Thế 'tiến thoái lưỡng nan' về an ninh của EU

Với việc Mỹ có kế hoạch rút một phần binh sĩ khỏi Đức, lãnh đạo của các quốc gia lớn ở châu Âu đã đưa ra một số tuyên bố cho thấy Liên minh châu Âu (EU) cần trở thành một thế lực địa chính trị độc lập và chuẩn bị đảm nhận vai trò mới trong một thế giới mà Mỹ không còn là lãnh đạo.

Điều này báo trước sự ra đời của chính sách chiến lược mới của EU nhằm đảm nhận một vai trò nổi bật và độc lập hơn trong việc xây dựng một cấu trúc an ninh ở châu Âu.

Ngày 15-6, Tổng thống Trump chính thức tuyên bố quân số Mỹ tại Đức sẽ giảm 10.000 người. Lý do Tổng thống Trump đưa ra là Đức chưa bao giờ đạt được mức chi tiêu quốc phòng 2% GDP. Washington cũng không hài lòng trước việc Berlin không có động thái giảm hỗ trợ cho dự án “Dòng chảy phương Bắc 2”.

Trước những đe dọa của Mỹ về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các Cty liên quan đường ống dẫn khí đốt trên, một số quan chức Đức cho biết họ sẵn sàng tiến hành một loạt biện pháp trả đũa.

Có vẻ như Đức đã chuẩn bị tâm lý cho diễn biến lần này. Hôm 26-6, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, EU cần chuẩn bị cho một thế giới mới mà Mỹ không còn là lãnh đạo. Ý tưởng của bà Merkel đã được Bộ trưởng Quốc phòng Annegret Kramp-Karrenbauer diễn giải: Theo quan điểm của bà Merkel, chính sách của Mỹ khó có thể thay đổi ngay cả khi có một chính quyền mới tại Nhà Trắng.

Tuyên bố của các chính trị gia Đức được đưa ra sau nhận xét của Tổng thống Pháp Macron hồi tháng 11-2019 rằng NATO đang bị “chết não.” Sau đó, ông Macron kêu gọi châu Âu “trở thành một lực lượng địa chính trị độc lập, nếu không sẽ có nguy cơ mất kiểm soát đối với vận mệnh của chính mình.”

Tháng 6-2020, ông Macron đã nhắc lại quan điểm này trong một cuộc họp báo chung với người đồng cấp Tunisia. Tổng thống Pháp cho rằng hệ thống ra quyết định của NATO và sự phối hợp hành động của các đồng minh đang gặp khủng hoảng, do đó cho thấy sự tự chủ của EU trong các vấn đề an ninh là cần thiết.

Binh sĩ Mỹ tại Đức sẽ được cắt giảm mạnh. Ảnh tư liệu

Binh sĩ Mỹ tại Đức sẽ được cắt giảm mạnh. Ảnh tư liệu

Trên thực tế, ý tưởng về quyền tự chủ an ninh và quốc phòng của EU đã được đưa ra kể từ khi EU được thành lập vào năm 1993. Pháp theo truyền thống là nhà vận động hành lang chính cho ý tưởng này, nhưng luôn vấp phải sự phản đối của Mỹ. Mặc dù chính sách đối ngoại, thể chế an ninh và quốc phòng của EU đã chính thức ra đời, nhưng quốc phòng của châu Âu phần lớn vẫn nằm dưới sự bảo trợ của NATO.

Sự vận động hành lang khá mạnh mẽ của NATO ở các quốc gia chủ chốt của EU, chủ yếu là Anh và các nước Đông Âu, cũng là một yếu tố chính khác khiến EU không có quyền tự chủ hoàn toàn trong các vấn đề an ninh và quốc phòng. Định hướng của NATO cũng đặc biệt mạnh mẽ ở Đức, quốc gia chủ chốt của EU. Lập trường hạn chế của Berlin, cùng với sự phản đối mạnh mẽ của Anh và các thành viên Đông Âu thuộc EU, là một trở ngại cho nỗ lực thực hiện ý tưởng của Paris.

Tuy nhiên, các sự kiện mới nhất cho thấy, bất chấp các tuyên bố về tầm quan trọng của tình đoàn kết xuyên Đại Tây Dương và sự ủng hộ đối với sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Đức, bản chất của mối quan hệ với Washington đã thay đổi.

Xu hướng này đã hình thành trong vài năm qua. Berlin tỏ ra khó chịu trước chính sách khó lường và thiếu nhất quán của Tổng thống Trump trong nhiều vấn đề, từ việc tham gia vào các định dạng đa phương như G7 hay WTO đến việc rút khỏi các hệ thống kiểm soát vũ khí.

Trên thực tế, Berlin dần nhận thấy Mỹ đang đánh mất vai trò người bảo vệ các lợi ích của châu Âu và các giá trị chung xuyên Đại Tây Dương. Trước tình hình đó, các chính trị gia châu Âu tuyên bố cần phải biến EU thành một trung tâm quyền lực địa chính trị độc lập với chương trình nghị sự của riêng mình, có thể cung cấp an ninh cho thế giới và bảo vệ mình trước các đối thủ cạnh tranh.

Tầm nhìn này càng được củng cố bởi đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra. Nếu như trong thời kỳ suy thoái 2008-2009, các nước đi đầu ít nhất cũng nỗ lực cùng nhau vượt qua bằng cách cải tổ các thể chế toàn cầu, thì lần này, các xu hướng cơ bản lại khá bất lợi.

Khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố đại dịch, sự khác biệt lớn giữa các cường quốc hàng đầu thế giới đã bộc lộ. Chúng càng trở nên trầm trọng hơn bởi thực tế là đại dịch trùng với chu kỳ chính trị ở Mỹ, tức là chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11-2020. Điều này làm cho chính sách đối ngoại của Mỹ thậm chí còn khó dự đoán hơn.

Tuy nhiên, không phải tất cả các quốc gia EU đều ủng hộ quyền tự trị lớn hơn của EU với Mỹ. Các thành viên EU ở Đông Âu (chủ yếu là Ba Lan) đã chọn cách tận dụng tình hình và củng cố mối quan hệ của họ với Washington. Không giống như Đức, họ sẵn sàng chi 2% GDP cho quốc phòng và thậm chí phân bổ ngân sách để gia tăng sự hiện diện của quân đội Mỹ - điều hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Tổng thống Trump.

Trong khi đó, Pháp và Đức đang trở thành những lực lượng ủng hộ quyền tự chủ lớn hơn của EU với Mỹ trong các vấn đề an ninh và quốc phòng. Nhu cầu phát triển quyền tự chủ sẽ khuyến khích Pháp và Đức - nền kinh tế lớn nhất EU - tăng chi tiêu cho an ninh và quốc phòng, đồng thời có thể tăng mục chi tiêu này trong ngân sách của EU trong tương lai.

Việc thực hiện các kế hoạch này cũng được thúc đẩy hơn nữa bởi Brexit. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, sự tự chủ trong đảm bảo an ninh đầy đủ và toàn diện sẽ đòi hỏi EU phải triển khai những nỗ lực lớn hơn nhiều so với những nỗ lực mà các chính trị gia tuyên bố hiện nay.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/the-tien-thoai-luong-nan-ve-an-ninh-cua-eu-211592.html