'Thẻ thông hành' cho xuất khẩu nông sản

Ngày 30/6/2019, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (AVFTA) chính thức được ký kết. Đây là cơ hội để nông sản Quảng Ninh nói riêng, cả nước nói chung, vươn xa trong hoạt động xuất khẩu, mở rộng thị trường. Tuy nhiên, để đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu khắt khe của thị trường nước ngoài là một trong những thách thức của ngành Nông nghiệp Việt Nam.

Không chỉ thị trường châu Âu, từ cuối năm 2018, phía Trung Quốc thực hiện các biện pháp siết chặt chính sách biên mậu đối với hàng nông sản của Quảng Ninh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Việc kiểm soát thông qua thực hiện các chính sách phi thuế quan nhằm kiểm duyệt nghiêm ngặt chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ và quy chuẩn bao gói nhãn mác; quản lý và truy xuất hồ sơ doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu hàng thủy sản Quảng Ninh sang thị trường Trung Quốc; từng bước chính ngạch hóa với các điều kiện nhập khẩu.

Để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, các sở, ngành, doanh nghiệp trên địa bàn Quảng Ninh đã đổi mới cách thức sản xuất, nuôi trồng, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất…

Đến nay, trên địa bàn tỉnh, ngành Nông nghiệp đã cấp mã số đủ điều kiện xuất khẩu cho 40 cơ sở; 1.079 giấy chứng nhận an toàn thực phẩm (ATTP).

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng Trung Quốc cũng cấp mã số cho 14 vùng trồng cây ăn quả (3 vùng trồng nhãn, 7 vùng trồng thanh long và 4 vùng trồng vải), 3 cơ sở đóng gói quả tươi và 9 công ty xuất khẩu thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Đây được coi như ”tấm thẻ thông hành” để nông sản xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Ngành Nông nghiệp cũng chủ động triển khai các chương trình giám sát chỉ tiêu ATTP đối với nông sản tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, gồm: Kiểm soát dư lượng các chất độc hại đối với nuôi tôm; kiểm soát dư lượng thu hoạch nhuyễn thể 2 mảnh vỏ; kiểm soát tôm nuôi xuất khẩu.

Thực tế, Quảng Ninh có nguồn nông sản dồi dào, phong phú, đáp ứng các nhu cầu xuất khẩu. Diện tích vùng trồng quả 970 ha, sản lượng đạt gần 4.400 tấn/năm, chủ yếu là vải, nhãn, thanh long.

Đối với mặt hàng thủy sản, sản lượng trung bình hằng năm đạt trên 124.300 tấn/năm. Xuất khẩu đòi hỏi ngành chế biến thủy sản phải phát triển tương xứng.

Hiện năng lực cấp đông của các đơn vị trên địa bàn tỉnh ước đạt 380 tấn/ngày; năng lực bảo quản đông lạnh đạt 11.700 tấn; sản lượng chế biến xuất khẩu khoảng 7.500 tấn/năm. Tuy nhiên, mới chỉ có 25% sản lượng thủy sản được đưa vào chế biến, còn lại chủ yếu xuất khẩu thô.

Xuất khẩu nông sản hiện vẫn khó khăn. Một trong số đó là vướng mắc về việc kiểm soát chất lượng hàng thủy sản xuất khẩu từ khâu nuôi - thu hoạch - chế biến - bao gói. Bởi lẽ, hiện hầu hết hộ dân, doanh nghiệp nuôi trồng theo kinh nghiệm, chưa thực hiện các biện pháp quản lý về an toàn thực phẩm, cấp mã cơ sở nuôi, ao nuôi...

Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp Việt Nam đủ điều kiện được Bộ Nông nghiệp Trung Quốc phê chuẩn và Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) cấp mã xuất khẩu quá ít, trong khi sản lượng thu hoạch rất lớn.

Bốc xếp hàng bột sắn xuất khẩu tại Cảng ICD Thành Đạt. (Ảnh: Hữu Việt)

Bốc xếp hàng bột sắn xuất khẩu tại Cảng ICD Thành Đạt. (Ảnh: Hữu Việt)

Để khắc phục khó khăn và giúp các đơn vị sản xuất, xuất khẩu được cấp ”thẻ thông hành”, nhất là trong lĩnh vực thủy sản, Sở NN&PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Ninh có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNT tháo gỡ khó khăn xuất khẩu thủy sản vào thị trường Trung Quốc. Theo đó, tỉnh đã đề xuất Bộ NN&PTNT đề nghị phía Trung Quốc bổ sung danh mục sản phẩm thủy sản được phép nhập khẩu vào Trung Quốc, là sứa muối phèn, ngao giá (ngao hai cùi) và rươi.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khoảng 7.000 tấn hàu của người dân huyện Vân Đồn không thể xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Sở đã đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ thành lập đoàn công tác do Bộ NN&PTNT chủ trì, sang Trung Quốc làm việc, thống nhất một số nội dung để xử lý các khó khăn trong xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc thời gian qua. Đồng thời, tiếp tục rà soát, đánh giá bổ sung các cơ sở chế biến thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc, kiến nghị bên Trung Quốc bổ sung danh mục các cơ sở bao gói, sơ chế, chế biến thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu.

Sở cũng đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản hỗ trợ các doanh nghiệp Quảng Ninh hoàn thiện thủ tục đánh giá lại, bổ sung các mặt hàng thủy sản phù hợp xuất sang thị trường Trung Quốc.

Dương Hà

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202003/the-thong-hanh-cho-xuat-khau-nong-san-2476568/