Thế trận biên phòng toàn dân trên tầm cao mới

Ngày 9-1-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về việc 'Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới' (gọi tắt là Chỉ thị số 01), đã tạo ra cơ sở pháp lý và chính sách cho các cấp, các ngành, các lực lượng, các địa phương triển khai thực hiện hiệu quả các phong trào quần chúng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên các tuyến biên giới, biển đảo. Sau một năm triển khai thực hiện, Chỉ thị số 01 đã thực sự phát huy hiệu quả trong quản lý, xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới (ANBG) quốc gia và củng cố vững chắc thế trận biên phòng toàn dân trên phạm vi toàn quốc.

Đồn BP Pò Mã, BĐBP Lạng Sơn phối hợp với dân quân tuần tra bảo vệ biên giới.

Động lực mới cho nền Biên phòng toàn dân

Thiếu tướng Lê Thái Ngọc, Phó Chính ủy BĐBP khẳng định: Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ là một bước phát triển mới, hoàn thiện và cụ thể hóa chủ trương của Đảng đối với các vấn đề có tính chiến lược về xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, ANBG quốc gia. Đây cũng là cơ sở pháp lý và chính sách cho các cấp, các ngành, các lực lượng, các địa phương tạo ra phong trào quần chúng nhân dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền, ANBG quốc gia trên phạm vi cả nước, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, thống nhất, tập trung của cấp ủy, điều hành của chính quyền các địa phương. Ngay sau khi Chỉ thị được ban hành, các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương xây dựng kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Trên tuyến biên giới Lạng Sơn, không khí ngày hội Biên phòng toàn dân thực sự tưng bừng, khi người dân hào hứng, phấn khởi đến đăng ký với BĐBP và chính quyền địa phương tham gia phong trào. Bác Đinh Hồng Quảng, đảng viên lão thành của xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định phấn khởi cho biết: Chính sách đúng đắn và kịp thời của Chính phủ thực sự đang thổi bừng lên khí thế yêu nước trong các thôn bản giáp biên. Bà con càng thêm vững tin khi được Đảng, Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện cho các thôn, bản, hộ gia đình tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, ANBG quốc gia cùng với chính sách ưu tiên cho bà con như: Được ưu tiên, xem xét giao đất, giao rừng, được hỗ trợ kinh phí khai hoang, tái định cư ở khu vực sát biên giới…

Không chỉ mang lại niềm vui cho bà con ở biên giới đất liền, Chỉ thị số 01 còn lan tỏa trên các vùng biển của Tổ quốc. Thuyền trưởng tàu vỏ thép Sang Fish 01, Lê Văn Sang tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng chia sẻ: Ngư dân vững tin hơn khi ra khơi bám biển sản xuất và bảo vệ chủ quyền lãnh hải quốc gia. Theo nhiều ngư dân, tính ưu việt và nhân văn của Chỉ thị số 01 thể hiện ở nội dung: Tập thể, hộ gia đình, cá nhân được người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền ra quyết định huy động nhân lực, phương tiện, tàu thuyền... tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, ANBG quốc gia, nếu bị ốm, bị thương, bị chết, thiệt hại về tài sản, phương tiện, tàu thuyền..., được hưởng chế độ chính sách theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.

Đưa phong trào thực sự đi vào chiều sâu và thiết thực

Thanh Hóa là nơi phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, ANBG quốc gia được nhen nhóm đầu tiên từ thập niên 80 của thế kỷ trước, là một trong những địa phương sớm đưa Chỉ thị số 01 vào cuộc sống.

Đại tá Lê Khắc Quang, Chính ủy BĐBP Thanh Hóa cho biết: Năm qua, phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, ANBG quốc gia đã lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và xây dựng thế trận lòng dân vững chắc. 150 tổ tự quản bảo vệ đường biên, cột mốc tại 150 bản giáp biên thuộc 16 xã biên giới đất liền của tỉnh Thanh Hóa thực sự giữ vai trò nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, ANBG quốc gia. Đội ngũ người có uy tín, các già làng, trưởng bản, Bí thư chi bộ các thôn bản luôn đi đầu trong tuyên truyền, vận động bà con các dân tộc tham gia cùng BĐBP bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh trật tự khu vực biên giới. Đặc biệt, 56 già làng tự nguyện đăng ký tham gia tự quản 56 cột mốc trên tổng số 88 vị trí cột mốc quốc giới trên tuyến biên giới Thanh Hóa.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, Lê Tiến Phương cho biết: Đến thời điểm này, địa phương đã tổ chức được 264 tổ tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự thôn, bản với 6.775 hộ đăng ký tham gia tự quản bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, ANBG quốc gia theo tinh thần của Chỉ thị số 01. Chính quyền địa phương các xã ven biển đang khẩn trương phối hợp với BĐBP tổ chức cho các hợp tác xã nuôi trồng, khai thác thủy hải sản và bà con ngư dân đăng ký vào các tổ, đội "Tự quản tàu thuyền, bến, bãi", "Tổ đoàn kết trên biển"..., tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Đánh giá phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, ANBG quốc gia trên 260,433km đường biên giới của tỉnh Bình Phước, tiếp giáp với 3 tỉnh của Cam-pu-chia, Đại tá Nguyễn Văn Liên, Chỉ huy trưởng BĐBP Bình Phước khẳng định: Tỉnh Bình Phước đã hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên biên giới gồm: 28 cột mốc tại 19 vị trí mốc và 83 cọc dấu, xây dựng 1 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu chính, 1 cửa khẩu phụ và một lối mở.

Nhiều mô hình bảo vệ chủ quyền, ANBG phát huy hiệu quả tốt như: "Gia đình không có người thân phạm tội, mắc tệ nạn xã hội", "Điểm sáng nơi biên giới", "Phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia bảo quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự thôn, ấp"... đang góp phần cùng BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền ANBG, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, thúc đẩy công cuộc đổi mới, hội nhập của đất nước.

Trên tuyến biên giới biển, BĐBP các tỉnh, thành đã chủ động phát huy vai trò là cơ quan thường trực giúp UBND các địa phương tổ chức triển khai, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 01. Nổi bật là công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với ngư dân, giúp ngư dân an tâm, vươn khơi bám biển.

Tiêu biểu như: Ba lực lượng Quân sự, Biên phòng, Công an của tỉnh Cà Mau đã phối hợp tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo; ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý; vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới vùng biển, đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ tài nguyên môi trường biển.

Các hoạt động này đã nâng cao nhận thức về chủ quyền lãnh thổ, ANBG quốc gia và tinh thần cảnh giác cho cán bộ, nhân dân trên khu vực biên giới biển trước những âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Bộ Chỉ huy BĐBP TP Hải Phòng duy trì và phát huy hiệu quả 37 tổ, đội tàu thuyền an toàn và 2 cụm an ninh liên kết trên biển trong bảo vệ chủ quyền, ANBG biển, đảo, kịp thời phát hiện, cảnh cáo, xua đuổi hàng trăm lượt tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam...

Có thể khẳng định, đến nay, phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, ANBG quốc gia đã thực sự đi vào đời sống nhân dân trên các tuyến biên giới, biển đảo của Tổ quốc. Chỉ thị số 01 thực sự là động lực, chỗ dựa tin cậy cho nhân dân quyết tâm bám biển, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Để phong trào tiếp tục được duy trì, đem lại hiệu quả, cần thực hiện đúng cơ chế: Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, BĐBP làm nòng cốt tham mưu, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, cùng các lực lượng, ban, ngành, đoàn thể thực hiện.

Điều đặc biệt quan trọng là việc bảo vệ chủ quyền ANBG phải kết hợp chặt chẽ với việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng biên; gắn trách nhiệm với quyền lợi, kết hợp hài hòa lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng và lợi ích cá nhân.

H.L

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/the-tran-bien-phong-toan-dan-tren-tam-cao-moi/