Thế trận Trung - Ấn: Quyết liệt về an ninh nước

An ninh nguồn nước là an ninh quốc gia khiến xung đột căng thẳng về quản lý nước các dòng sông.

Cho đến bây giờ người ta chỉ thường khai thác tính thơ mộng, lãng mạn, huyền bí của các con sông lớn, nhưng ít người quan tâm đến vấn đề an ninh nguồn nước tại các con sông này, gắn liền với sinh mệnh của hàng trăm triệu người sống tại lưu vực các dòng sông. Một nền văn minh có thể phát triển rực rỡ từ các con sông lớn. Nhưng cũng có thể lụi tàn cùng các dòng sông.

Ông Al Sadat, tổng thống Ai Cập, sau ký kết Hiệp ước hòa bình với Israel, năm 1979, tuyên bố, từ nay nếu có chiến tranh thì đó sẽ là chiến tranh vì nguồn nước sông Nil. Nhưng ngày nay, khi Ethiopia, một quốc gia nhỏ ở Đông Phi tham vọng trở thành nước xuất khẩu điện lớn nhất khu vực với dự án xây đập thủy điện Đại Phục hưng ngay trên sông Nile, Ai Cập có thể gây chiến tranh chống Ethiopia chăng? Tham vọng của Ethiopia đang vấp phải sự phản đối dữ dội từ các nước bạn, đặc biệt là Ai Cập, nơi sử dụng sông Nile như nguồn nước chính. Nhưng chỉ hợp tác mới giải quyết được vấn đề.

Xung đột nguồn nước trên một số sông quốc tế rất quyết liệt

Bất chấp quy mô và tầm quan trọng hệ thống sông ngòi rộng lớn nối liền giữa Trung Quốc và Ấn Độ, cùng với Nepal, Bhutan, Bangladesh, các bên không có cấu trúc thống nhất quản lý nguồn nước, trong khi các thỏa thuận song phương để quản trị nguồn nước là không đủ.

Nếu các nước không nhất trí thiết lập một cơ chế quản lý nguồn nước toàn lưu vực, các hệ thống sông ngòi mà cả Trung Quốc và Ấn Độ đều phải dựa vào, sẽ lâm nguy.

Gần một năm sau khu cuộc xung đột ở Doklam, Ấn Độ và Trung Quốc đang cố gắng đưa quan hệ trở lại đúng hướng. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã gặp Chủ tịch Tập Cận Bình cuối tháng 4/2018 ở Vũ Hán (Trung Quốc) nhằm mục đích bình thường hóa quan hệ. Trung Quốc đồng ý cung cấp tài liệu thủy văn của sông Brahmaputra, ở Trung Quốc gọi là sông Yarlung Tsangpo, chảy qua hai nước, đổ ra vịnh Bengal thuộc Bangladesh. Nếu Bắc Kinh và New Delhi không xử lý được vấn đề nguồn nước, có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng với khu vực, cư dân và môi trường.

Đập thủy điện trên sông Indus tại Pakistan do Trung Quốc xây dựng.

Từ Yarlung Tsangpo đến Brahmaputra

Thượng nguồn sông Indus xuất phát từ Trung Quốc, Ấn Độ, rồi chảy xuyên Pakistan. Một số nhân vật cứng rắn ở Ấn Độ đưa ra ý kiến nắn dòng của sông Indus đoạn chảy qua Ấn Độ để tạo sức ép đối với Pakistan. Sông Brahmaputra kết nối với sông Geghna và Ganges ở Bangladesh, hình thành một hệ thống sông với khoảng 138 triệu lít nước trong suốt mùa lũ – nhiều gấp 1,5 lần lượng nước mùa lũ của sông Amazon.

Trung Quốc từ chối tham gia vào hệ thống quản lý nguồn nước được thể chế hóa. Trong quá trình phát triển nhanh chóng, Trung Quốc phải trực tiếp xử lý những thách thức về địa lý và nguồn nước của mình. Ngày nay, Trung Quốc đã xây dựng nhiều đập nước hơn phần còn lại của thế giới cộng lại, như một phần của chiến lược quản lý nguồn nước nhằm giảm nhẹ tình trạng khan hiếm nước của 11 tỉnh của nước này. Nhiều công trình đập nước của Trung Quốc tác động đến nguồn nước của Ấn Độ, đặc biệt là Dự án Đổi dòng nước Bắc-Nam của Trung Quốc, lấy nước từ sông Yarlung Tsangpo cho tuyến phía Tây của dự án.

New Delhi phải có cách tiếp cận chiến lược, cân bằng để đàm phán với Bắc Kinh về các dòng sông chung. Sau cùng, Ấn Độ đang triển khai những kế hoạch quản lý và phát triển nguồn nước của riêng mình, trong đó có Dự án kết nối sông quốc gia mới khởi động gần đây, mà trở ngại duy nhất là sự tốn kém hàng trăm tỷ USD.

Giống Trung Quốc, Ấn Độ có quan hệ cẳng thẳng với các láng giềng khác về những nguồn nước chung và cố gắng áp đặt lên nước khác trong các cuộc đàm phán song phương. Hệ quả là, Ấn Độ bị một số nước láng giềng, như Bangladesh, chỉ trích kịch liệt vì những yêu cầu “đạo đức giả” đối với Trung Quốc.

Quản lý nguồn nước

Ngoài chính trị, việc thiếu dữ liệu cụ thể khắp các lưu vực sông cũng khiến vấn đề nguồn nước trở nên phức tạp hơn giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Hai nước giữ thông tin họ có như bí mật cần được bảo vệ chặt chẽ, và trong bối cảnh thiếu vắng hệ thống quản lý nước xuyên quốc gia, hai nước có rất ít nguồn lực pháp lý để đặt vấn đề với nước kia. Trung Quốc đặc biệt phải đấu tranh cân bằng lợi ích và nhu cầu của các nước hạ nguồn với lợi ích quốc gia của chính họ. Trung Quốc cũng đạt được thỏa thuận với Ấn Độ và Bangladesh chia sẻ dữ liệu thủy văn sông Yarlung Tsangpo trong mùa mưa để cảnh báo các nước hạ nguồn về nguy cơ lũ lụt – một trong những vấn đề chính của lưu vực sông.

Đập Thủy điện của Lào trên sông Mê Công: Lào kế hoạch xây 70 đập thủy điện trên các sông nhánh và 11 đập trên dòng chính sông Mê Công.

Nhưng việc quản lý nguồn nước phụ thuộc phần lớn vào sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau. Sau cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Ấn Độ năm 2017 ở Doklam, Trung Quốc không cung cấp cho Ấn Độ dữ liệu thủy văn như được yêu cầu. Và mặc dù viện lý do vấn đề kỹ thuật, sai sót của Trung Quốc khiến Ấn Độ nghi ngờ về động cơ chính trị. Một loạt cuộc gặp giữa quan chức hai nước ở các cấp chính phủ đã làm dịu vấn đề nguồn nước. Ngoài ra, hội nghị lần thứ 11 Cơ chế cấp chuyên gia Trung-Ấn về các con sông xuyên biên giới vào tháng 3/2018 đã đảm bảo Bắc Kinh sẽ cung cấp cho New Delhi dữ liệu thủy văn cần thiết trong năm nay như bình thường./.

Lưu Việt (Theo Stratfor)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/the-tran-trung-an-quyet-liet-ve-an-ninh-nuoc-345126.html