'Thế trận lòng dân'- bài học lớn từ Tổng tiến Công và nổi dậy Mậu Thân 1968

Ngành công an nhân dân muốn đánh giá toàn diện về vai trò của lực lượng này cũng như những bài học kinh nghiệm rút ra từ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, cách nay vừa tròn 50 năm.

Đây là mục đích của Hội thảo khoa học lịch sử, với chủ đề “Vai trò của lực lượng Công an nhân dân (CAND) trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968” do Bộ Công an và Thành ủy TP HCM phối hợp vừa tổ chức vào ngày 16/12.

Hội thảo có sự tham dự của Đại tướng Lê Hồng Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an; ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM; ông Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; cùng đại diện 500 đại biểu là các anh hùng LLVTND, lão thành cách mạng, nhân chứng lịch sử tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Thành phát biểu Khai mạc Hội thảo. (Ảnh: Hồng Phúc).

Bài học lịch sử to lớn

Trong phát biểu khai mạc Hội thảo khoa học lịch sử, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, mục đích của Hội thảo lần này nhằm đánh giá toàn diện về vai trò của lực lượng CAND cũng như bài học kinh nghiệm trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Theo tướng Thành, dù đã 50 năm sau cuộc tổng tiến công nhưng bài học lịch sử rất quý báu của sự kiện này cho đến nay còn nguyên tính thời sự. Đó là ý nghĩa về tính chiến lược, cuộc tổng tiến công đã giáng đòn quyết định, buộc chính quyền Mỹ chấm dứt chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc Việt Nam, chấp nhận đàm phán tại hội nghị Paris; gây chấn động nước Mỹ và dư luận quốc tế.

Cuộc tổng tiến công nổi dậy của quân và dân ta đã nổ ra hàng loạt ở 4 thành phố lớn, 37 thị xã và hàng trăm thị trấn trên toàn miền Nam. Chiến dịch làm tan rã 600 ấp chiến lược, giải phóng hơn 100 xã với hơn 1,6 triệu dân.

Góp vào thắng lợi to lớn ấy, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành nói, có sự đóng góp thầm lặng, hết sức vẻ vang của lực lượng CAND trong nhiệm vụ trinh sát, điệp báo, nắm bắt thông tin, bảo vệ các cơ sở đảng, kết nối với các lực lượng trong hợp đồng chiến đấu. Thứ trưởng Bộ Công an mong muốn, những vấn đề được hội thảo khoa học lịch sử đặt ra sẽ là những bài học kinh nghiệm quý báu rút ra trong quá trình chiến đấu, qua đó vận dụng vào thực tiễn trong tình hình mới.

Ông Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM chia sẻ, nhân nhân miền Nam nói chung và nhân dân Sài Gòn nói riêng đã đóng góp vai trò đặc biệt làm nên thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy. Trong suốt thời kỳ cách mạng, lực lượng an ninh miền Nam đã được nhân dân che chở, luôn vững vàng về chính trị, sắc bén về nghiệp vụ, đoàn kết và phối hợp chặt chẽ với mọi lực lượng để bảo vệ thành quả của cách mạng.

Đại diện lãnh đạo TP HCM cũng chia sẻ, khi soi rọi lịch sử vào tình hình hiện nay đòi hỏi công an TP HCM kế thừa truyền thống vẻ vang - vừa công tác, vừa chiến đấu, vừa xây dựng lực lượng, không ngừng trưởng thành về chính trị, tư tưởng, tổ chức; phát triển theo hướng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và đáp ứng mọi yêu cầu, nhiệm vụ Đảng bộ và nhân dân thành phố đặt ra, góp phần xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Quang cảnh Hội thảo khoa học lịch sử về Vai trò của lực lượng CAND trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. (Ảnh: Hồng Phúc).

Bài học lớn là thế trận lòng dân

Hơn 100 bài tham luận, trong đó có nhiều bài được chọn trình bày tại Hội thảo đã nêu bật một trong những bài học lớn của 50 năm trước cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, chính là thế trận lòng dân, sức mạnh của nhân dân, che chở, đùm bọc, gắn kết thành một nguồn sức mạnh to lớn,, đánh bại mọi âm mưu của các thế lực xâm lược.

Thiếu tướng Phan Văn Lai (anh hùng LLVTND, 88 tuổi) là nhân chứng lịch sử của cuộc tống tiến công Mậu Thân 1968 kể, thời điểm nổ ra cuộc tổng tiến công ông Lai phụ trách Chánh Văn phòng Ban An ninh khu Trị Thiên – Huế cho biết, diễn biến ban đầu của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở Trị Thiên – Huế địch bị ta đánh bất ngờ, ta giành thắng lợi lớn, nhưng sau đó Mỹ - ngụy tập trung lực lượng và các phương tiện chiến đấu đánh phá ác liệt chiếm lại vùng nông thôn, đồng bằng, chiếm lại TP Huế, càn quét liên tục miền núi, đã làm cho lực lượng cách mạng gặp nhiều khó khăn và tổn thất, trong đó có lực lượng an ninh.

Tuy nhiên, ông Phan Văn Lai cho rằng, chính nhờ sức mạnh đoàn kết giữa nhân dân và các lực lượng cách mạng đã giúp bảo vệ an toàn các cơ quan của Đảng, lực lượng CAND, bộ chĩ huy chiến dịch toàn khu (gồm 10 xã phụ cận thành phố và 11 khu phố), xây dựng và bảo vệ được các bộ phận an ninh mật cắm ở địa bàn nông thôn, giúp đấu tranh trấn áp phản cách mạng và đã thu được thành quả chưa từng có, đóng góp có ý nghĩa vào thắng lợi chung.

Còn Thiếu tướng Nguyễn Bình Ban, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Công an cho biết, trong thời điểm rạng sáng 30/1/1968 các lực lượng an ninh Buôn Me Thuột, Kon Tum, Hội An, Đà Nẵng, Quy Nhơn và Pleiku đã sẵn sàng ém quân về phía trước, bám sát các mục tiêu đã định, nhất là công tác phối hợp chặt chẽ với các lực lượng quân sự và quần chúng nhân dân đồng loạt tấn công vào các vị trí chiến lược của địch. Sức mạnh của nhân dân, thế trận của lòng dân và các lực lượng CAND đãng giáng đòn mạnh vào địch, gây hoang mang, dao động đối với kẻ thù, khích lệ khí thế cách mạng, củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân.

Tại Hội thảo, đại diện UBND TP HCM cũng nhấn mạnh vai trò của nhân dân Sài Gòn – Gia Định phối kết hợp với lực lượng an ninh khu Sài Gòn – Gia Định đã đảm trách thành công nhiệm vụ bảo vệ các cơ sở Đảng, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo, bảo vệ căn cứ đầu não, vùng giải phóng; chống tình báo, gián điệp, chiêu hồi; tuyên truyền, gây dựng cơ sở bí mật, bảo vệ các lực lượng cách mạng ngay trong lòng địch.

Trung tướng Nguyễn Thanh Nam, Phó Tổng Cục trưởng phụ trách Tổng Cục Chính trị Công an Nhân dân nhấn mạnh, trong điều kiện đất nước tạm chia cắt, các lực lượng an ninh đã vận dụng thành công tư tưởng, tinh thần đại đoàn kết dân tộc khi xây dựng mạng lưới, các cơ sở an ninh trong lòng dân, tin tưởng và dựa vào quần chúng để phát triển lực lượng, tạo dựng thế trận an ninh, vừa bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng; vừa tạo thế bao vây, tấn công địch; vừa diệt ác trừ gian, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng. “Cuộc chiến đã cho chúng ta nhiều bài học lịch sử quý báu, bài học lớn nhất là bài học về thế trận lòng dân, dựa vào dân để tạo thành sức mạnh”, tướng Nam nhấn mạnh.

Các đại biểu, nhân chứng lịch sử trao đổi tại hội thảo. (Ảnh: Hồng Phúc).

Nhân dịp này, Ban liên lạc truyền thống Ngành Cán bộ Miền (B2) phối hợp với Cục Chính trị, Quân khu 7 tổ chức họp mặt truyền thống kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, 50 năm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Buổi gặp mặt là dịp để ghi nhận, tôn vinh và tri ân những anh hùng liệt sĩ, mẹ VNAH, cán bộ, chiến sĩ CAND trực tiếp chiến đấu trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Trước đó, cũng tại TP.HCM, Bộ Công an tổ chức gặp mặt gần 300 nhân chứng lịch sử và thân nhân liệt sĩ CAND tiêu biểu trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Các nhân chứng đã đại diện cho hơn 3.000 cán bộ, chiến sĩ công an thuộc các lực lượng an ninh vũ trang, trinh sát vũ trang, điệp báo an ninh miền Nam… đóng vai trò nòng cốt trong công tác nắm tình hình, cung cấp thông tin, giao liên mở đường, kết hợp với lực lượng tại chỗ tiến công vào các cơ quan đầu não, hệ thống giao thông, sân bay, kho tàng, trại giam của Mỹ - Ngụy…

Thành Luân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chinh-tri/the-tran-long-dan-bai-hoc-lon-tu-tong-tien-cong-va-noi-day-mau-than-1968-tintuc389177