ngoài xây dựng hệ thống giao thông hiện đại về đường sắt, đường bộ, hàng không, mở các tuyến đường cao tốc; thực hiện các chính sách hướng đến phát triển du lịch, đăng cai tổ chức nhiều sự kiện quốc tế và trong nước quan trọng tại Nha Trang, khôi phục và bảo tồn những giá trị văn hóa, các lễ hội nhằm thu hút và tạo điệu kiện thuận lợi cho du khách đến Nha Trang. Đến nay, Nha Trang là đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển trong nước và quốc tế.

Lượng khách đến Nha Trang ngày càng tăng kéo theo sự phát triển của thị trường bất động sản. Nhu cầu về căn hộ nghỉ dưỡng, căn hộ khách sạn, tăng lên làm cho thị trường bất động sản mà nhất là bất động sản nghỉ dưỡng cũng nóng theo nhằm chớp lấy thời cơ về nhu cầu cho thuê khách sạn cho du khách. Các khách sạn, nhà nghỉ từ bình dân cho đến cao cấp mọc lên khắp nơi, các khu resort hạng sang cũng ngày càng nhiều. Đây cũng là hướng phát triển tất yếu của các khu du lịch quy mô lớn.

Có thể thấy, Nha Trang hội tụ đầy đủ các yếu tố tự nhiên, cơ sở hạ tầng, chính sách của lãnh đạo tỉnh để ngành du lịch phát triển một cách nhanh, mạnh bền vững và đầy tiềm năng.

Xem thêm

Theo Biên Phòng

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/the-va-luc-cua-vung-lien-ket-du-lich-bien-79447.html